Từ năm 2004 đến nay, năm nào cũng vậy, bắt đầu từ ngày mùng mười tháng Giêng đến hết ngày mùng mười tháng 2 (âm lịch), tròn một tháng hội làng, bà trùm Trịnh Thị Phẩm, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng dành trọn tâm huyết và công sức truyền dạy những làn điệu hát Dậm độc đáo, đặc sắc của quê hương cho các cháu thiếu nữ trong làng.
Trò chuyện với chúng tôi, bà trùm Trịnh Thị Phẩm cười bộc bạch: Tôi tuổi đã cao, nhưng còn sức khỏe, còn minh mẫn tôi sẽ còn truyền dạy điệu hát Dậm Quyển Sơn cho các thế hệ tiếp nối. Mong muốn lớn nhất của tôi đó là hát Dậm Quyển Sơn sẽ luôn được gìn giữ, tiếp nối và phát huy.
Là người con của quê hương Quyển Sơn, như bao thiếu nữ trong làng, năm 13 tuổi bà Phẩm theo chị, theo bạn bè lên đền Trúc để học hát Dậm. Bà Phẩm nhớ lại: Thế hệ chúng tôi được cụ trùm Bộ dạy hát. Thời ấy, vào tháng hội, các thiếu nữ trong làng lên đền Trúc học hát đông và vui lắm. Người đi hội tới xem, đứng vòng trong, vòng ngoài chật cả sân đền… Không có quần áo đồng phục đẹp như bây giờ, thiếu nữ phường Dậm ai có mầu gì mặc mầu nấy. Đi hát hội, nhiều thiếu nữ phải mượn chị, mượn em bộ áo dài đẹp nhất để mặc. Mười ba, mười bốn tuổi còn non nớt, không biết chít khăn nhung các bà, các cô phải chít hộ…
Theo lời kể của bà Phẩm, hội làng Quyển Sơn diễn ra vào đầu Xuân năm mới, thường đúng vào thời điểm gieo cấy vụ lúa chiêm. Lo công việc đồng áng, sáng sớm, trời vẫn còn lạnh thấu xương, mang theo cơm nắm hoặc một vài củ khoai, bà Phẩm theo mẹ, theo chị ra đồng cấy lúa. Buổi trưa, sau khi ăn vội nắm cơm bà Phẩm vào luôn Đền Trúc học hát tới tận chiều mới về. Học hát từ tuổi 13, đến năm 18 tuổi bà Phẩm lập gia đình. Từ đó, bà không tham hát hội nữa vì theo quy định, chỉ có thiếu nữ thanh tân của làng mới được tham gia hát hội.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, có thời gian hát Dậm Quyển Sơn từng bị đứt đoạn, ngắt quãng… Năm 1991, hát Dậm Quyển Sơn được khôi phục lại. Cụ Trịnh Thị Dăm (chị gái bà Phẩm) được chọn là cụ trùm tiếp nối tục xưa truyền dạy, hướng dẫn các thiếu nữ trong làng hát Dậm. Bà Phẩm chia sẻ: Năm1996, tìm hiểu và biết về hát Dậm Quyển Sơn, có cô tên là Thủy, ở Pháp về làng mời chị tôi đi nước ngoài để biểu diễn. Với mong muốn được giới thiệu làn điệu hát Dậm đặc sắc, độc đáo của quê hương ra thế giới, chị Dăm nhờ tôi thay chị đảm nhiệm công việc bà trùm trong thời gian chị vắng nhà. Năm ấy tôi mới hơn 50 tuổi, còn cấy tới hơn một mẫu ruộng, công việc đồng áng bận rộn, vất vả lắm. Thấy tôi băn khoăn, chị tôi nói: Đây là cơ hội ngàn năm có một, chị không muốn bỏ lỡ… Em cố gắng giúp chị, chị mới yên tâm đi. Nghe chị nói vậy, tôi đã nhận lời. Chị tôi đi năm 1996, biểu diễn ở hơn chục nước trên thế giới, năm 1998 chị mới trở về. Khi chị về, tôi giao lại công việc bà trùm cho chị. Năm 2004, do chị Dăm tuổi cao, sức khỏe yếu… tôi được chọn thay chị làm bà trùm. Từ đó đến nay đã tròn 20 năm.
20 năm qua, năm nào cũng vậy, từ ngày mùng mười tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng hai âm lịch bà trùm Phẩm lại say sưa, nhiệt huyết, tận tình truyền dạy làn điệu hát Dậm truyền thống của quê hương cho các thiếu nữ trong làng. Ngày trước, còn khỏe, bà Phẩm chủ động đi xe đạp lên đền. Giờ già yếu, vào hội các cháu trong đội hát vào đón, đưa bà đi. Trước kia, cả tháng hội, đội hát Dậm đều hát tại Đền Trúc. Từ khi đình làng Quyển Sơn được xây dựng lại, chỉ sáng ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày mở hội) và ngày 10 tháng hai âm lịch (ngày đóng cửa đền) là hát tại Đền Trúc. Những ngày còn lại, hát Dậm được tổ chức tại đình Quyển Sơn vào các buổi tối (từ 19 giờ đến 21 giờ).
