Powered by Techcity

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo




Cách đây trên một vạn năm, vào thời đại đồ đá mới, người nguyên thủy đã có mặt trên vùng đất Hà Nam, sớm nhất trong vùng châu thổ sông Hồng. Những phát hiện khảo cổ học ở hang Chuông, hang Gióng Lở (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm) và phường Ba Sao (thị xã Kim Bảng) đã làm phát lộ nhiều di vật, xương cốt của người tối cổ. Khi đó con người cư trú trong hang động, dưới mái đá; nguồn sống chủ yếu của họ bằng săn bắt, hái lượm, tuy đã biết trồng trọt, nhưng còn sơ khai…

Phác họa văn hóa Hà Nam

Bước vào thời đại đồ đồng, với việc khai quật hàng chục mộ quan tài hình thuyền ở các xã Mộc Hoàn, Tiên Sơn, phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) và phường Châu Sơn (TP Phủ Lý) đã minh chứng cho phương thức định cư mới của con người, cư trú trên những doi đất cao do phù sa của sông Hồng, sông Đáy, sông Châu bồi đắp.

Có con người là có văn hóa. Trên vùng đất Hà Nam, khởi đầu là văn hóa hang động ven dải sơn khối đá vôi Thanh Liêm, Kim Bảng. Bằng cái nhìn Địa – văn hóa, có thể coi văn hóa Hà Nam trong dặm dài lịch sử là sự thống nhất trong đa dạng của hai bộ phận hợp thành là: văn hóa vùng đồng bằng ở phía Đông và văn hóa vùng đồi núi ở phía Tây.

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024. Ảnh: Lê Dũng

Trải qua trường kỳ lịch sử, các thế hệ đã không ngừng sáng tạo, lưu truyền, bồi đắp, lan tỏa nền văn hóa trên vùng đất này, vừa mang những tính chất, đặc điểm chung của văn hóa dân tộc Việt Nam, châu thổ sông Hồng; vừa mang những nét riêng đặc sắc, độc đáo, khó lẫn, tạo nên bản sắc văn hóa Hà Nam.

Trên địa bàn tỉnh nhà, hiện còn 1.784 di tích (551 đình, 490 chùa, 306 đền, còn lại là miếu, phủ, từ đường). Đã có 97 di tích được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia, trong đó có hai Di tích cấp quốc gia đặc biệt, 146 di tích cấp tỉnh. Di vật, cổ vật trong các di tích, nhà dân số lượng rất nhiều khó kiểm kê được hết. Hà Nam đã phát hiện được 20 trống đồng Đông Sơn nhiều nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hà Nam hiện có hơn 100 lễ hội, trong đó có 6 lễ hội vùng, còn lại là lễ hội làng xã. Lễ hội ở Hà Nam thuộc đủ thể loại: Lễ hội lịch sử, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tôn giáo, lễ hội văn hóa… Nhìn tổng thể cả phần lễ và phần hội ở mỗi lễ hội đều có những đặc điểm riêng.

Dân ca, dân vũ và các thể loại nghệ thuật dân gian khác trên vùng đất Hà Nam rất phong phú, đa dạng. Riêng về dân ca, có dân ca nghi lễ và dân ca sinh hoạt của Hà Nam. Đồng thời, trên địa bàn Hà Nam cũng lưu truyền dân ca của các vùng miền khác.

Hà Nam cũng là đất đa nghề như: dệt, thêu, mỹ nghệ gỗ, đá, sừng, nghề mộc, chế biến thực phẩm, vớt cá bột, nuôi cá giống… và có những làng nghề nổi tiếng trong cả nước.

Thể thao dân gian, dân tộc, món ăn đặc sản ở Hà Nam cũng phong phú được xa gần biết tiếng, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa vùng đất này.

Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Hà Nam dồi dào, đến nay đã có 14 di sản được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm lễ hội, dân ca, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Văn hóa các huyện, thành, thị

Thành phố Phủ Lý

Là tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam, thành phố có những di tích, địa danh văn hóa ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và du khách.

Tại phường Lam Hạ, địa điểm trận địa pháo phòng không, thuộc địa phận thôn Đình Tràng, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Trong không gian rộng, bên cạnh hồ nước diện tích khá lớn, là những công trình, tượng đài, đền thờ tạo ra một phức hợp vừa trang nghiêm, vừa hấp dẫn về nghệ thuật. Đó là, Đền Liệt sỹ tỉnh, Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện, Đền thờ và Tượng đài 10 liệt sỹ nữ dân quân Lam Hạ, quảng trường, cây hoa cảnh, thảm cỏ…

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
Khu di tích lịch sử – văn hóa tâm linh Đình Tràng (Lam Hạ, Phủ Lý). Ảnh: Thế Trang

Sử cũ cho biết: Năm 1069, Thái úy Lý Thường Kiệt đi tiễu phạt Chiêm Thành đã hành quân bằng đường thủy theo sông Đáy, qua Hà Nam. Thành phố có hai di tích đều thờ Lý Thường Kiệt, bên bờ sông Đáy. Ở phường Châu Sơn là đình Thịnh Châu Hạ. Ở phường Thanh Tuyền là đình An Xá. Cả hai đình đều là Di tích cấp quốc gia.

Liên quan đến nền khoa cử nho học dưới thời phong kiến, hiện ở đình Phú Thứ (phường Tân Hiệp) còn tấm bia đá khắc ghi về Thám hoa Nguyễn Quốc Hiệu, Nhà khoa bảng đỗ đạt cao nhất ở tỉnh Hà Nam.

Tại thôn 2 xã Phù Vân, trong miếu thôn còn lưu giữ bản Thần tích rất giá trị, cung cấp những tư liệu quí hiếm về Đạo giáo xưa kia ở Hà Nam.

Xã Đinh Xá, địa phương nổi trội về di sản văn hóa. Khi có tới ba ngôi đình được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia là đình Chiềng, đình Đinh, đình Tái Kênh; Chùa Tái Kênh, đình Phạm được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tấm bia đá “Ngô gia thị bi” tại chùa Giầu đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. Bia đặt biệt quí hiếm, niên hiệu bia: Đại Trị năm thứ 8 (1366) triều vua Trần Dụ Tông, là tấm bia thời Trần duy nhất còn lại ở Hà Nam. Giá trị nổi bật của bia là bổ sung tên Lộ Lợi Nhân thời Trần sử cũ bỏ sót, phù điêu chân dung người đàn ông ở mặt trước bia là độc nhất vô nhị không những ở Hà Nam mà trong cả nước. Cổ vật thời Trần có mô hình nhà và tường cổng bằng đất nung được phát hiện trong lòng đất một cánh đồng của thôn Tái Kênh. Cổ vật này có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Bánh cuốn chả Phủ Lý, đậu Đầm (phường Tân Liêm), bún Tái (xã Đinh Xá), đặc sản văn hóa ẩm thực của thành phố, lâu nay được xa gần biết tiếng.

Thị xã Duy Tiên

Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, du khách tấp nập về xã Đọi Sơn cũ (nay là xã Tiên Sơn) dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Lễ hội mở trong 3 ngày 5 – 7 tháng Giêng âm lịch để tái hiện sự kiện lịch sử Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn) về cày Tịch điền dưới chân núi Đọi (thời ấy tên là Long Lĩnh) năm Đinh Hợi (987). Ngọn núi được thiêng hóa trội vượt dưới triều vua Lý Nhân Tông, với việc núi được nhà vua đổi tên thành Long Đội Sơn (núi đội ngũ rồng), cho xây dựng chùa, tháp trên núi, khánh thành vào năm 1122. Trải bao thăng trầm của lịch sử, chùa và tháp thời Lý không còn, chỉ còn lại tấm bia đá của Tháp Sùng Thiện Diên Linh, 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, tượng Kinari (đầu người mình chim) bằng đá, phiến đoạn hình vũ nữ múa bằng đất nung… Ngôi chùa hiện nay là công trình kiến trúc thời Nguyễn, lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị đặc biệt là pho tượng Phật Di Lạc bằng đồng khá lớn, đúc năm 1864. Lễ hội chùa Đọi, hằng năm mở từ ngày 19 đến 21 tháng Ba âm lịch, là lễ hội vùng; phần lễ và phần hội đều có những nét đặc sắc. Ở núi Đọi còn lại trên sườn núi phía Tây Bắc 4 bia của Văn từ huyện Duy Tiên, niên đại thời Nguyễn. Bia bằng đá cung cấp tên những nhà khoa bảng, các bậc tiên hiền trong thời phong kiến của huyện Duy Tiên. Cũng ở núi Đọi, một trống đồng Đông Sơn loại Hêgơ IV đã được phát hiện (duy nhất ở Hà Nam) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với giá trị cao, đặc sắc chùa Đọi Sơn đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, Lễ hội chùa Đọi được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh là Bảo vật quốc gia.

Làng trống Đọi Tam, xã Đọi Sơn cũ nổi tiếng khắp nước ra đời từ thời Lý, thời Trần dân Đọi Tam lên kinh đô Thăng Long, lập ra phường làm trống, nay còn lưu lại các địa danh phường Hàng Trống, phố Hàng Trống, ngõ Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nghề làm trống da trâu đặc sắc, độc đáo của dân làng Đọi Tam đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Xã Mộc Nam cũ (nay là Mộc Hoàn) là địa phương của thị xã Duy Tiên nổi trội về di tích, di sản văn hóa được vinh danh cấp quốc gia. Đền Lảnh Giang đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Tại đền thường xuyên thực hành nghi lễ Chầu văn, là ngôi đền điển hình về sự hiện diện của nghi lễ này, để cùng với nghi lễ Chầu văn ở các đền phủ khác trong tỉnh được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội đền Lảnh Giang mỗi năm mở hai kỳ vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch với nghi thức, trò hội đặc sắc cũng đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá nổi danh với mặt hàng lụa sánh ngang với lụa Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) nay nghề dệt lụa của làng này đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ lụa Nha Xá, Duy Tiên còn có lụa của hai làng Quan Phố, Từ Đài (xã Chuyên Ngoại) rất thích hợp cho việc vẽ tranh, được nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa ưa chuộng.

Văn hóa trên địa bàn thị xã còn được nhắc nhớ bởi di tích, cổ vật, lễ hội, dân ca ở các địa phương khác. Đình Lũng Xuyên (phường Yên Bắc), Di tích lịch sử cấp quốc gia là dấu son trong lịch sử cách mạng Hà Nam. Trống đồng Tiên Nội (phát hiện ở thôn Trì) là Bảo vật quốc gia. Bia đá xóm Dinh (thôn Tường Thụy, xã Trác Văn) minh chứng nơi đặt Hiến sát sứ của lỵ sở Trấn Sơn Nam, thời Hậu Lê ở bên bờ hữu sông Hồng thuộc đất Hà Nam nay.

Thôn An Mông (làng Móng xưa) xã Tiên Phong cũ (nay là xã Tiên Sơn) có đình đá thờ Nguyệt Nga, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Lễ hội làng Móng mở từ ngày 6 – 8 tháng Giêng âm lịch có trò vật cầu độc đáo. Làng Móng cùng với các làng ở ngã ba sông Châu của xã Ngô Khê cũ (nay là xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục), Văn Lý (Lý Nhân) đã sáng tạo nên những làn điệu dân ca giao duyên (thể loại dân ca sinh hoạt) đậm chất trữ tình.

Cùng với hai làng nghề làm trống da trâu Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, làng nghề mây giang đan Ngọc Động cũng khá nổi tiếng. Sinh thời, Bác Hồ đã dùng bộ bàn ghế làm bằng mây do làng biếu để làm việc.

Thị xã Kim Bảng

Cùng với thị xã Duy Tiên, huyện Bình Lục, Kim Bảng cũng là địa phương in đậm dấu tích văn hóa Đông Sơn với 5 trống đồng đã được phát hiện. Tục thờ Tứ pháp (pháp Vân, pháp Vũ, pháp Lôi, pháp Điện) ở tỉnh Hà Nam, tập trung ở thị xã Kim Bảng với nhiều di tích thờ tự, trong đó có các di tích được xếp hạng như chùa Quế Lâm (phường Quế), Di tích cấp quốc gia, đền Bà Giát (tổ dân phố Phương Thượng, phường Lê Hồ) di tích cấp tỉnh.

