Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH) nông nghiệp, tạo bước đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035 và Nghị quyết 15-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, bức tranh nông nghiệp, nông thôn Hà Nam đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện. Điều đó chứng minh, khi các chủ trương chính sách được hiện thực hóa không chỉ đem lại diện mạo mới cho nông thôn mà còn tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, tư duy của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Vai trò, vị trí của “tam nông” trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương được khẳng định. Tuy nhiên, để tạo bước đột phá, nhiều “điểm nghẽn” của “tam nông” cần phải được quan tâm tháo gỡ; trong đó, người nông dân phải được đặt vào vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như xây dựng NTM.
Kỳ I: Nông dân phải là trung tâm
Mục tiêu của chính sách “tam nông” (nông nghiệp, nông dân , nông thôn) suy cho cùng là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân mới chuyên nghiệp và làm nông là một nghề có tri thức… Chính sách “tam nông” về bản chất và trên thực tế chỉ là một vấn đề; đó là, những “câu chuyện” của người nông dân, về người nông dân, những người có sinh kế chủ yếu bằng nghề nông và sống ở nông thôn. Nông dân chính là trung tâm, là chủ thể của quá trình phát triển và trong quá trình phát triển ở nông thôn nên trọng tâm của “tam nông” phải lấy dân làm gốc.
Từ quan điểm nhất quán của Đảng về “tam nông”
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, coi trọng trong nhiều năm qua. Bước vào thời kỳ đổi mới, sự đột phá về chính sách của Đảng cũng được khởi đầu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa X (8/2008) đã ra Nghị quyết về “tam nông”, trong đó, khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH – hiện đại hóa (HĐH), xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng đề cập đến cả 3 nội dung của vấn đề “tam nông”; đó là sự khẳng định, bổ sung và tiếp tục phát triển chủ trương, đường lối lãnh đạo đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng có hiệu quả những quan điểm chỉ đạo của Đảng về “tam nông”, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX làm cơ sở vững chắc để tạo bước phát triển mới trên cả 3 phương diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, cũng đã có Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CNH nông nghiệp, tạo bước đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035. Theo đó, quan điểm và mục tiêu chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy là: đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Đẩy nhanh CNH nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, địa phương; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nông dân; đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường nông thôn…
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Xuân Huy, TUV, Bí thư Huyện ủy Bình Lục khẳng định: Từ thực tiễn phát triển kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội và an ninh – quốc phòng của Bình Lục nói riêng, của tỉnh nói chung trong những năm qua, có thể khẳng định, vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là vấn đề lớn, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt đối với các cấp, các ngành, các địa phương và bản thân người nông dân nên rất nhiều các giải pháp trọng tâm đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với những thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, năm 2019, Bình Lục được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM và năm 2020, Hà Nam cũng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nhận diện và phát huy vai trò trung tâm của nông dân
Nông dân là chủ thể của mọi quá trình kinh tế – văn hóa – xã hội diễn ra ở nông thôn. Vì vậy, khi Đảng và Nhà nước triển khai các chính sách về “tam nông”, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thì vai trò “trung tâm” của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc. Nói như đồng chí Ngô Văn Liên, Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên: Là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ; đồng thời vừa là người tổ chức sản xuất, người trực tiếp sản xuất vừa là người buôn bán các sản phẩm của quá trình sản xuất. Vì vậy, khi những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng và Nhà nước được triển khai đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nông dân chính là người triển khai thực hiện, biến các chương trình, kế hoạch đó trở thành hiện thực. Đặc biệt, thông qua chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, vai trò ấy ngày càng được khẳng định và phát huy. Ví như, trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, người dân không chỉ đóng góp sức người, sức của, hiến đất, dịch tường mà còn trực tiếp tham gia giám sát với tư cách là thành viên của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao…
Rõ ràng, nông dân không chỉ tham gia đóng góp kinh phí để thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, họ còn tham gia bàn thảo, góp ý kiến vào quy hoạch, thiết kế, quy mô, địa điểm và là người thực hiện hầu như mọi công việc xây dựng và hoàn thiện, giám sát các công trình này. Đó chính là phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Điều này, không những ngăn chặn sự thất thoát, lãng phí vốn, vật tư mà còn bảo đảm chất lượng công trình một cách tối ưu…
Không chỉ phát huy vai trò trung tâm trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, người nông dân còn là chủ thể mọi hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở nông thôn, họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, an ninh, trật tự, tín ngưỡng, tôn giáo, từ thiện. Nhất là, khi đời sống người dân nông thôn ngày càng nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu ở xã hội nông thôn, thì nông dân chính là chủ nhân của các lễ hội ở khắp các làng quê. Họ vừa tham gia vào phần lễ, vừa tham gia vào phần hội. Mọi hoạt động của lễ hội dân gian đều do nông dân thực hiện. Các lễ hội này không chỉ đáp ứng đời sống tinh thần của người dân nông thôn mà còn quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu hàng hóa, đặc sản địa phương. Lễ hội cũng là dịp thu hút khách du lịch, mà các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ lễ hội cũng ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương… đó là nhận định của ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nói về vai trò chủ thể của nông dân khi tham gia phát triển kinh tế – xã hội nói chung, xây dựng NTM, NTM nâng cao nói riêng đồng chí Trần Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Bản (Bình Lục) chia sẻ: Với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ, những năm qua, Vũ Bản đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân. Không chỉ đồng hành cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự hoạt động của cả hệ thống chính trị, người dân còn tham gia giám sát hoạt động của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Chỉ khi nào nông dân gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội thì hệ thống chính trị mới thực sự là của dân, do dân, vì dân. Sự tham gia của nông dân vào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở càng nêu bật vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng, phát triển nông thôn.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh những năm qua, khẳng định: nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là tấm áo giáp, là lá chắn, là chỗ dựa bảo đảm sự bền vững cho quá trình phát triển mà còn là nền tảng, là lợi thế cần tiếp tục được phát huy. Khi “tam nông” lấy dân làm gốc, làm chủ thể của sự phát triển, thì tất yếu sức mạnh nội tại của người nông dân sẽ được phát huy. Những thành tựu của chương trình xây dựng NTM chính là biểu hiện sinh động, khẳng định thành công của Đảng khi biết huy động, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân.
Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực – tạo diện mới cho khu vực nông thôn
Minh Thu