Festival võ thuật tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2024 là một trong những hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức. Festival thu hút gần 1.000 võ sinh đến từ 23 võ đường, câu lạc bộ (CLB) võ thuật ở các địa phương, ngành, trường học trong và ngoài tỉnh tham gia.
Nổi bật nhất là những màn biểu diễn võ thuật của Tổ chức giáo dục FPT; Liên đoàn Vovinam FPT; màn đồng diễn võ ngành Công an, Quân đội; Thiên Môn Đạo, Võ đường Hồng Châu, Hòa Anh đường… Festival đã thực sự trở thành một ngày hội võ thuật với nhiều màn biểu diễn đặc sắc của các đơn vị tham dự, để lại ấn tượng sâu sắc đối với đại biểu cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Mở đầu cho Festival là những màn đồng diễn, trình diễn của học sinh, sinh viên Tổ chức giáo dục FPT. Trong chương trình dạy học của hệ thống các nhà trường, Tổ chức giáo dục FPT đã đưa môn võ Vovinam vào dạy chính khóa. Vovinam đã góp phần tạo cho học sinh, sinh viên FPT nắm vững truyền thống và tinh hoa võ Việt, tác phong đĩnh đạc và tính kỷ luật. Điều này đã được minh chứng với màn đồng diễn Vovinam đẹp mắt của các học sinh Trường Tiểu học (TH), THCS và THPT FPT. Ngoài Vovinam được đưa vào là môn học chính khóa, Tổ chức giáo dục FPT còn khuyến khích phát triển nhiều CLB võ thuật, trong đó có CLB Côn nhị khúc trường Đại học FPT. Với thông điệp “Không chỉ phát triển về thể chất mà bên cạnh đó còn rèn luyện về tinh thần, trong sáng về đạo đức”, màn đồng diễn Côn nhị khúc của võ sinh CLB đã cho thấy rõ hơn ngoài việc tập luyện, đây còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, lòng đam mê và kết nối những người cùng chung nhiệt huyết với võ thuật. Cùng với võ Việt, các sinh viên Đại học FPT còn say mê tập luyện Muay Boran (một môn võ cổ truyền của Thái Lan, tiền thân của Muay Thái hiện đại). Màn biểu diễn Muay Boran mang đến một không khí khác biệt, nơi sức mạnh, kỹ thuật và sự uyển chuyển hòa quyện để tạo nên những đòn thế mạnh mẽ nhưng cũng đầy tính nghệ thuật khiến người xem không thể rời mắt.
Trống là thanh âm không thể thiếu trong võ hội. Màn Trống hội khai hoa của CLB Trống hội Trường TH, THCS và THPT FPT vang lên rộn ràng – âm thanh đậm bản sắc và tinh thần Việt Nam. Để việc học võ thuật thêm hứng thú, những đòn thế mạnh mẽ được biến tấu mềm mại như những điệu múa, hoạt cảnh được thể hiện thông qua hình ảnh em bé Việt Nam dễ thương, đáng yêu, tràn đầy sức sống của các bạn nhỏ Trường TH, THCS và THPT FPT. Tại sân khấu Festival võ thuật tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2024, khán giả còn được gặp lại hình ảnh Chí Phèo – một nhân vật văn học điển hình của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao qua cách tiếp cận hết sức mới lạ. Với sự kết hợp giữa diễn xuất, võ thuật và âm nhạc, tiết mục “Truyện làng Vũ Đại” được thực hiện bởi những học sinh tài năng của Trường TH, THCS và THPT FPT đã tái hiện lại câu chuyện đầy cảm xúc của làng Vũ Đại năm xưa. Là một sự sáng tạo, CLB Võ Thuật Điện ảnh FPTU của Trường Đại học FPT Hà Nội đã thể hiện niềm đam mê võ thuật kết hợp nghệ thuật biểu diễn. Với màn biểu diễn võ thuật kết hợp yếu tố kịch nghệ, điện ảnh, CLB đã ghi dấu ấn tại liên hoan võ thuật với tiết mục “Huyền thoại Mẹ”. Màn biểu diễn giàu cảm xúc, tái hiện hình ảnh người mẹ Việt Nam kiên cường, giàu đức hy sinh trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ đất nước. Thông qua ngôn ngữ võ thuật kết hợp với âm nhạc và biểu cảm sân khấu, tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.
FPVC (FPoly Vovinam Club) Hà Nội là CLB được thành lập năm 2011. Một CLB được biết đến với tinh thần Võ Đạo đầy nhiệt huyết, luôn “Trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo”. Là CLB hiện đang duy trì, phát triển mạnh mẽ nội dung “Võ nhạc” – một nội dung sáng tạo và khác biệt. Đến với Festival, CLB FPVC đã trình diễn một phân đoạn trong bài biểu diễn “Đa luyện tay không nam”. Đây là phân đoạn võ nhạc mang đậm chất Vovinam với những thế đánh liên hoàn và đòn kẹp cổ truyền thống. Vovinam – biểu tượng tự hào, sự kết tinh sức mạnh và sự uyển chuyển của con người Việt Nam, Vovinam không chỉ là những đòn thế mạnh mẽ, đường quyền mềm mại, Vovinam còn là nghệ thuật, là âm nhạc, là nhịp đập của trái tim đồng điệu. Với sự kết hợp đầy sáng tạo giữa âm nhạc truyền thống và tinh thần võ đạo, CLB FPVC còn mang đến Festival bài võ nhạc mang tên “Thanh âm Võ Việt”.
Mang đến ấn tượng mạnh tại Festival là màn Đồng diễn võ ngành Công an và Quân đội. Các tiết mục của Công an tỉnh phong phú với phần trình diễn các thế đứng, các đòn phòng ngự bằng tay, đòn tấn công bằng chân cùng bài quyền 38 động tác. Đây là bài quyền cơ bản của lực lượng, là sự tổng hợp, phối hợp nhuần nhuyễn các thế đứng, di chuyển, các đòn phòng thủ gạt đỡ, tránh né, các đòn tấn công, đánh bắt, khoá đối tượng hiệu quả. Màn biểu diễn của lực lượng Công an còn có phần trình diễn bài quyền 34 động tác. Màn Đồng diễn võ ngành Quân đội của các chiến sĩ đến từ Bộ CHQS tỉnh trình diễn 45 động tác quyền có binh khí, 39 động tác quyền tay không và các màn đánh đối kháng có vũ khí.
Là đơn vị khách mời, Hội Võ Thiên Môn Đạo thành phố Hà Nội đã mang đến Festival chương trình Võ thuật – Khí công – Công phu Thiên Môn Đạo đặc sắc. Các màn biểu diễn của Hội gồm: Võ cờ; các nghi lễ võ đạo; các bài quyền tay không, quyền tập thể binh khí ngắn, binh khí dài; hoàng công quyền; khang thủ luyện… Thiên Môn Đạo là tinh hoa võ học Việt Nam, tinh hoa văn hoá truyền thống dân tộc do Kỵ tổ Nguyễn Khắc Cống sáng lập. Ông là Võ quan nổi tiếng góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa. Tiếp nối truyền thống, hậu duệ của gia tộc Nguyễn Khắc đã luôn duy trì, bảo tồn, phát triển mở rộng tinh hoa Võ học Thiên Môn Đạo. Với mục đích: “Tu luyện để Sống khoẻ mạnh – Sống minh mẫn – Sống có ích hơn cho gia đình và xã hội”, Thiên Môn Đạo thu hút đông đảo môn sinh tham gia tập luyện.
Tại Hà Nam, hiện có 2 võ đường nổi tiếng: Hòa Anh đường, Võ đường Hồng Châu. Tại Festival, tiết mục Thiên long khiên đao do các võ sinh võ đường Hòa Anh thực hiện là bài quyền kết hợp giữa khiên và đao ngắn, thường được sử dụng trong trận mạc, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên hoang dã đã giúp khán giả hiểu rõ hơn về võ dân tộc. Ngoài những bài quyền binh khí đặc trưng của võ cổ truyền, những năm vừa qua Võ đường còn tìm hiểu và đưa côn nhị khúc vào chương trình góp phần làm phong phú bài giảng, đa dạng loại hình binh khí tạo hứng thú trong quá trình tập luyện của môn sinh. Phần trình diễn của các võ sinh Võ đường Hồng Châu là bài căn bản 45 động tác của ngành giáo dục và đào tạo và màn trình diễn Tứ Linh Đao, biểu diễn binh khí hỗn hợp gồm kiếm, đao, thương, bồ cào đã tạo nên không khí sôi động tại Festival.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm các thế hệ ông cha ta dựng nước và giữ nước, trải qua bao cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập dân tộc; ông cha ta luôn lấy sức dân, lòng dân để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Việc tập luyện võ thuật rèn luyện sức khỏe, rèn sức chiến đấu để phục vụ lao động sản xuất, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu từ bao đời nay. Hiện nay, trong thời kỳ đất nước hòa bình, kinh tế – xã hội phát triển và đổi mới, việc rèn luyện võ thuật, rèn sức chiến đấu luôn được các đơn vị lực lượng vũ trang duy trì đều đặn, hiệu quả, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần. Cùng với đó, phong trào tập luyện võ thuật toàn dân được quan tâm phát triển toàn diện gắn liền với phong trào thể dục thể thao ở các địa phương. Festival võ thuật tỉnh Hà Nam mở rộng năm 2024 là dịp để các đơn vị võ thuật trong và ngoài tỉnh giao lưu học hỏi kinh nghiệm, phát huy truyền thống thượng võ, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc và quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người, văn hóa Hà Nam.
Chu Bình
Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/an-tuong-festival-vo-thuat-tinh-ha-nam-mo-rong-2024-142631.html