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
Nghi thức Lễ rước nước trong Lễ hội xuân Tam Chúc (Kim Bảng) năm 2024. Ảnh: Giang Nam 

Kim Bảng có cặp di tích cấp quốc gia, gần như đối diện qua dòng sông Đáy. Bên bờ trái là chùa Bà Đanh – Núi Ngọc. Chùa Bà Đanh là ngôi chùa “Tiền phật, hậu Thánh” nghĩa là phía trước là Phật điện thờ Phật, Bồ Tát như các ngôi chùa khác, nhưng ở hậu cung lại thờ pháp Phong. Đây là vị thần nằm ngoài Tứ pháp nhưng có liên quan, điểm độc đáo này của chùa là “độc nhất, vô nhị”. Chùa Bà Đanh – Núi Ngọc đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia. Lễ hội chùa Bà Đanh tổ chức trong 2 ngày 16 – 17 tháng 2 âm lịch, có những nét đặc sắc riêng, cũng đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên bờ phải là Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn (tổ dân phố Quyển Sơn, phường Thi Sơn). Đền Trúc thờ Thái úy Lý Thường Kiệt là Di tích cấp quốc gia. Lễ hội Đền Trúc ngoài các nghi thức rước xách, tế lễ, các trò vui, không thể thiếu hát Dậm, một loại dân ca nghi lễ đặc sắc, độc đáo, đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thị xã Kim Bảng còn là địa phương ở tỉnh Hà Nam có Quần thể di tích – Danh thắng (phường Ba Sao) đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, bao gồm những di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc, núi non và hồ lục nhạc rộng lớn. Chùa Tam Chúc (mới xây dựng) qui mô lớn nhất Việt Nam, năm 2019 tại chùa đã tổ chức trọng thể Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc. Lễ hội chùa Tam Chúc khai hội vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông người tham dự.

Khu du lịch quốc gia (vùng lõi là Quần thể di tích – Danh thắng Tam Chúc) nằm trên địa phận phường Ba Sao và xã Khả Phong là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Văn hóa Kim Bảng còn có các đền, chùa, di sản văn hóa phi vật thể đáng chú ý khác.

Tại xã Thanh Sơn, đền bà Lê Chân thờ Nữ tướng của Hai Bà Trưng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Ở thung Suối Bể còn 3 bia Ma nhai (khắc chữ trực tiếp lên khối đá tự nhiên), niên đại năm 1672, 1673, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về bà Lê Chân. Chùa Đặng Xá (xã Văn Xá) hiện còn một hương án đá, được tạo tác vào năm Mậu Tý (1708), một cổ vật đặc sắc, độc đáo, vừa là để đặt đồ thờ vừa là bia.

Gốm Quyết Thành, tiếp thu tinh hoa của hai lò gốm cổ truyền Quế, Đanh Xá đã tạo nên dòng sản phẩm mang sắc thái riêng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Lò vật Phương Lâm (phường Đồng Hóa), một trong 4 lò vật dân tộc lâu đời của tỉnh Hà Nam, thường xuyên có các đô vật tham gia các giải vật của tỉnh tổ chức.

Huyện Bình Lục

Gần 90 năm trước, cuốn “Địa dư huyện Bình Lục” của Tri huyện Ngô Vi Liễn ra đời, mở đầu là “Bài ca Bình Lục phong thổ”, tác giả là ông Vũ Đăng Tiên, sáng tác năm 1900, giới thiệu về 67 xã của huyện Bình Lục với hai câu mở đầu: Bình Lục là chốn trung châu/Nghìn thu khí vượng, nhiệm màu nước non. Đây là cuốn địa chí huyện đầu tiên của tỉnh Hà Nam.

Trống đồng cổ của nền văn hóa Đông Sơn lừng lẫy cũng được phát hiện ở huyện Bình Lục. Đó là Trống đồng Ngọc Lũ I, cổ nhất, hoa văn phong phú nhất, điển hình nhất cho dòng Trống đồng Đông Sơn. Trống đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, phiên bản trống theo tỷ lệ 1/1 được đặt tại trụ sở Liên hợp quốc. Trên địa bàn huyện Bình Lục còn phát hiện được 6 Trống đồng Đông Sơn nữa, trong đó Trống đồng Vũ Bản đã được lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia.

