Powered by Techcity

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng “Em bé Hà Nội” nửa thế kỷ trước

Phóng viên Dân trí hẹn NSND Lan Hương vào một chiều thu Hà Nội, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Vẫn đôi mắt đen tròn và biết nói đó, NSND Lan Hương năm 10 tuổi như đang trở lại và kể cho chúng tôi nghe những ký ức về Em bé Hà Nội, những kỷ niệm về mùa hè Hà Nội năm 1973.

“Tôi phấn đấu không biết mệt mỏi để giữ cái tên “Em bé Hà Nội”

Đã nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày bộ phim “Em bé Hà Nội” ra đời, nhiều người vẫn tò mò, NSND Lan Hương đã đến với vai diễn này và bén duyên với nghệ thuật thứ 7 như thế nào?

– Cụ ngoại của tôi từng ở trong gánh hát. Tuổi thơ của tôi cũng lớn lên trong xưởng phim, khi ông ngoại và bà ngoại làm việc ở đó, bác trai ruột là NSƯT Lưu Xuân Thư từng làm diễn viên rồi mới chuyển sang cầm máy quay phim…

Rồi đến mẹ tôi, nếu không đỗ Đại học Bách Khoa thì cũng học in tráng hoặc làm công việc nào đó ở xưởng phim như nghề truyền thống của gia đình.

Lúc ấy, tôi hay chụp ảnh cho các lớp quay phim, dần dần tiếp xúc với phim ảnh nên thích lắm. Và có lẽ bởi vậy, tình yêu điện ảnh đã ngấm vào tôi từ nhỏ, khi mới 3-4 tuổi.

Thuở ấy, rất nhiều đạo diễn kỳ cựu như cô Bạch Diệp, cô Đức Hoàn đi học ở Nga về rất thích tôi và nhiều lần ngỏ ý mời tôi đóng phim nhưng ông bà ngoại không đồng ý.

Năm tôi 6-7 tuổi, cô Đức Hoàn rộn ràng cho tôi đóng vai Tý trong phim Chị Dậu. Tuy nhiên, vì một vài lý do nên bộ phim bị hoãn lại. Tôi còn nhớ, từ khi bắt gặp tôi, cô Đức Hoàn đã gọi tôi là “thần sầu” và nhận xét tôi có gương mặt rất điện ảnh.

Mọi người cũng hay gọi tôi là “con Côdét” (nhân vật cô bé mồ côi trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo – PV).

Riêng bác đạo diễn Hải Ninh (NSND Hải Ninh – PV) là người bạn thân thiết với gia đình tôi từ rất lâu rồi. Một lần, bác đến nhà bà ngoại tôi chơi, cứ nhìn tôi chằm chằm. Bác bảo với bà ngoại: “Con bé này có đôi mắt đẹp nhỉ, ánh mắt buồn sầu – rất điện ảnh. Sau này làm diễn viên được đấy!”.

Cho đến năm 1972, ông viết kịch bản phim có tên Em bé An Dương, sau chuyển thành Em bé Khâm Thiên, thấy vẫn chưa tiêu biểu, cuối cùng chuyển tên lần thứ 3 là Em bé Hà Nội. Lúc này, ông nhớ và nhắm tới tôi – cô bé có đôi mắt sầu thảm lúc bấy giờ – vào vai em bé Hà Nội. Khi đó, tôi 10 tuổi và đã về ở với mẹ.

Khoảng tháng 1/1973, ông đến nhà thuyết phục mẹ tôi cho tôi đi thử vai nhưng bà kịch liệt phản đối. Bà không thích và cho rằng, nghề diễn bạc, trẻ thì hào quang, được tung hô còn về già lại hiu quạnh. Mẹ chỉ thích tôi làm một việc gì đó ổn định và yên tâm cho đến già.

Cuối cùng, NSND Hải Ninh thuyết phục mãi mẹ tôi mới đồng ý cho tôi thử vai. Trong mắt mẹ, tôi là cô bé nhút nhát và yếu ớt, nên bà cũng nghĩ tôi có thử cũng sẽ rớt vai.

Tôi nhớ hôm tuyển vai diễn, đứng trước ống kính, tôi nhập vai và nói nhiều lắm. Tôi nói liến thoắng về đam mê điện ảnh và ước mơ được nổi tiếng như cô Trà Giang (NSND Trà Giang – PV) khi vừa đóng xong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Tôi cũng kể cho các bác nghe, khi mới 5 tuổi, tôi đã được xem các bộ phim: Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình…. như thế nào.

Mẹ tôi ngạc nhiên lắm vì ở nhà, có cạy miệng, tôi cũng không chịu nói. Bởi vậy, từ nhỏ tôi mới có biệt danh là “hến”. Tôi đã qua sơ tuyển vòng 1 một cách hồn nhiên như thế.

Đến vòng 2, gặp tôi, chú Thế Dân (NSND Thế Dân – PV) là quay phim Em bé Hà Nội lúc đó bảo rằng, tôi lên hình không được đẹp như bên ngoài. Chú nói, ở ngoài trông tôi “Tây” lắm mà lên phim lại khác. Bác Hải Ninh nghe vậy liền gạt đi và nói ý rằng, trẻ con lúc bấy giờ phải quê, nhếch nhác thế, còn đẹp, nét sẽ không hợp.

Nửa tháng sau, không thấy tôi được gọi, cả nhà cũng nghĩ tôi trượt vai. Mẹ tôi cũng tìm cách cắt phăng mái tóc dài của tôi tới ngang tai để có lý do tôi không hợp với vai em bé Hà Nội. Lúc đó, tóc tôi dài đến hông, dù tết hai bên hay buộc cao cũng rất đẹp.

Ngày đoàn chốt vai, bác Hải Ninh đến nhà tôi và “suýt ngất” khi thấy mái tóc dài của tôi không còn nữa, trong khi tạo hình vai diễn em bé Hà Nội bấy giờ là tết tóc đuôi sam hai bên, đội mũ rơm.

Cho đến một ngày khi tôi đi học về thì thấy bác Hải Ninh đang ngồi trong nhà nói chuyện với mẹ tôi. Ông cương quyết nói: “Tôi sẽ chờ nửa tháng, cho tóc cháu dài ra rồi quay phim”. Song, mẹ tôi vẫn kiên quyết không chịu.

Sau này, có thư tay của ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – gửi về cho mẹ tôi, với đại ý nói đây là bộ phim kỷ niệm về Hà Nội mà đoàn làm phim thấy mỗi cháu Lan Hương có khả năng diễn được vai đó, lúc này bà mới thay đổi quyết định.

Tuy nhiên, mẹ tôi ra điều kiện chỉ cho tôi đóng duy nhất một phim này mà thôi.

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 1
NSND Lan Hương trong vai “Em bé Hà Nội” Ngọc Hà (Ảnh: Tư liệu).

Đóng “Em bé Hà Nội” khi mới 10 tuổi nhưng NSND Lan Hương nhập vai một cách xuất thần, như “lên đồng”. Hẳn sau 5 thập kỷ, có không ít câu chuyện khi đóng phim đến nay vẫn khiến bà ám ảnh, không thể nào quên?

– Tôi nhớ như in, tháng 12/1972, khi Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội, khi ấy tôi mới 9 tuổi, sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám.

Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy mưa bom, chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố.

Gia đình tôi cuống cuồng lao ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, cả nhà sơ tán về Bình Đà. Thành phố hoang tàn, đổ nát. Khắp nơi là tiếng khóc than, là nỗi kinh hoàng. Ngày nào, B52 Mỹ tạm ngừng ném bom, tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm…

Bộ phim Em bé Hà Nội được quay vào tháng 6-7/1973, khoảng nửa năm sau trận Điện Biên Phủ trên không nên nhiều nơi vẫn chưa được dọn dẹp hết.

Trong phim, có một cảnh quay tôi đi quanh những hố bom để tìm nhà trong khi đoàn làm phim ở một nơi khác, máy quay được treo trên cầu cẩu ở rất xa. Tôi chỉ có một mình ở đó, xung quanh vắng lặng, hoang tàn, đổ nát.

Từ những ký ức kinh hoàng chân thực về trận ném bom mùa đông năm 1972, tôi đã diễn cảnh đó bằng tất cả nỗi sợ hãi của mình. Cho đến giờ, nghĩ lại tôi vẫn sợ.

Một cảnh quay khác khiến tôi sợ, bị ám ảnh là cảnh ô tô đang chạy và tôi chạy song song với bánh xe. Mọi người đứng ngoài xem tôi diễn mà không khỏi lạnh gáy vì dù chiếc xe chạy chậm nhưng trong tích tắc tai nạn rất có thể sẽ xảy ra. May mắn tôi bình an và được khen ngợi vì cảnh đó diễn quá đạt.

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 2
NSND Lan Hương trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Còn những kỷ niệm vui nào như cát-xê, đón nhận sự nổi tiếng lúc còn nhỏ… khi đóng “Em bé Hà Nội”, NSND Lan Hương có thể chia sẻ?

– Phim trôi qua đã lâu nên tôi không nhớ rõ cát-xê lúc đó là bao nhiêu, mẹ tôi nhận và giữ. Chỉ biết rằng, đóng phim xong, tôi được mẹ mua cho một chiếc xe đạp để đi học và một chiếc đồng hồ khá xịn từ thù lao đóng phim của mình.

Tôi còn nhớ niềm háo hức khi đó. Mỗi lần đi đóng phim là có có hẳn một xe ô tô chỉ chuyên để đi đón tôi, có cả một người phụ trách việc mình thích ăn gì thì mua chứ không ăn khẩu phần giống như mọi người trong đoàn phim.

Biết tôi thích ăn kem nên một chiếc phích đựng kem lúc nào cũng được chuẩn bị sẵn. Phim quay suốt một năm trời nên để đảm bảo việc học tập, những hôm nghỉ học để đi quay là sau đó cô giáo về tận nhà giúp tôi bổ túc thêm văn hóa.

Ham đóng phim nên nhiều hôm lên cơn hen, mà nghe có người trong đoàn phim đến thông báo đã xong bối cảnh quay là tôi liền khỏi ngay.

Còn nhỏ đã đóng phim, đã nổi tiếng nên tôi cũng thấy “oách” lắm. Lên lớp bạn bè cũng tíu tít hỏi han, tôi vui và cũng… ra vẻ lắm đấy (cười).

Còn có chuyện, mọi người bàn tán, kháo rằng, cô bé đóng vai em bé Hà Nội đã chết bị bệnh tim, rồi bệnh hen suyễn,… trong khi tôi đang đứng ngay cạnh (cười).

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 3
NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 4

Tròn 50 năm, nhắc đến NSND Lan Hương, khán giả vẫn chỉ nhớ một “Em bé Hà Nội” trong veo giữa Hà Nội hoang tàn khi ấy. Và nhiều người cũng cho rằng, bà đã bị “chết vai” ở chính vai diễn đầu tiên đó – khi mới 10 tuổi?

– Nhiều người hỏi tôi có chạnh lòng không? Ngược lại, tôi trân trọng khi khán giả vẫn gọi mình là Lan Hương “Em bé Hà Nội”. Nó không chỉ có tính thời điểm mà cả một quá trình và con đường nghệ thuật tôi đã đi qua.

Đời người diễn viên, ai cũng muốn có một vai diễn để đời và mong muốn được khán giả gọi tên bằng vai diễn. Nếu được như vậy, tôi thấy đó là niềm hạnh phúc và may mắn.

Tôi đã phấn đấu không mệt mỏi trong suốt nhiều năm qua vì cái tên “Em bé Hà Nội” và để giữ lại cái tên “Em bé Hà Nội”.

Và tôi cũng nghĩ, nếu không có những dấu ấn, thành công của tôi trên con đường nghệ thuật thì cái tên “Em bé Hà Nội” chưa hẳn đã sâu đậm và ở lại mãi với tôi cũng như khán giả đến ngày hôm nay.

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 5

“Tôi đã phấn đấu không biết mệt mỏi để giữ lại cái tên “Em bé Hà Nội”.

NSND Lan Hương

“Hà Nội trong tôi luôn đặc biệt”

Hà Nội những năm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không với NSND Lan Hương là nỗi sợ kinh hoàng. Và giờ, 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội trong ấn tượng của bà ra sao?

– Với tôi, Hà Nội lúc nào cũng đặc biệt. Trong chiến tranh hay khi hòa bình, Hà Nội vẫn mang những vẻ đẹp rất riêng và vốn có.

70 năm sau Ngày Giải phóng, Hà Nội dường như đã “thay da đổi thịt” đi nhiều với những công trình hiện đại, văn minh nhưng không bao giờ mất đi những giá trị di sản vốn có.

Hồ Hoàn Kiếm – nơi gắn bó với tuổi thơ của anh em chúng tôi, thi thoảng lại lên bờ hồ ăn kem, là trái tim của Thủ đô – vẫn giữ một màu xanh ấy, vẫn linh thiêng như vậy.

Quả thật, tôi đi nhiều nơi, thấy Hà Nội vẫn là Thủ đô an ninh, thành phố của hòa bình.

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 6
NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 7

Cuộc sống đời thường an yên của NSND Lan Hương.

Vậy “Em bé Hà Nội” Lan Hương ngày ấy và bây giờ có khác nhau nhiều?

– Có lẽ chỉ khác ở nếp nhăn trên gương mặt nhiều hơn và cân nặng tăng lên thôi (cười). Còn tôi thấy mình vẫn giữ được những nét của em bé Hà Nội, vẫn ánh mắt và nụ cười năm xưa – nhiều người luôn cảm nhận được.

Và đặc biệt vẫn yêu điện ảnh, yêu sân khấu và nghệ thuật đến mê mệt.

Yêu nghệ thuật và Hà Nội đến thế nhưng dường như tình yêu Hà Nội mà Lan Hương gửi gắm qua những vai diễn hay khi làm đạo diễn của mình không được nhiều. Đó có phải là điều khiến bà tiếc nuối?

– Đúng là ngoài phim Em bé Hà Nội, tôi chưa làm cái gì thật lớn cho Hà Nội. Tôi cũng muốn làm vở kịch chính thống về Hà Nội, nhưng chưa có điều kiện. Tôi vẫn đang chờ một cơ hội nào đó đến với mình.

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 8

Cuộc sống khi về hưu của NSND Lan Hương thế nào?

– Cuộc sống của tôi bình thường như bao người khác thôi. Lương của tôi hơn 8 triệu đồng còn ông xã (NSƯT Tất Bình – PV) là 10,3 triệu đồng, cứ chờ đến tháng rồi nhận. Tôi ăn uống, chi tiêu cũng rất đơn giản, chẳng cao lương mĩ vị gì.

Chồng tôi thường xuyên vào bếp nấu ăn cho vợ. Ở tuổi này tôi lại thích mùi hương khói. Tôi chẳng tiếc nuối điều gì, chỉ vẫn mong ước, khát khao và chờ đợi sẽ được làm một bộ phim điện ảnh nữa…

Cảm ơn NSND Lan Hương vì những chia sẻ!

NSND Lan Hương kể nỗi ám ảnh khi đóng Em bé Hà Nội nửa thế kỷ trước - 9

Ảnh: Nguyễn Hà Nam

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/giai-tri/nsnd-lan-huong-ke-noi-am-anh-khi-dong-em-be-ha-noi-nua-the-ky-truoc-20241010091555226.htm

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Hàng vạn người dân thích thú khám phá, trải nghiệm tại Triển lãm Quốc phòng

Sáng 21/12, hàng vạn người dân sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang,… đã đổ về khu vực sân bay Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) để tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. 10h, tại khu vực gian hàng của Mỹ, Nga và Việt Nam trưng bày máy bay, tên lửa, xe tăng,… hàng vạn người dân xếp hàng chật kín...

Cùng chuyên mục

Hàng vạn người dân thích thú khám phá, trải nghiệm tại Triển lãm Quốc phòng

Sáng 21/12, hàng vạn người dân sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang,… đã đổ về khu vực sân bay Gia Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) để tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. 10h, tại khu vực gian hàng của Mỹ, Nga và Việt Nam trưng bày máy bay, tên lửa, xe tăng,… hàng vạn người dân xếp hàng chật kín...

Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ khó cho Dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Đề xuất cơ chế đặc thù gỡ khó cho Dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2Bộ Y tế sẽ đề xuất cơ chế đặc thù nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện và đưa vào hoạt động hai bệnh viện lớn Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, sau hàng chục năm thi công. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, nếu các vấn đề được giải...

Tin nổi bật

Tin mới nhất