Công nghệ số đang được phát triển rộng rãi trên mọi lĩnh vực đời sống. Trong nông nghiệp, các cơ sở sản xuất và người dân đang từng bước áp dụng công nghệ số giúp thay đổi cách làm, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả của sản phẩm.
Hiệu quả từ áp dụng công nghệ số
Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) hoạt động theo quy trình khép kín, từ chăn nuôi bò sữa đến chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi nguyên chất cung ứng ra thị trường. Hiện đơn vị đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào phần lớn các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh.
Qua tìm hiểu được biết, công nghệ số được áp dụng ngay từ khâu chế biến thức ăn cho bò sữa được tính toán trên máy tính cho ra công thức bảo đảm tốt nhất về dinh dưỡng, như: Tỷ lệ thức ăn xanh, thức ăn tinh, khoáng chất… Sinh sản của đàn bò được cài đặt và theo dõi chu kỳ động dục, thụ tinh, dự kiến ngày sinh trên máy vi tính bảo đảm độ chính xác cao, hiệu quả, đây là khâu quyết định đối với chăn nuôi bò sữa. Việc duy trì nhiệt độ theo chế độ trong chuồng nuôi cũng được cài đặt tự động, luôn bảo đảm ở mức dưới 30oC, khi nền nhiệt lên cao hệ thống quạt, phun sương tự động hoạt động. Chất lượng của sản phẩm sữa được quản lý bằng phần mềm. Việc dọn chuồng cũng thực hiện bằng máy vét tự động… Mỗi con bò sữa trong trang trại đều được gắn mã số riêng thuận tiện cho việc theo dõi, cập nhật thông tin. Đơn vị lắp đặt 12 camera trong khu trang trại giúp theo dõi, giám sát toàn bộ các khâu sản xuất…
Được biết, trang trại hiện có 80 con bò sữa, với hơn 30 con bò đang cho sữa. Sản lượng sữa mỗi ngày của trang trại từ 200 – 300kg. Toàn bộ lượng sữa bò tươi được công ty chế biến thành các sản phẩm sữa trên dây chuyền hiện đại cung cấp ra thị trường, như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trắng… Từ cách quản lý và áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, công ty được cấp chứng chỉ châu Âu về chăn nuôi bò sữa. Sản phẩm sữa của doanh nghiệp được bán không chỉ tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị mà còn mở rộng trên trang thương mại điện tử. Ông Nguyễn Văn Can, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty cho biết: Việc áp dụng công nghệ số đem lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp. Chi phí trong quá trình sản xuất được giảm tối đa, chất lượng sản phẩm duy trì ổn định ở mức cao. Nguồn nhân công phục vụ sản xuất giảm đến trên 70% so với làm thủ công.
Đối với các lĩnh vực khác của sản xuất nông nghiêp đều đang được áp dụng công nghệ số để giảm chi phí, giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của Công ty dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) đều được thực hiện trong nhà điều hòa. Tại đây, toàn bộ môi trường, nhiệt độ, độ ẩm giúp nấm đông trùng hạ thảo phát triển tốt nhất đều được quản lý tự động theo công nghệ số. Do vậy, các chỉ số về chất lượng của sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo được các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá cao. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao. Ngay với sản xuất trên đồng ruộng cũng đã được áp dụng công nghệ số vào một số khâu. Như trong sản xuất nho tại xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) và tại HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (Bình Lục), sản phẩm chuẩn bị thu hoạch được đo các chỉ số, nhất là tỷ lệ đường giúp bảo đảm đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Các khu nhà kính, nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, có hẹn giờ, điều khiển bằng điện thoại thông minh. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng khi đưa ra thị trường đã được dán tem nhãn giúp người tiêu dùng thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc… Anh Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du chia sẻ: Áp dụng công nghệ số của HTX đang được triển khai tại một số công đoạn hỗ trợ rất nhiều trong sản xuất. HTX đang tiếp tục đầu tư đưa công nghệ số vào các khâu chăm sóc, đánh giá chất lượng tạo sản phẩm tốt nhất có thể…
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào sản xuất
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Áp dụng công nghệ số tạo bước phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây là hướng đi từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Ngành đang tiếp tục triển khai, hỗ trợ các cơ sở áp dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất.
Thực tế, ngành nông nghiệp đang tích cực thúc đẩy áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất. Các mô hình gắn với công nghệ số được xây dựng, như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi… Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, trong đó hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tem, nhãn truy xuất nguồn gốc; bán hàng trên trang thương mại điện tử và một số công đoạn khác. Từ hướng đi này, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng của tỉnh đã được cung cấp rộng rãi ra thị trường. Gần đây, ngành đang tích cực xây dựng và cấp mã vùng trồng cho những vùng trồng lúa, cây ăn quả, rau, củ, quả là hướng đi đưa công nghệ số vào quá trình sản xuất. Việc cấp mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc và bảo đảm thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, người dân có ý thức hơn trong sản xuất, bảo đảm chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm… Thực tế những vùng sản xuất đã được áp dụng công nghệ số đều cho giá trị, lợi nhuận cao hơn ít nhất từ 10 – 15% so với sản phẩm cùng loại bên ngoài.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy, việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang ở bước đầu, mới chỉ xuất hiện ở một số khâu và mô hình nhất định. Khó khăn chính hiện nay là sản xuất của người dân phần nhiều vẫn mang tính chất nhỏ lẻ. Trình độ của người nông dân còn hạn chế dẫn đến khó tiếp cận được với công nghệ số. Cùng với đó, để áp dụng công nghệ số cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất đồng bộ với nguồn kinh phí đầu tư lớn…
Nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến sản xuất theo quy mô tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng (an toàn, VietGAP, hữu cơ…). Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất là hướng đi và yêu cầu tất yếu cần được tiếp tục tháo gỡ khó khăn và nhân rộng trong thời gian tới.
Mạnh Hùng