“Nếp là nếp nếp mây, nếp là nếp nếp mây, tình bằng là gieo lắm, tình bằng là gieo lắm ta bớ ru hời, ta ru hời gieo lắm nếp mây, là nếp mây…” tay gõ xênh, bà Phẩm cất cao giọng hát. 82 tuổi giọng bà trùm vẫn còn khỏe, vang nghe mượt mà, sâu lắng. Theo bà Phẩm, hát Dậm Quyển Sơn có 38 làn điệu, mỗi làn điệu lại có cách múa khác nhau. Hát Dậm Quyển Sơn gắn với tên tuổi và chiến công lẫy lừng của Thái úy Lý Thường Kiệt. Tương truyền, vào năm 1069, trên đường đem quân đi đánh giặc, khi qua trại Canh Dịch (nay là thôn Quyển Sơn) đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt gặp một trận cuồng phong. Gió lớn làm gãy cột buồm cuốn lá cờ đại lên trên đỉnh núi. Để tránh gió, Lý Thường Kiệt lệnh cho quân sỹ dừng thuyền nép vào chân núi. Đêm ấy, trong giấc ngủ Lý Thường Kiệt mơ thấy có người mẹ trên tay bế một người con hiện ra và nói: Trận này cất quân đi đánh giặc sẽ giành thắng lợi. Thấy điềm lạ, Lý Thường Kiệt đã cho quân sĩ lên bờ tế lễ trời đất. Sau khi thắng giặc trở về, qua vùng Quyển Sơn ông đã dừng quân lên bờ làm lễ tạ ơn trời đất. Ngoài mở hội khao quân, khao dân, Lý Thường Kiệt đã dạy các thiếu nữ trong làng hát Dậm, dạy thanh niên trai tráng trong làng bơi trải…
20 năm qua, năm nào cũng vậy, từ ngày mùng mười tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng hai âm lịch bà trùm Phẩm lại say sưa, nhiệt huyết, tận tình truyền dạy làn điệu hát Dậm truyền thống của quê hương cho các thiếu nữ trong làng. Ngày trước, còn khỏe, bà Phẩm chủ động đi xe đạp lên đền. Giờ già yếu, vào hội các cháu trong đội hát vào đón, đưa bà đi. Trước kia, cả tháng hội, đội hát Dậm đều hát tại đền Trúc. Từ khi đình làng Quyển Sơn được xây dựng lại, chỉ sáng ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày mở hội) và ngày 10 tháng hai âm lịch (ngày đóng cửa đền) là hát tại đền Trúc. Những ngày còn lại, hát Dậm được tổ chức tại đình Quyển Sơn vào các buổi tối (từ 19 giờ đến 21 giờ).
Nói về lễ hội Quyển Sơn, bà Phẩm cười đọc những câu thơ đã khắc sâu vào trong trí nhớ: “Mùa lễ hội người về hối hả/ Giữa sân đền rộn rã lời ca/ Nếp mây tiếng hát mượt mà/ Hai hàng thiếu nữ thướt tha múa hầu/ Bậc cao niên khăn chầu áo phục/ Cầu thần linh ban phúc dồi dào/ Dòng sông Đáy nước xôn xao/ Thuyền rồng lượn sóng ào ào đua tranh”… Tự hào về làn điệu hát Dậm độc đáo, đặc sắc của quê hương, những năm qua, tuy tuổi đã cao nhưng bà trùm Phẩm vẫn say sưa, tậm tâm, tận tình chỉ dạy, hướng dẫn các thiếu nữ trong làng hát Dậm. Bà Phẩm nhớ lại: Ngày trước, con gái trong làng học hát Dậm đông lắm. Vào hội, năm đông, mỗi bên có tới 17, 18 thiếu nữ tham gia biểu diễn. Giờ, mỗi mùa lễ hội chỉ có khoảng 14 cháu (mỗi bên 7 cháu) tham gia hát Dậm. Các cháu trong đội hát Dậm cũng liên tục có sự thay đổi. Do bận học, bận đi làm, đi lấy chồng… có năm khi vào hội đội hát chỉ còn duy nhất một cháu là người cũ, hơn chục cháu còn lại đều là người mới. Với các cháu mới, bà trùm Phẩm lại bắt đầu dạy từ đầu…
Yêu và say câu hát Dậm Quyển Sơn, 20 năm qua bà trùm Phẩm dành trọn tâm huyết, công sức truyền dạy những làn điệu hát Dậm cho các cháu thiếu nữ trong làng. Năm nay đã sang tuổi 82, vẫn lo đảm nhiệm công việc dạy hát Dậm của bà trùm, nhưng bà Phẩm đã đề nghị với xã tìm, chọn người kế cận. Bà Phẩm nói: Tôi đã hơn 80 tuổi, ở tuổi này, chẳng nói trước được điều gì. Vì vậy tôi mong muốn sớm có người kế cận để điệu hát Dậm Quyển Sơn luôn được duy trì truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối; để câu hát Dậm mãi vang lên trong lễ hội làng vào dịp đầu Xuân.
Lê Đức Huy
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/ba-trum-va-no-luc-truyen-day-lan-dieu-hat-dam-quyen-son-142633.html