Từ đóng góp hàng trăm tỉ đồng tiền mặt, dựng lại nhà cho người dân, cung ứng hàng thiết yếu, nỗ lực ổn định giá cả thực phẩm đến vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con vùng bão lũ…; khi đất nước cần, hàng loạt doanh nghiệp (DN) sẵn sàng sẻ chia, gánh vác.
Ngày 12.9, trong khi người dân cả nước vẫn còn bàng hoàng trước những hình ảnh tang thương nơi thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai), chưa thôi xót xa khi số người thiệt mạng và mất tích trong trận lũ quét vẫn tăng lên từng giờ, Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỉ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ kéo dài. Ngân sách được huy động từ 2 nguồn: kinh phí từ Tập đoàn cùng các công ty thành viên và đóng góp tự nguyện của hơn 130.000 cán bộ công nhân viên Vingroup trên toàn hệ thống.
250 tỉ đồng, tương đương hơn 10 triệu USD, số tiền tài trợ lớn lập tức “gây bão” trên hầu khắp các trang mạng xã hội. “Tuyệt vời”, “ngưỡng mộ”, “biết ơn”, “có tâm có tầm”, “tự hào Việt Nam”, “ấm lòng tình đồng bào”… là những từ khóa chính được nhắc đi nhắc lại hàng ngàn lần dành cho Tập đoàn Vingroup và cá nhân Chủ tịch Tập đoàn Phạm Nhật Vượng. Ít ai biết rằng, 250 tỉ đồng chỉ là con số chính thức mà Tập đoàn này công bố. Trước đó, Quỹ Thiện Tâm của Vingroup còn kết hợp với các đơn vị báo chí để lan tỏa sự ủng hộ và nguồn lực tới đồng bào sớm nhất có thể. Hỗ trợ người dân thì “lập tức”, “khẩn cấp”, “sớm nhất có thể”, nhưng khi chúng tôi hỏi thông tin những thiệt hại mà Vingroup phải gánh chịu sau khi cơn bão càn quét cùng mưa lũ kéo dài thì chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi vẫn chưa thống kê đầy đủ, giờ dồn lực giúp bà con trước đã”.
Theo thông tin từ Vingroup, nguồn tiền 250 tỉ đồng sẽ được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150 – 300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh…, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Đại diện Vingroup cho biết: Với tinh thần “không có người Vingroup nào đứng ngoài mất mát, đau thương của đồng bào”, ngay sau khi cơn bão số 3 và mưa lũ quét qua một số tỉnh thành phía Bắc gây thiệt hại nặng nề, Tập đoàn cùng các công ty trong hệ sinh thái đã lập tức thu xếp 250 tỉ đồng dành cho Quỹ cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân. Ngay sau khi phát động, Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn) đã thành lập đội phản ứng nhanh, trực tiếp tỏa đến từng địa phương bị thiên tai để phối hợp triển khai các phương án hỗ trợ người dân. Trong đó, các gia đình có nhà bị sập, hỏng hoàn toàn hoặc có thành viên thiệt mạng (đặc biệt là lao động trụ cột của gia đình) sẽ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ. Ngoài 250 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp, Tập đoàn Vingroup cũng kêu gọi cán bộ công nhân viên toàn hệ thống dành các ngày nghỉ đồng hành cùng Quỹ Thiện Tâm trực tiếp tham gia các hoạt động hỗ trợ bà con bị thiên tai.
Vingroup vẫn vậy, luôn khiến người dân cả nước xúc động, tự hào về tình đồng bào và trách nhiệm của một DN tiên phong. Còn nhớ trong công cuộc chống lại đại dịch thế kỷ của nhân loại, Vingroup cũng âm thầm có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, đồng hành cùng Chính phủ, người dân. Đất nước cần máy thở, Vingroup sản xuất máy thở; cần vắc xin, Vingroup đóng góp mua vắc xin; bệnh nhân cần thuốc điều trị, Vingroup âm thầm đàm phán mua thuốc điều trị; cần nhân lực, họ góp nhân lực… Thời điểm đó, dù liên tiếp gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng việc Vingroup sẵn sàng chi 200 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin Covid-19 để “tạo bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước tự chủ về vắc xin Covid-19, kéo giá vắc xin rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường”, theo lời chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn, nhận được sự tri ân của nhiều người.
Không riêng Vingroup, hàng trăm ngàn DN lớn, nhỏ trên khắp cả nước đã và đang đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, trợ giúp người dân vùng bão lụt bằng nhiều cách khác nhau.
Kinh doanh đa ngành, hiện diện ở hàng chục địa phương miền Bắc, hoạt động của các đơn vị thuộc Tập đoàn Masan gần như đình trệ sau cơn bão số 3. Theo thống kê sơ bộ, gần 700 cơ sở tại phía Bắc của hệ thống siêu thị, cửa hàng WinMart bị hư hại, trong đó nặng nhất là hỏng hàng hóa do ngập nước, mất điện kéo dài, tủ đông, tủ mát, máy tính bị ngâm nước. Với mảng nông nghiệp, Masan gần như mất trắng sản lượng ở 4 nông trại WinEco Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng khi bị bão tàn phá hoàn toàn. Cụm nhà máy thịt Meatlife tại Hà Nam và trại gà Bắc Giang bị cô lập. Trong lúc vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải lo đảm bảo an toàn cho nhân viên, Masan vẫn nhanh chóng chủ động liên lạc với chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng để hỗ trợ 16.000 phần quà với trị giá ước tính khoảng 7 tỉ đồng. Thiên tai vẫn diễn biến khó lường, khiến chi phí vận hành và vận chuyển hàng hóa gia tăng, Masan cam kết ổn định giá các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu tại hệ thống siêu thị.
Nutifood, Công ty dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam, dù phải đóng cửa ngưng sản xuất nhà máy ở phía Bắc, nhưng ngay lập tức chủ động liên lạc với Báo Thanh Niên, tài trợ hàng tỉ đồng, chở sữa, sản phẩm dinh dưỡng tới vùng bão lụt hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Công ty CP Thế Giới Di Động ghi nhận hơn trăm cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh (chiếm 3 – 5% tổng số cửa hàng) bị thiệt hại, phải đóng cửa. Tuy vậy, đơn vị này cũng đã gấp rút làm việc với nhà cung cấp để đặt 10.000 nồi cơm điện tặng người dân vùng bão lũ, nhằm giúp sớm tái thiết cuộc sống trở lại. Đồng thời, có chương trình đồng hành hỗ trợ bà con mua sắm các thiết bị điện tử đã bị hư hỏng.
Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu thì triển khai phát miễn phí kit sơ cứu, cảm sốt, tiêu chảy cho người dân ở các vùng bị bão lụt tàn phá… Hệ thống Y tế 315 bên cạnh tài trợ hàng trăm triệu đồng tiền thuốc thì còn gởi thêm 1 tỉ đồng thông qua Báo Thanh Niên hỗ trợ bà con vùng bão lũ.
Trong khi đó, để giúp hàng hóa cứu trợ từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc nhanh nhất có thể, cả 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Vietravel Airlines cùng Tổng công ty Đường sắt VN và rất nhiều DN vận tải đường bộ đã nhận chở miễn phí hàng hóa, thuyền, ca nô cứu trợ, phao cứu sinh, nhu yếu phẩm… hỗ trợ người dân. Nhiều DN từ nhỏ đến rất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình cũng đã chủ động đóng góp hiện kim, thức trắng đêm nấu bánh chưng và gói ghém hàng trăm ngàn phần đồ ăn, thức uống gửi đến bà con cùng những chiến sĩ đang ngày ngày lội bùn, tắm mưa cứu trợ người dân nơi vùng bão lũ.
“Đó không đơn thuần là nghĩa vụ của họ đối với xã hội, mà đó là tinh thần đùm bọc, hy sinh, sẻ chia rất cao cả, rất đáng trân quý”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nói với Thanh Niên khi chứng kiến rất nhiều DN VN đang gặp khó khăn, chưa hồi phục sau đại dịch Covid-19 nhưng sẵn sàng chia sẻ với những gia đình, những địa phương khi đứng trước tai họa, thiệt hại do bão lũ gây ra. Theo ông, những DN, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đóng góp trên tinh thần tương thân tương ái, nhân văn, chứ không phải chỉ để nổi tiếng trên truyền hình, để được quảng bá thương hiệu, đánh bóng tên tuổi hay mong được kể công, ghi ơn.
