Powered by Techcity

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch




Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam với chủ đề “Hà Nam – Hành trình kết nối” là một trong những sự kiện tiêu biểu của Tuần Văn hóa – Du lịch Hà Nam năm 2024. Đây là dịp để Hà Nam tiếp tục định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế “Điểm đến văn hoá địa phương hàng đầu thế giới” và “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”; quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; đồng thời, mở rộng liên kết phát triển du lịch, tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn giới thiệu đến du khách. Sự kiện thu hút trên 800 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế. Tại đây, đã có nhiều ý kiến, đề xuất, gợi mở… được đưa ra nhằm phát triển du lịch Hà Nam.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa UBND tỉnh Hà Nam và một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước. Ảnh: Đức Huy

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định Hà Nam có nhiều lợi thế về du lịch nhưng việc phát triển du lịch hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Hà Nam có những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, cũng như hệ thống các khu du lịch sinh thái và tâm linh độc đáo, là một trong những địa phương có cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch. Hà Nam còn có vị trí địa lý chiến lược, nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch và gần các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Chính vì vậy, Hà Nam đang nổi lên là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển lâu dài.

Để du lịch Hà Nam phát triển bền vững, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh cần tăng cường quảng bá, đặc biệt chú trọng quảng bá trên nền tảng số; tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch. Bên cạnh triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư lĩnh vực du lịch, cơ sở hạ tầng, Hà Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm ấn tượng cho du khách; quan tâm phát triển du lịch thông minh và khai thác các mô hình du lịch sáng tạo, kết hợp giữa di sản văn hóa và công nghệ số…

Nhìn từ nguồn tài nguyên văn hóa địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nam cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, tăng cường bảo tồn các giá trị tài nguyên văn hóa cốt lõi, đặc sắc của tỉnh; ưu tiên xây dựng các sản phẩm dựa trên thế mạnh khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa tâm linh, lấy quần thể danh thắng Tam Chúc làm trung tâm kết nối với các điểm du lịch văn hóa – tâm linh khác. Nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, mới đây, Khu Du lịch Tam Chúc đã ra mắt tour du lịch ngắm hoàng hôn trên hồ Lục Nhạc, thưởng thức trà chiều và tour đêm Tam Chúc. Ngoài tour ngắm hoàng hôn và tour đêm Tam Chúc, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm tour thiền trà, thiền chuông trong ánh hoàng hôn ngay tại sân chính điện. Đón đầu xu hướng du lịch trải nghiệm, thiền, Khu Du lịch Tam Chúc đã xây dựng khu cắm trại ngoài tháp chuông, phù hợp với giới trẻ. Nhưng để Khu Du lịch Tam Chúc phát huy hơn nữa giá trị về thế mạnh du lịch cần xây dựng các không gian văn hóa mang đậm âm hưởng Phật giáo với các dịch vụ chất lượng, như: dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng dược liệu và các liệu pháp cổ truyền, trải nghiệm thiền, yoga; tổ chức các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian. Cùng với quần thể chùa Tam Chúc, xây dựng “Chương trình lưu trú trải nghiệm cuộc sống ở chùa” mang tới cho khách trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của những người tu hành trong các ngôi chùa cổ, chứa đựng lịch sử Phật giáo ở Hà Nam, với một số chương trình chính: Temple Stay thư giãn, Temple Stay trải nghiệm, Temple Stay tu tập.

Một số ý kiến tập trung vào việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng homestay gắn với trải nghiệm văn hóa nông thôn, cảnh quan nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số khu vực có tiềm năng cho việc phát triển mô hình du lịch này cần được nghiên cứu đầu tư, phát triển như: một số thôn, tổ dân phố thuộc xã Khả Phong, thị trấn Ba Sao (Kim Bảng); xã Hòa Hậu (Lý Nhân); xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên); xã Trung Lương (Bình Lục); xã Thanh Hà (Thanh Liêm)…


Lễ hội Tam Chúc năm 2024 là một trong những lễ hội hấp dẫn du khách mọi miền đất nước. Ảnh: Chu Uyên

Bên cạnh đó, khai thác đa dạng các giá trị văn hóa, lịch sử từ các bảo tàng, các điểm di tích, các lễ hội truyền thống; trong đó, đặt trọng tâm khai thác, phát huy giá trị văn hóa nhằm đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trong không gian Lễ hội Tịch điền; các trò chơi, trò diễn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, làng nghề truyền thống gắn với đời sống và văn hóa cộng đồng bản địa; đổi mới phương thức trải nghiệm, đồng thời gia tăng nội dung, những thông điệp có ý nghĩa và tính giáo dục thông qua những trải nghiệm này. Đồng thời, tổ chức sự kiện văn hóa – du lịch thường niên của tỉnh, tạo điểm nhấn để quảng bá du lịch và thu hút khách du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, như: phát triển hệ thống quét mã QR tra cứu thông tin tại các điểm di tích, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động, xây dựng các ứng dụng và nền tảng trực tuyến để quảng bá về di sản văn hóa Hà Nam với đầy đủ thông tin chi tiết về di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực,… và các sản phẩm du lịch văn hóa. Theo các ý kiến được chia sẻ tại hội nghị, điều này sẽ thu hút sự quan tâm của du khách và tăng cường sự nhận diện văn hóa Hà Nam.

Hiến kế để du lịch Hà Nam cất cánh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành          Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ: Để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nam, đòi hỏi ngành du lịch cần đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, như khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan. Để làm được điều này đòi hỏi tỉnh Hà Nam có thêm những cơ chế, chính sách về hạ tầng, diện tích xây dựng, qua đó thu hút vốn đầu tư cho ngành du lịch… Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng: Du lịch Hà Nam cần đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ; trong đó, chú trọng kết nối với Hà Nội để xây dựng những tour, tuyến du lịch chung phù hợp với từng luồng du khách nhất định… qua đó, sẽ tạo cơ hội cho du lịch Hà Nam trao đổi du khách với Hà Nội và các địa phương khác.

Trước những đề xuất, gợi mở trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cho biết: Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường nguồn lực đầu tư tu bổ các công trình tâm linh, hình thành và phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề chất lượng cao. Đồng thời, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới, mang đặc trưng du lịch Hà Nam; mời gọi các nhà đầu tư xây dựng những khu lưu trú đẳng cấp, thể thao chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ, kết nối và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, xu hướng của khách du lịch; xây dựng các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp từng giai đoạn, đối tượng khách, đặc biệt là các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển lĩnh vực du lịch.

Với quyết tâm chính trị cao nhất của chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, du lịch Hà Nam sẽ là điểm hẹn đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch, là điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách trong thời gian tới.

Chu Bình





Nguồn: https://baohanam.com.vn/du-lich/day-manh-khai-thac-tiem-nang-phat-trien-du-lich-139859.html

Cùng chủ đề

Coteccons ghi nhận giá trị trúng thầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2025: Coteccons ghi nhận giá trị trúng thầu vượt mốc 10.000 tỷ đồngCoteccons vừa công bố Báo cáo quý I năm tài chính 2025, ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, đồng thời trúng thầu hàng loạt dự án lớn, góp phần khẳng định vị thế hàng đầu của Coteccons trong ngành xây dựng Việt Nam. Năm tài chính của Coteccons bắt đầu từ ngày 1/7 và kết...

Cùng tác giả

Coteccons ghi nhận giá trị trúng thầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh quý I năm tài chính 2025: Coteccons ghi nhận giá trị trúng thầu vượt mốc 10.000 tỷ đồngCoteccons vừa công bố Báo cáo quý I năm tài chính 2025, ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, đồng thời trúng thầu hàng loạt dự án lớn, góp phần khẳng định vị thế hàng đầu của Coteccons trong ngành xây dựng Việt Nam. Năm tài chính của Coteccons bắt đầu từ ngày 1/7 và kết...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất