Powered by Techcity

Lễ hội đầu xuân – Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại




Lễ hội truyền thống là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi lễ hội sẽ mang một màu sắc riêng biệt nhưng đều có chung một tinh thần hướng thiện; hướng về nguồn cội, để tri ân những người có công với quê hương, đất nước. Mang theo những ước vọng đầu xuân, hòa mình trong không khí linh thiêng của lễ hội, lòng người như được giao hòa với thiên nhiên, vũ trụ. Sự phong phú của lễ hội đầu xuân không chỉ có ý nghĩa về giá trị lịch sử mà còn là một sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn và đang có xu hướng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để những lễ hội truyền thống thực sự trở thành “sợi dây” cố kết cộng đồng và có ý nghĩa giáo dục đạo lý, truyền thống lịch sử; bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa? Đó chính là nội dung trao đổi giữa phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  với ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch.

Ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bên trái ảnh) trao đổi với phóng viên Báo Hà Nam. Ảnh: Trần Minh        

P.V: Theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nam hiện có khoảng trên 1.880 di tích lịch sử, văn hóa và hàng trăm lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức hằng năm. Chỉ tính từ tháng Giêng đến tháng ba âm lịch, Hà Nam đã có hàng chục lễ hội được phục dựng, khai mở, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương. Điều đó có nghĩa, những giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được phát huy, thưa ông?

Ông Ngô Thanh Tuân: Đúng vậy! Việc hàng trăm lễ hội truyền thống được duy trì và tổ chức hằng năm đã phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân, hòa chung vào dòng chảy văn hóa của dân tộc. Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, nhân sinh quan của người dân cũng có nhiều biến đổi được thể hiện rõ nét qua các lễ hội truyền thống. Từ thực tế công tác quản lý và tổ chức lễ hội hằng năm ở các địa phương trong tỉnh, có thể khẳng định lễ hội chính là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian với các hình thức văn học như: truyền thuyết, thần thoại, thần tích, thần phả, văn tế, văn bia…; nghệ thuật biểu diễn gồm: diễn xướng, dân ca, dân vũ…; tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng với các nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng…

Lễ hội thường gắn bó với làng xã, địa danh, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Lễ hội cũng chính là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước; là sự phản chiếu sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng làng xã được hun đúc từ đời này, qua đời khác. Bất kể một lễ hội nào, dù là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử, suy tôn các vị thần linh hay anh hùng dân tộc, bao giờ cũng biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng trên mọi bình diện, là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Nếu xét về ý nghĩa giáo dục, lễ hội là quá trình sân khấu hóa đời sống xã hội, mô phỏng, tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức lễ tế, diễn xướng, trò diễn dân gian. Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong hướng về cội nguồn. Điều đó nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, thần thánh để cầu mong mọi lực lượng siêu nhiên che chở, phù hộ. Con người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc, cầu mong cuộc sống được bình an, sức khỏe và thành đạt. Lễ hội cũng là dịp thỏa mãn đời sống tâm linh của người dân, đó là những giây phút thiêng liêng, giao cảm và đầy tinh thần cộng đồng.

Lễ hội đầu xuân – Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại
Đoàn thuyền rước nước tại Hội xuân Tam Chúc 2025. Ảnh: Đức Huy

P.V: Tuy vậy, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, một số lễ hội đã và đang có xu hướng thương mại hóa, chạy theo trào lưu… ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của lễ hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Ngô Thanh Tuân: Thực tế, hầu hết trong các lễ hội truyền thống, nhân dân là người đứng ra tổ chức, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh. Qua thực tế các lễ hội lớn được phục dựng đầu xuân ở Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung cho thấy, giá trị của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hóa mà còn ở giá trị kinh tế. Bởi, lễ hội còn là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, nhân tố tạo nên sự thư giãn, những ứng xử văn hóa. Không khí vui tươi, linh thiêng của ngày lễ hội làm cho mỗi người trút bỏ được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống đời thường, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống nhân ái và yêu thương nhau hơn. Lễ hội là một sản phẩm đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Như vậy, lễ hội tự mang trong mình giá trị kinh tế đặc biệt, kinh tế du lịch văn hóa tâm linh.

Tuy nhiên, do nhận thức về lễ hội của một bộ phận người dân còn hạn chế, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm; nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trong các lễ hội còn chạy theo thị hiếu, thiếu  tính thẩm mỹ, làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của lễ hội… Nhưng đó cũng chỉ là tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, hầu hết các lễ hội được tổ chức ở Hà Nam trong nhiều năm qua đều mang tinh thần hướng thiện, cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu.

P.V: Điều đó có nghĩa, nhận thức của chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ di tích; đặc biệt là đối với công tác tổ chức và tham gia lễ hội đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lịch sử và dòng chảy văn hóa của dân tộc, thưa ông?

Ông Ngô Thanh Tuân: Việc phục dựng một số lễ hội lớn ở Hà Nam trong những năm qua đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình, phải kể đến Lễ hội Tịch điền (xã Tiên Sơn, Duy Tiên) được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng và Lễ hội phát Lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, Lý Nhân) được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm. Những lễ hội này, không chỉ thể hiện sự trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, khuyến khích phát triển nông tang; tưởng nhớ những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước mà còn là mốc son quan trọng đánh dấu di sản văn hóa mãi trường tồn với lịch sử, với non sông gấm vóc Việt Nam; khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của kho tàng văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.

Tuy nhiên, văn hóa là một dòng chảy liên tục, nên dù bất kỳ ở giai đoạn lịch sử phát triển nào, những giá trị truyền thống, giá trị lịch sử cũng cần phải được phát huy. Không chỉ trong công tác tổ chức lễ hội mà cần phải nâng cao ý thức người dân trong việc quản lý, giữ gìn, bảo vệ giá trị của di tích.

P.V: Vậy theo ông, để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các lễ hội truyền thống, trước tiên cần nhận diện đúng bản chất của các lễ hội; gắn việc phục dựng lễ hội với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích?

Ông Ngô Thanh Tuân: Hiện nay, phong trào phục dựng, nâng cấp và đổi mới lễ hội trong phạm vi cả nước nói chung đã xuất hiện các biểu hiện phô trương, hình thức để thu hút du khách, mưu cầu lợi nhuận. Ở một số lễ hội truyền thống có xu hướng thương mại hóa, đề cao lợi ích vật chất, ngay trong sinh hoạt lễ hội, biến không gian linh thiêng của lễ hội thành nơi “buôn thần, bán thánh” để trục lợi. Điều này làm cho lễ hội mất đi tính thiêng liêng vốn có của nó. Hơn nữa, nhiều người đến với lễ hội không phải mục đích hướng thiện, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh, mà vì mục đích vụ lợi và tham vọng cá nhân.

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người sắm sanh lễ vật, mâm cao cỗ đầy; với quan niệm càng nhiều lễ vật, vàng mã thì thánh thần sẽ ban cho nhiều tiền tài, địa vị bấy nhiêu. Thực trạng này, làm xuất hiện những suy nghĩ lệch lạc, thiếu tích cực, mất đi ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, khiến cho lễ hội, đền, chùa… không còn là nơi vãng cảnh, không gian sinh hoạt văn hóa nữa, cũng không còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng tích cực của con người. Chính thái độ sống thiếu tính tích cực đó đã tác động làm lệch chuẩn những quan niệm, giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của xã hội hiện nay.

Vì vậy, để phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các lễ hội truyền thống, trước mắt, chúng ta cần phải làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ vai trò của đời sống tâm linh, tín ngưỡng là mang lại sự bình an trong tâm hồn, tạo niềm tin trong cuộc sống để con người mạnh dạn, tự tin hướng về cuộc sống thực tại, thân lập thân và làm cho cuộc sống ngày càng phồn vinh hạnh phúc.

Bởi, khi nhận thức và hiểu rõ những giá trị tốt đẹp trong nhân sinh quan qua lễ hội truyền thống, người dân sẽ có cách thức và biện pháp để phát huy hiệu quả trong đời sống của họ và ở mỗi vị trí, địa vị, vai trò của từng người trong xã hội sẽ có cách làm phù hợp lan toả những giá trị tốt đẹp đó trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng một đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh, tiến bộ trở thành động lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!                                                               

Minh Thu (Thực hiện)





Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/le-hoi-dau-xuan-su-ket-noi-giua-qua-khu-va-hien-tai-149001.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất