Dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2024, Thư viện thôn Vực Trại Nhuế, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm đã thu hút được lượng độc giả thường xuyên tới đọc và mượn sách. Thư viện đang dần trở thành một kênh thông tin hữu ích, địa chỉ sinh hoạt văn hoá, tinh thần; góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư.
Được đặt tại nhà văn hóa thôn, Thư viện thôn Vực Trại Nhuế giờ đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhân dân, thiếu nhi trong thôn mỗi dịp nông nhàn hay những buổi giải lao sau giờ học tập. Tạo thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành thư viện, ban lãnh đạo thôn Vực Trại Nhuế đã thống nhất thành lập Ban Quản lý thư viện với 5 thành viên, là những cá nhân có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của thôn. Nhờ đó, thư viện đã đi vào hoạt động ổn định và mang tính chuyên nghiệp. Thư viện thôn mở cửa vào 3 ngày trong tuần (thứ ba, thứ năm, chủ nhật), buổi sáng từ 8 giờ – 10 giờ 30 phút, buổi chiều từ 14 giờ -16 giờ. Không chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện còn cho mượn sách, báo về nhà hoàn toàn miễn phí thông qua việc phát hành thẻ đọc và thẻ mượn sách thư viện. Đến nay, Thư viện thôn Vực Trại Nhuế đã phát hành 200 thẻ mượn sách và 100 thẻ đọc sách cho nhân dân và thanh thiếu nhi trong thôn.
Thấy được mục đích, ý nghĩa và hiệu quả hoạt động bước đầu của thư viện, nhân dân trong thôn và những người con xa quê đã đóng góp kinh phí mở rộng số lượng đầu sách, trang bị thêm cơ sở vật chất (tủ đựng sách, kệ sách, bàn ghế…). Từ nguồn xã hội hóa đã gây dựng tủ sách với hơn 600 đầu sách, bao gồm nhiều thể loại như tài liệu pháp luật, kỹ năng sống, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức sức khỏe, sách thiếu nhi, văn học – nghệ thuật, báo, tạp chí…
Chia sẻ về thói quen đọc sách của mình, ông Đinh Văn Kinh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Vực Trại Nhuế cho biết: Chúng tôi là những người nông dân quen với việc lao động nhà nông nên khó có được thời gian ngồi đọc sách hằng giờ. Vì vậy, khi đến thư viện của thôn, tôi thường tranh thủ tìm hiểu về cách xử lý một loại sâu bệnh, tác dụng của một loại thuốc bảo vệ thực vật hay cách gieo trồng, chăm sóc một giống nông sản mới… Thư viện thôn có khá nhiều sách liên quan đến hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đáp ứng được nhu cầu tìm đọc của chúng tôi. Ngoài ra, những lúc nông nhàn, tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để đọc báo, tài liệu pháp luật.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của thư viện, đồng chí Đinh Văn Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Vực Trại Nhuế cho biết: Thông qua việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả các đầu sách tại thư viện của thôn, là điều kiện thuận lợi để người dân mọi lứa tuổi trên địa bàn nâng cao hiểu biết, vận dụng tốt vào học tập, làm việc, nâng cao tri thức, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng… Đây là điểm sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của người dân, theo ông Đinh Văn Cầm, Trưởng ban quản lý thư viện, trước hết, ban sẽ từng bước tìm hiểu nhu cầu đọc của nhân dân để tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí mua thêm các đầu sách mới, đặc biệt là sách, truyện dành cho thiếu nhi, đặt thêm các đầu báo để làm phong phú về chủng loại sách, báo cho thư viện. Tuyên truyền sâu rộng trên mạng xã hội về thời gian mở cửa thư viện, những đầu sách mới của thư viện để người dân nắm rõ, chủ động tới thư viện đọc và mượn sách. Tập trung tuyên truyền vào đối tượng là học sinh để các cháu biết, tham gia đọc sách, tạo không gian sinh hoạt lành mạnh cho các cháu trong dịp hè cũng như vào năm học.
Có thể thấy, mô hình xây dựng thư viện kết hợp với nhà văn hóa thôn không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với sách, đáp ứng và nâng cao nhu cầu, thói quen đọc sách trong nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hội họp của thôn, giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao… Qua đó tạo nên tính gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://baohanam.com.vn/doi-song/thu-vien-thon-vuc-trai-nhue-lan-toa-van-hoa-doc-trong-nhan-dan-131368.html