Ngày 7/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025 để thảo luận, cho ý kiến vào 7 nội dung gồm các luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó nhiều nội dung liên quan hoàn thiện pháp luật, đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo chương trình tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của năm 2025 để thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược. Đây là “đột phá của đột phá”, thể chế là nguồn lực, động lực cho phát triển, nhưng thể chế hiện nay cũng là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do đó, chúng ta phải tập trung cả 3 đột phá chiến lược đều quan trọng, đã được xác định từ mấy kỳ Đại hội Đảng gần đây và Đại hội lần thứ XIV của Đảng năm tới vẫn sẽ xác định như vậy; với tinh thần “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh” để khơi thông mọi nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển đất nước, cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này thảo luận 7 dự án luật và các nghị quyết rất quan trọng liên quan vấn đề tổ chức, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương bảo đảm “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả”, phát huy hiệu năng đã quy định. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, làm tổ chức từ trên xuống dưới và cả dưới lên trên, “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, không để gián đoạn công việc, mô hình tổ chức mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn, người dân được hưởng thụ nhiều hơn thành quả này.
Thủ tướng nêu rõ, công việc này rất khó, từ nay đến kỳ họp Trung ương, phiên họp Quốc hội vào tháng 2 tới, để giải quyết dứt điểm vấn đề liên quan tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; do đó phải rất khẩn trương.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật liên quan tổ chức với tinh thần sát thực tế, nâng cao trách nhiệm thực thi của các cấp, tránh thủ tục rườm rà, cương quyết cắt giảm tất cả các thủ tục không cần thiết, vừa quản lý được một cách thông thoáng, vừa khơi thông các nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm; ai được giao phân cấp, phân quyền, ủy quyền thì phải quyết định, khi quyết định thì phải chịu trách nhiệm; các cấp được phân cấp, phân quyền, ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chính phủ và pháp luật về việc thực hiện quyền hạn được phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Quyền hạn của Chính phủ, chính quyền địa phương tập trung vào trong Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương không để tản mạn, manh mún, phân tán ở các luật chuyên ngành. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực; phân cấp, phân quyền đi đôi với tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), giảm chi phí đầu vào, xây dựng dữ liệu số để có AI tương xứng công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nghiên cứu cơ quan được phân cấp không phân cấp tiếp nhưng phải được ủy quyền; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm; bỏ tư duy “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản”; quán triệt tư duy ai làm tốt nhất thì giao người đó. Người dân, doanh nghiệp làm được, có thể làm tốt hơn thì giao cho họ. Cái gì đã cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì để cho người dân, doanh nghiệp có không gian sáng tạo, đổi mới và được phép làm; thể chế hóa các nội dung được nêu tại Nghị quyết 27 của Trung ương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra, những vấn đề đột xuất, phát sinh; xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh, do đó tư duy làm luật phải đơn giản, nhanh, kịp thời, đi vào cuộc sống, không kéo dài, rườm rà, không để mất cơ hội, niềm tin, nguồn lực; làm pháp luật phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa; những gì còn biến động thì chúng ta thiết kế để rộng đường có thể điều chỉnh theo yêu cầu của thực tế. Có những cái để làm khung, trên cơ sở đó vận hành trong khung. Quá trình làm vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.
Nhấn mạnh, nội dung nhiều, thời gian ít, yêu cầu thì cao, phạm vi thì rộng, nội dung thì nhạy cảm, khó, phức tạp, do đó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, nghiên cứu, nghe báo cáo, phát biểu ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, tập trung trao đổi những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề còn có thể biến động, thay đổi, nhất là những việc đang vướng mắc hiện nay ở các cấp, các ngành. Chúng ta cũng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Nội vụ đang “làm ngày, làm đêm” với các công việc rất khó vốn ách tắc lâu nay liên quan tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là 3 Nghị định 177, 178 và 179/2024/NĐ-CP cơ bản tạo đồng thuận trong xã hội, trong cán bộ, công chức, viên chức. Chúng ta cần tiếp tục lắng nghe những gì chưa hợp lý mà phản ánh xác đáng, đúng quy trình, quy định. Qua thực hiện vừa qua, một số cơ chế, chính sách cần xem xét còn gì chưa bao phủ hết, còn bỏ sót, chồng chéo thì phản ánh.
Bộ Nội vụ đang hoàn thiện văn bản đối với các bộ, ngành không phải sáp nhập, hợp nhất để báo cáo các cấp có thẩm quyền để trên cơ sở đó tiếp tục tinh giản bộ máy bên trong, quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không chồng chéo, không bỏ sót; một việc chỉ giao một người, một người làm nhiều việc. Trên cơ sở đó rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp làm việc này kịp thời, chất lượng, hỗ trợ cùng Bộ Nội vụ làm việc này; phải nghiên cứu, đề xuất bảo đảm tốt nhất trong điều kiện có thể, không cầu toàn, không nóng vội.
Những vấn đề còn ý kiến khác nhau thì tiếp tục lắng nghe, thảo luận để tạo sự đồng thuận cao, trước hết trong Chính phủ, khuyến khích thảo luận để tìm giải pháp tốt nhất, khi đã quyết “chỉ nói một lời, không nói đến lời thứ hai”. Trong thảo luận thì khuyến khích phát huy dân chủ, khi đã quyết rồi phải thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tập thể. Cần phát huy tinh thần này vì đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.
Thủ tướng nêu rõ, đến giờ này, chúng ta hài lòng với kết quả đã làm được, nhất là 3 nghị định; cơ bản đã sắp xếp tổ chức, bộ máy bên trong theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ đã đề ra; một số bộ, ngành chưa tinh giản theo mục tiêu đề ra cần tiếp tục rà soát lại các mục tiêu để bảo đảm tinh gọn thực sự, thực chất, phải hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ. Cái gì được làm trước, không để tồn đọng, kéo dài, trừ những bộ, ngành phải có ý kiến của Trung ương và Quốc hội.
NDO
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/chinh-phu-hop-chuyen-de-ve-xay-dung-phap-luat-thang-1-2025-142915.html