“Trong số những DN này, chúng ta thấy nổi bật là đóng góp của Vingroup với con số lớn 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu theo dõi cả quá trình của Vingroup thì sẽ không quá ngạc nhiên, bởi đây không phải hành động đột biến, đột xuất mà đó là tinh thần đã được duy trì lâu nay của Vingroup. Những hoạt động từ thiện, nhân đạo, vì cộng đồng, vì người Việt luôn xuyên suốt, là một trong 3 hoạt động chính của Vingroup. Họ không làm theo phong trào, không mang tính biểu diễn mà chỉ đơn thuần họ xác định việc giúp đất nước, giúp người Việt trụ vững trong khó khăn, mau chóng đứng dậy cũng chính là hoạt động có ý nghĩa sống còn đối với DN. Đó là tinh thần, là bản chất nhân văn đáng được ghi nhận của Vingroup cũng như nhiều DN khác. Trải qua đại dịch lịch sử và bây giờ là thiên tai, tinh thần ấy càng phải được nhìn nhận rõ để xóa bớt những cái nhìn tiêu cực về người giàu”, PGS-TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển DN, nhận xét: Cơn bão quá tàn khốc và những trận lũ lụt sau đó gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho nền kinh tế. Từ hộ kinh doanh cá thể, đến DN nhỏ, vừa và các tập đoàn lớn… khó khăn không từ một ai, thiệt hại không từ một ai, nhưng những nghĩa cử cao đẹp của một số DN ngay sau bão thật sự gây xúc động, tự hào và xứng đáng được tuyên dương. “Tại sao tôi nói họ là niềm tự hào? Vì ngay chính những DN lớn bị thiệt hại nhiều vẫn đi đầu và đi rất sớm trong nỗ lực hỗ trợ sau bão lũ. Thiệt hại lớn nhất là ngành sản xuất, nuôi trồng nông thủy hải sản, kế đến là DN kinh doanh dịch vụ du lịch, bán lẻ, sản xuất công nghiệp… Bão và lũ đã quét phần lớn hoạt động sản xuất của DN ra biển, nhấn chìm dưới nước. Quá đau xót. DN tư nhân có Vingroup, SunGroup, Masan, Nutifood, Vinamilk… hay DN Nhà nước lớn bị thiệt hại nặng nề như Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Xăng dầu VN… cũng đều nỗ lực hỗ trợ các địa phương, người dân từ sức người đến sức của nhằm khắc phục bão lũ rất sớm. Điều này thật đáng trân quý”.
Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, DN nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ, nhưng bản thân họ cũng đang rất cần sự sẻ chia ngược lại. Cần phải gấp rút có đánh giá mức độ thiệt hại, để có chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh càng sớm càng tốt. Vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến Quảng Ninh, lắng nghe các DN phản ánh khó khăn của mình, đa số là những khó khăn về vốn vay. Họ vay tiền ngân hàng để đầu tư, nay mất trắng, hoặc mất phần lớn vốn liếng. Họ cần sự hỗ trợ của ngân hàng không chỉ giãn, hoãn khoản nợ cũ mà có thể tin tưởng xét cho vay để phục hồi sản xuất kinh doanh ngay lập tức.
“Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, họ ngưng hoạt động, như đốt sống bị sụp vậy, chúng ta có thể vẫn đi được, nhưng lưng đau hơn, thậm chí còng. Ví von như vậy để thấy việc hỗ trợ nâng đỡ cho trụ cột nền kinh tế thành phần DN tư nhân gượng dậy và đứng vững sau bão, lũ là nhiệm vụ cấp bách của nhà làm chính sách. DN nhỏ có khó khăn của DN nhỏ. Họ mất trắng hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng đầu tư và gánh trên vai gánh nợ. Nhưng mất rồi, lấy gì để trả? Chính sách hỗ trợ đối với DN này thế nào? Còn các DN lớn, họ là những con chim đầu đàn của các ngành sản xuất, dịch vụ chủ lực. Họ đang gặp nạn, khó khăn sau bão lũ, vậy chính sách về thuế, vốn vay cho họ được đặc cách gì không? Phải có nhưng có thế nào, cần sự nhìn nhận vĩ mô của các nhà quản lý. Tôi hiểu khôi phục kinh tế sau bão là thách thức rất lớn, nhưng chúng ta cứ phân vai, phân việc để làm. Quan trọng nhất là phải làm nhanh và gấp, không chờ nữa”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cũng lưu ý thiệt hại bão lũ để lại là rất lớn. Đây là những khó khăn kéo rất dài, không phải chỉ ngày một, ngày hai. Mặt khác, Chính phủ còn nhiều việc để làm như khơi thông đường sá, cung cấp các nguồn lực, điều kiện phát triển cho từng địa phương để họ phục hồi; ngân hàng cũng khó khăn; ngân sách cũng khó khăn. Do đó, cần tính đến bài toán chiến lược, trên tinh thần, cách tiếp cận là mỗi nơi hy sinh một chút, dấn thân một chút, cùng nhau đứng dậy. Cộng đồng nhà nước dẫn dắt, trụ cột là các DN trên nền tảng xã hội, người dân cùng đồng lòng sẻ chia.
“Chính phủ cũng đã đặt ra vấn đề này và có định hướng triển khai. Trong đó có những chỉ đạo quan trọng liên quan tới chi phí gắn với lãi suất, thuế, tiếp cận vốn vay… Song cụ thể như thế nào, thực thi như thế nào là rất quan trọng. Những chính sách hỗ trợ lúc này không chỉ là những chỉ đạo, chính sách mang tính từ thiện mà phải làm sao để các chủ thể kinh tế, các cơ quan nhà nước, ngân hàng quán triệt được tinh thần trên để hành động”, PGS-TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/manh-liet-va-tu-hao-tinh-than-viet-nam-18524091418474756.htm