Chiều 7/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thăm Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), giao lưu với sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh – Tầm nhìn cho thế hệ trẻ. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Đây là một sự kiện thú vị, đánh dấu sự trở lại của Việt Nam sau 15 năm của Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của WEF, nhằm động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo và quyết tâm vượt khó của sinh viên, thanh niên Việt Nam. Theo đó, cuộc giao lưu tập trung vào những xu thế định hình kỷ nguyên thông minh của nhân loại; cơ hội, thách thức và định vị Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới; yêu cầu đặt ra đối với thế hệ trẻ để nắm bắt những xu thế thời đại, phát huy vai trò tiên phong đóng góp cho phát triển đất nước.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân chia sẻ: chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà các công nghệ mới, trí thông minh nhân tạo đã thay đổi căn bản cách chúng ta sống, học tập và làm việc. Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới trong kỳ nguyên này. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi toàn diện nền kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục và định vị Việt Nam là một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một lực lượng lao động trẻ, sáng tạo và nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đương đầu với những thách thức của thời đại mới.
VNU luôn tự hào là một trong những cơ sở giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của đất nước, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và khoa học. Theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, VNU đã và đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
VNU không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tiên phong trong việc phát triển các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, đồng thời triển khai các dự án nghiên cứu liên ngành, hướng đến giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu về phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ và bảo vệ môi trường.
Trong chương trình, Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ bức tranh tổng quan về các lực lượng đang định hình thế giới, với nhiều yếu tố biến đổi và phức tạp hơn, mang lại cả thách thức và cơ hội cho tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Có thể kể đến đó là: sự chuyển đổi từ một trật tự toàn cầu ổn định sang một thế giới đa cực, thường xuyên xảy ra xung đột; sự chuyển tiếp từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh; sự phân cực ngày càng gia tăng trong xã hội.
Chủ tịch WEF nhấn mạnh, các bạn trẻ là tương lai của Việt Nam và những biến chuyển được đưa ra thảo luận chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn. Thời đại thông minh không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.
Giáo sư Klaus Schwab cũng đưa ra những gợi ý để Việt Nam có thể nắm bắt những cơ hội phía trước để tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững và bao trùm. Thông qua các sáng kiến như Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, WEF đang nỗ lực cung cấp các nguồn lực và kết nối cần thiết để các quốc gia như Việt Nam phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, đầu tư vào hạ tầng số và chuẩn bị lực lượng lao động thích ứng với những thách thức phía trước.
Nhưng ngoài công nghệ, cơ hội thực sự vẫn nằm ở nhân tố con người. Theo Giáo sư, lợi thế thực sự của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào xây dựng được nền kinh tế tri thức, không chỉ bao gồm các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị – tất cả đều là những yếu tố quan trọng cho một xã hội thịnh vượng và phát triển bao trùm.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá cao tình cảm của Giáo sư Klaus Schwab và Phu nhân dành cho Việt Nam nói chung, VNU nói riêng; vui mừng quan hệ Việt Nam và WEF ngày càng phát triển chặt chẽ; xúc động vì Giáo sư luôn dành tình cảm cho Việt Nam: luôn mời Việt Nam tham dự WEF; dành thời gian để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế; luôn dành cho đoàn Việt Nam có các buổi tiếp xúc, làm việc với các tập đoàn lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Vừa qua Giáo sư Klaus Schwab và Thủ tướng Chính phủ đã thỏa thuận có những giải pháp cụ thể giúp đỡ Việt Nam, đó là khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là tình cảm của Giáo sư đối với Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về bài phát biểu với những chia sẻ rất sâu sắc, đầy ý nghĩa của Giáo sư Klaus Schwab tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Thủ tướng chia sẻ để các sinh viên hiểu hơn về Giáo sư Klaus Schwab và WEF: là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF (từ năm 1971 đến nay), tầm nhìn chiến lược của Giáo sư và của WEF được thế giới khẳng định trong hơn 50 năm phát triển của WEF và ngày càng được khẳng định trong nắm bắt những xu hướng mới toàn cầu và đề xuất những giải pháp cho tương lai.
Trên cương vị Chủ tịch WEF liên tục trong hơn 50 năm qua, Giáo sư đã dẫn dắt WEF theo đuổi cách tiếp cận đa phương, hợp tác công-tư, hợp tác nhiều bên, góp phần giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu trên 3 phương diện:
Thứ nhất, tính đại diện, WEF đã nhận diện cho một khu vực, thế giới, dân tộc;
Thứ hai, tính kết nối giữa các dân tộc, nền văn hoá, thế hệ trẻ, tính tương đồng, thậm chí các thách thức, mâu thuẫn.
Thứ ba, tính tiên phong tạo nên sự chuyển đổi; tầm nhìn chiến lược phải có tính tiên phong, đi đầu, nếu khéo léo, biết cách thì không thất bại. Nhưng “thất bại cũng là mẹ của thành công”. Tính tiên phong trong thế hệ trẻ càng không thể thiếu được. Tính tiên phong thể hiện qua mạng lưới Trung tâm về Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF; trong đó có Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh mới khánh thành tháng 9 vừa qua; các sáng kiến hợp tác công – tư trong các lĩnh vực…
Thủ tướng cho biết, Giáo sư Klaus Schwab đã lựa chọn chủ đề cho Hội nghị WEF Davos năm 2025 sắp tới tại Davos (Thụy Sỹ) là “Định hình kỷ nguyên thông minh”. Đây là nội dung mang tầm thời đại, vì mọi thứ đều gắn với từ “thông minh”,
Về “kỷ nguyên thông minh”, Thủ tướng nhất trí với Giáo sư Klaus Schwab về cách tiếp cận bao trùm, toàn diện, phản ánh xu hướng phát triển của thời đại mới khi đề cập “kỷ nguyên thông minh”. Theo đó, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác:
Từ khía cạnh kinh tế: thông minh phải thực sự chuyển hoá thành sự cải thiện về năng suất, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Lực lượng sản xuất cũng phải chuyển biến thành thông minh. Vẫn là tư liệu sản xuất nhưng phải thông minh; sự phân phối sức lao động cũng phải thông minh.
Từ khía cạnh xã hội: thông minh phải làm xã hội bình đẳng hơn, tự do hơn, bao trùm hơn và không ai bị bỏ lại phía sau. Đảng ta không có mục tiêu cao cả nào hơn là đem lại độc lập, tự do do dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Từ khía cạnh môi trường: thông minh phải đi đôi với sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển bền vững các nền kinh tế; trong bối cảnh hiện nay cần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng thông minh nhất.
Từ khía cạnh địa chính trị: thông minh để thúc đẩy kiến tạo môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển, phải ngăn ngừa chiến tranh, xung đột và chia rẽ. Chúng ta đã trải qua công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đó là để đem lại độc lập tự do, đem lại tương sáng như ngày hôm nay.
Trên hết, Thủ tướng cho rằng kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Về các thách thức, Thủ tướng chia sẻ, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng lúc nào cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong những năm vừa qua, chúng ta phải đối mặt với đại dịch Covid-19; ảnh hưởng của xung đột trên thế giới; biến đổi khí hậu và thiên tai khốc liệt. Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay thì không thể tự một quốc gia đơn lẻ có thể tự giải quyết được mà phải tăng cường đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể.
Về thách thức, Thủ tướng nêu 3 thách thức lớn: Khoảng cách về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; Quy mô kinh tế còn khiêm tốn, nguồn lực còn hạn chế, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi; Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường, đe doạ an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng;
Tuy nhiên, chúng ta cũng có các cơ hội mà các nước đang phát triển có thể nắm bắt, đó là cơ hội từ người đi sau (có điều kiện đi thẳng lên những công nghệ, giải pháp mới nhất); nguồn nhân lực dồi dào; hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Vấn đề là phải có bản lĩnh Việt Nam, tự tin đi lên vì đây là truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, có lúc vượt qua chính giới hạn của bản thân.
Về định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, chúng ta phải bản lĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên thông minh vì có truyền thống lịch sử văn hoá hào hùng hơn 4.000 năm; phải có khát vọng vươn lên; phải hoàn thiện thể chế; phải có nguồn nhân lực; phải có hạ tầng để phát triển thông minh như hạ tầng số, điện, viễn thông. Theo Thủ tướng, nguồn lực đầu tư cũng từ tư duy, từ các cơ chế, chính sách; phải có chuyển giao công nghệ để phát triển thông minh; phải có quản trị thông minh để tạo ra xung lực, động lực mới.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam vươn lên từ một nền kinh tế kém phát triển thành nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới và chúng ta đang phấn đấu quy mô nền kinh tế vươn lên đứng thứ 32-33. Về tầm nhìn trong kỷ nguyên phát triển mới, Thủ tướng nêu rõ, đối với thế hệ trẻ, sự đổi mới của đất nước bắt nguồn từ mùa xuân của tuổi trẻ. Chính các bạn sinh viên, thanh niên sẽ là chủ nhân của Kỷ nguyên thông minh, chính các bạn sẽ là động lực cho sự vươn mình của dân tộc. Thế hệ trẻ phải tiên phong làm mới các động lực tăng trưởng cũ, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, lĩnh vực mới nổi như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh bên trong và sức mạnh bên ngoài; thúc đẩy thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.
Nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu có câu “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, Thủ tướng tin tưởng rằng các bạn sinh viên sẽ có hoài bão, khát vọng, ước mơ, dám đương đầu thử thách, tự tin, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức, có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề.
Thủ tướng bày tỏ lời cảm ơn tới Giáo sư Klaus Schwab và WEF về sự quan tâm, đóng góp vào những kết quả hợp tác rất cụ thể và thiết thực đối với Việt Nam; đề nghị Giáo sư và WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF, nhất là hỗ trợ Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, giúp Việt Nam tiếp cận với những thành quả phát triển của thế giới, từ đó góp phần hỗ trợ Việt Nam tiên phong trong kỷ nguyên thông minh mà thế hệ trẻ là nòng cốt trong công cuộc này.
Trong phần giao lưu hỏi đáp với sinh viên, Giáo sư Klaus Schwab cũng giúp làm rõ vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong kỷ nguyên thông minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ về tầm nhìn phát triển của Việt Nam sau năm 2045, cả dân tộc phải nỗ lực lớn, quyết tâm để đạt mục tiêu này, phải công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, huy động các nguồn lực để thực hiện việc này bằng nguồn lực nội sinh, đó là khai thác hiệu quả nguồn lực thiên nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử, con người; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; kết hợp kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thủ tướng khuyên các bạn sinh viên cần phát huy truyền thống lịch sử văn hoá hào hùng của dân tộc, vượt qua bất cứ khó khăn nào với tinh thần yêu nước, sự tự tin vươn lên; có hoài bão, ước mơ, khát vọng cùng dân tộc; làm việc gì cũng được miễn là phát huy hết khả năng của mình; phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của chính bản thân mình, xác định đúng vị trí của mình phù hợp xu thế của dân tộc, của thời đại.
Chia sẻ về cách tiếp cận, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta dựa trên truyền thống lịch sử, văn hoá của đất nước, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh đất nước, xu thế của thời đại, từ đó đường lối đó, chúng ta thể chế hoá để tập trung phát triển vào các ngành mới nổi. Chính phủ vừa ban hành chiến lược phát triển ngành bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này; phát triển hạ tầng số, công nghệ thông tin, viễn thông, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được thể hiện tư duy, tầm nhìn, năng lực của mình.
Thủ tướng cũng đề nghị các bạn trẻ phải nỗ lực tự lực, tự cường, vươn lên trong học tập, tiếp thu những tinh hoa kiến thức của thế giới; nêu rõ phải có cơ chế, chính sách ưu tiên để thu hút các nguồn lực; phải giữ môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Chính phủ đang có kế hoạch triển khai chương trình đào tạo các kỹ sư trong lĩnh vực chíp bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI) để vươn lên phát triển cùng thế giới…
NDO
Nguồn: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/dinh-vi-viet-nam-trong-ky-nguyen-thong-minh-tam-nhin-cho-the-he-tre-136245.html