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
Phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ I được lưu giữ tại đình làng, là báu vật, niềm tự hào của người dân làng Chủ (Ngọc Lũ, Bình Lục). Ảnh: Chu Uyên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Hà Nam. Lần thứ hai, sau khi dự Hội nghị tổng kết chống hạn của tỉnh, sáng ngày 14/1/1958, Bác đến công trường đắp đập Cát Tường, ngăn sông Sắt lấy nước cứu lúa. Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân dân đắp đập đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tại khu vực này đã xây dựng nhiều hạng mục lưu niệm sự kiện và tưởng niệm Bác Hồ. Di tích và các công trình xây dựng thuộc đất thị trấn Bình Mỹ. Thôn An Thái thuộc thị trấn là một làng cổ, nổi trội với cụm di tích đình, chùa. Đình An Thái đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Lễ hội đình An Thái là lễ hội vùng, tổ chức từ ngày 9 – 11/2 âm lịch, độc đáo với đám rước kiệu, đấu cờ người, đấu vật trình Thánh. Chùa An Thái lưu giữ tấm bia đá cổ, cho biết vào thời Tây Sơn vì kiêng tên húy Bình của Nguyễn Huệ khi còn nhỏ, nên huyện Bình Lục phải đổi thành huyện Ninh Lục. Thôn An Thái còn nghề đông y lâu đời với những lang y chuyên chữa trị bệnh vô sinh.

Tại xã Ngọc Lũ, ngoài Trống đồng Ngọc Lũ I, còn phát hiện được hai trống đồng Đông Sơn nữa. Đình, chùa Ngọc Lũ đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Bia chợ Chủ, niên đại 1681 là bia chợ duy nhất còn tồn tại ở tỉnh Hà Nam, danh xưng Việt Nam hai lần xuất hiện trên bia này. Bên cạnh xã Ngọc Lũ là xã Bồ Đề, nơi có đình Triều Hội, Di tích cấp quốc gia. Ngày 20/10/1930, tại sân đình, Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức cuộc biểu tình, tuần hành chống thực dân phong kiến của nông dân các xã trong vùng. Sự kiện gây tiếng vang khắp cả nước, đã được nêu trong báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế nông dân ngày 5/11/1931.

Xã Vũ Bản liền kề xã Ngọc Lũ, ngoài trống Vũ Bản, còn phát hiện được một trống đồng Đông Sơn nữa, mang tên trống Vũ Bị. Khánh đá chùa Điều (thôn Đông Tự) quý hiếm, đặc sắc đã được lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Đình Cả thuộc thôn Trung đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia, tọa lạc ở trung tâm Thái ấp Quắc Hương thời Trần của Thái sư Trần Thủ Độ. Rượu Vọc tương truyền ra đời từ thời Trần nay đã là thương hiệu có tiếng tăm. Lò vật Vũ Bị, một trong 4 lò vật dân tộc, cổ truyền của tỉnh Hà Nam.

Xã Trung Lương có 4 di tích cấp quốc gia, thì 2 di tích thuộc thôn Vị Hạ (Và Hạ) quê hương nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến. Từ đường Nguyễn Khuyến còn lưu giữ nhiều kỷ vật quý của nhà thơ – Tam Nguyên Yên Đổ. Đình Vị Hạ mang phong cách kiến trúc điển hình thời Hậu Lê, có nhiều mảng chạm khắc đậm chất dân gian đặc sắc và độc đáo.

Xã An Lão, cực nam của huyện Bình Lục với núi Quế, sông Ninh. Núi Quế còn có tên Nguyệt Hằng Sơn, núi An Lão. Trên đỉnh núi có ngôi chùa thời Lý tạc vào vách đá, ở sườn phía Đông Nam núi đá phát hiện một Trống đồng Đông Sơn, niên đại gần với Trống Ngọc Lũ I. Làng nghề đồ sừng mỹ nghệ Đô Hai nổi tiếng xa gần.

Bình Lục còn có nhân vật “Trạng Lợn” – trạng dân gian. Ông Trạng quê làng Mạnh Chư (xã An Đổ) xuất hiện vào thời Lê Trung Hưng, không đỗ Trạng Nguyên mà người đương thời, kể cả vua quan thán phục.

Huyện Lý Nhân

Lãnh thổ của huyện bốn phía được sông bao bọc, bởi sông Hồng, sông Châu. Đây là đặc điểm tự nhiên độc đáo của huyện Lý Nhân. Con sông Long Xuyên của riêng Lý Nhân là dòng sông lịch sử, văn hóa, phong thủy.

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
 Chuối ngự Đại Hoàng (Hòa Hậu, Lý Nhân). Ảnh: Thế Tuân

Di sản văn hóa Lý Nhân phong phú, đa dạng cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo), Di tích cấp quốc gia đặc biệt, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, gia quyến và các bộ tướng. Tại đền, hằng năm diễn ra Lễ phát lương Đức Thánh Trần vào đêm ngày 14 tháng Giêng âm lịch, đúng giờ Tý thì phát lương kéo sang cả hôm sau. Lễ hội đền Trần Thương tổ chức từ ngày 19 – 21/8 âm lịch, chính hội là ngày 20 tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương năm 1300. Lễ hội với nghi thức và các trò chơi dân gian đặc sắc đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thị trấn Vĩnh Trụ, tọa lạc ngôi đình cổ, Di tích quốc gia và văn chỉ thời ông Nghè (tiến sỹ) Vũ Văn Lý thầy của Nguyễn Thắng (sau đổi là Nguyễn Khuyến).

Xã Đức Lý liền kề thị trấn Vĩnh Trụ, ở xã này có đình Văn Xá, Di tích quốc gia niên đại thời Nhà Mạc sớm nhất trong các ngôi đình ở tỉnh Hà Nam. Cụm di tích quốc gia đình chùa Tế Xuyên gây được sự chú ý bởi tại chùa còn lưu giữ kho mộc bản in kinh Phật rất có giá trị. Đình Ngò – Di tích quốc gia nổi danh với chiếu chèo sân đình (chiếu chèo làng Ngò).

Xã Bắc Lý có các di tích nổi bật. Đình Chương Lương – Di tích quốc gia thờ ông tổ của múa rối cạn là Văn Chất thập bát quốc Ổi lỗi Tôn thần, lễ hội đình có trò múa 18 đầu rối rất độc đáo. Đình Nội Chuối là Di tích cấp tỉnh, trong lễ hội đình có múa hát Lải Lèn. Hát Lải lèn (còn gọi là hát Lả lê) gồm 20 làn điệu, lời ca rất cổ, đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại thôn Văn An xã này còn lưu giữ cuốn sách đồng có tên “Khâm ban đồng bài”, niên đại 1472, cổ nhất trong 8 sách đồng còn lại ở Việt Nam.

Xã Chân Lý nổi tiếng với đền Bà Vũ (người con gái Nam Xương trong sách cổ) đã được xếp hạng Di tích quốc gia. Lễ hội đền Bà Vũ (Bà Vũ Thị Thiết) mở trong 3 ngày 18 – 20/8 âm lịch cũng đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Xã Đạo Lý còn cỗ kiệu lồng không ở đâu có. Kiệu kích thước lớn trang trí hoa văn phong phú của thời Hậu Lê, cần tới 16 người khiêng kiệu. Kiệu là cổ vật đặc sắc của đình Thọ Chương – Di tích quốc gia.

Làng Đại Hoàng (xã Hòa Hậu) quê hương nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao, hội tụ nhiều chứng tích về Nhà văn đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật, ngay đợt đầu tiên (1996). Các chứng tích là mộ phần, tư liệu, hiện vật trưng bày trong Nhà lưu niệm Nam Cao, Nhà Bá Kiến, nguyên mẫu của nhân vật trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Không chỉ có thế, làng Đại Hoàng còn có nghề dệt thủ công lâu đời, cá kho niêu, đặc biệt là chuối Ngự ngon, quý thời trước dùng để tiến vua. Cùng với chuối Ngự, văn hóa ẩm thực đặc sản Lý Nhân được xa gần ưa chuộng còn có quýt cơm Văn Lý, bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý), gạo, hạt sen Trác Nội, Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo).

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến xã Hợp Lý nổi danh với Lò vật cổ truyền Phúc Châu đã cung cấp cho nền thể thao dân tộc nước nhà 1 kiện tướng và hơn chục đô vật cấp I. Nơi đây còn có rượu Phúc Thượng đậm mà êm được nấu theo phương pháp thủ công nổi tiếng không kém rượu Vọc (Bình Lục), rượu Bèo (Duy Tiên).

Huyện Thanh Liêm

Muốn tìm hiểu tường tận về Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn), người mở đầu, dưới chân núi Đọi mỹ tục khuyến nông trong lịch sử văn hóa Việt Nam, chúng ta hãy về xã Liêm Cần (Thanh Liêm).

Xã Bảo Thái xưa, Liêm Cần nay, là quê hương Lê Hoàn và dũng tướng thời Trần – Trần Bình Trọng. Nơi đây còn những địa danh, dấu tích liên quan đến thời kỳ Lê Hoàn lập căn cứ luyện quân, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Đền Lăng, di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, tọa lạc trên ngọn núi của căn cứ xưa. Đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn), phối thờ tám vị Hoàng đế (con Lê Hoàn), Tam vị Đại vương (các tướng của Lê Hoàn). Ngoài Đền Lăng, đình Ứng Liêm (xã Thanh Hà) cũng thờ Lê Hoàn, đình Cẩm Du (thị trấn Tân Thanh) thờ Nhữ Hoàng Đê, bộ tướng của Lê Hoàn. Hai đình cũng là Di tích cấp quốc gia. Trên núi Cõi (thôn Cõi, Liêm Cần) còn mộ phần ông Lê Lộc (còn gọi là Mộ hổ táng, Mả Dấu) ông nội của Lê Hoàn. Xã Liêm Cần hiện còn Bệ thờ đá hoa sen rất quý (niên đại 1364 thời Trần) ở chùa Long Hoa. Xã này cũng nổi tiếng về nghề làm đá cảnh, hòn non bộ.

Văn hóa Hà Nam – Đặc sắc và độc đáo
 Lễ hội vật Liễu Đôi (Liêm Túc, Thanh Liêm). Ảnh: Ngọc Diệp

Xã Liêm Túc và các xã lân cận hợp thành kho tàng văn hóa Liễu Đôi, giàu có về di tích kiến trúc dân gian, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, vè, truyện cổ, nhất là hệ thống kinh thư, binh pháp, truyện thơ khuyết danh kể về Lê Hoàn và các sự kiện, nhân vật liên quan dài tới 8.878 câu thơ lục bát. Đình Đống Cầu – Di tích quốc gia ở trung tâm xã Liễu Đôi xưa, gần đó là sới vật của Lò vật cổ truyền Liễu Đôi nổi tiếng. Lễ hội vật Liễu Đôi đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, độc đáo với “Năm keo trai rốt” lễ hội diễn ra từ ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch.

Thôn An Hòa, thôn Hòa Ngãi có nghề thêu ren lâu đời, sản phẩm tinh xảo được thị trường ưa thích. Nghề thêu ren của hai làng đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đình An Hòa, đình Hòa Ngãi đậm đà kiến trúc, nghệ thuật thời Hậu Lê cũng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.

Xã Liêm Thuận từ lâu đời có tục lệ hát Trống quân cả trên cạn và dưới thuyền, chủ yếu ở ba thôn Chảy, Sồng, Gừng sau lan ra nhiều nơi. Tại khu vực đình Chảy – Di tích quốc gia, hằng năm vào rằm tháng Tám âm lịch dân làng đồng thời tổ chức hát Trống quân cả trên cạn và trên thuyền ở ao đình. Hát Trống quân Hà Nam (chủ yếu ở xã Liêm Thuận) đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng ở xã Liêm Thuận, lễ hội làng Gừa, khai hội vào mồng bốn tháng Giêng âm lịch có trò cướp cầu rất độc đáo, hấp dẫn.

Về văn hóa ẩm thực, Thanh Liêm có bánh đa vừng Kiện Khê được bán ở nhiều nơi, nhiều người ưa chuộng.

Văn hóa 6 huyện, thành, thị của tỉnh Hà Nam rất dồi dào, phong phú, đa dạng nhiều đặc sắc, độc đáo khó kể được hết. Mới chỉ là đôi nét phác họa, chắc chắn là không đầy đủ, ngõ hầu để thêm tự hào về vùng đất “Núi Đọi – Sông Châu”, với truyền thống văn hóa lâu đời đã và đang được tiếp nối/lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Mai Khánh





Nguồn: https://baohanam.com.vn/van-hoa/van-hoa-ha-nam-dac-sac-va-doc-dao-145455.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất