Vạc Phổ Minh, một trong tứ đại khí An Nam thời Lý, Trần được phục dựng với 22 tấn đồng, đặt trước đại điện chùa Tam Chúc.
Vạc tại chùa Tam Chúc có khác biệt với phiên bản gốc. Bốn mặt của chiếc vạc được trang trí cầu kỳ hình ảnh của những công trình tâm linh nổi tiếng tại Việt Nam: các quần thể du lịch Tràng An, chùa Bái Đính và Tam Chúc, Hành cung Vũ Lâm nhà Trần, chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa.
Chính diện chiếc vạc là hình điêu khắc nổi vị thiền sư Nguyễn Minh Không (hiệu Lý Quốc Sư). Ông sinh năm 1066 tại thôn Điềm Giang (nay thuộc xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) và mất năm 1141. Sinh thời ông là vị sư tổ đầu tiên xây dựng chùa Bái Đính và là một danh y lẫy lừng. Ông được phong là quốc sư triều Lý khi chữa bệnh nhân gian gọi là “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông. Người dân suy tôn ông là ông tổ nghề đúc đồng, góp công tạo nên tứ đại khí nổi tiếng của Việt Nam.
Chiếc vạc đen phía trước đại điện của chùa Tam Chúc mô phỏng lại vạc Phổ Minh, một trong tứ đại khí An Nam. Vạc được chế tác từ 22 tấn đồng, với đường kính 4 m, tương đương chiều cao, kích cỡ, cân nặng so với bản gốc. Ảnh: Trung Nghĩa
Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), là một trong bốn công trình nghệ thuật dưới thời Lý, Trần cùng với tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm. Tương truyền, vạc Phổ Minh được đúc bằng đồng, nặng khoảng 20 tấn với nhiều hình chạm khắc tinh vi như rồng uốn lượn, trên chim lạc tung bay, dưới non sông cẩm tú. Trên thành có trăm lỗ tròn hình quả trứng, trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng, tượng trưng cho con rồng cháu tiên, tích tụ linh khí dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên các vị vua từ Kinh Dương Vương đến vua Lý Thánh Tông tỏ rõ sự vững bền.
Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), tướng nhà Minh, Vương Thông, cho phá vạc Phổ Minh để chế hỏa khí khi bị vây ở Đông Quan (Hà Nội). Trước đó, quân Minh đã chuyển vạc đi từ Thiên Trường (Nam Định) về Đông Quan. Ngày nay, tại chùa Phổ Minh (thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, TP Nam Định) chỉ còn tàn tích bệ đỡ vạc khi xưa.
Cận cảnh những chi tiết được trang trí nổi trên vạc. Ảnh: Trung Nghĩa
Vạc là dụng cụ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người Việt cổ. Trên thực tế, vạc là dụng cụ dùng để đun dầu. Trong truyền thuyết, vạc dầu sôi là một trong những hình phạt để trừng trị con người dưới địa ngục.
Phục dựng vạc Phổ Minh, chùa Tam Chúc mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Khách thập phương ghé thăm chùa để cầu an, cũng như chiêm ngưỡng phiên bản phục dựng một trong tứ đại khí của dân tộc.
Trung Nghĩa