Là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng, tuyến cao tốc Phủ Lý – Nam Định đang được đề xuất sử dụng vốn đầu tư công để triển khai xây dựng.
Một đoạn đường Phủ Lý – Nam Định được thông xe vào năm 2014 |
Trục giao thông huyết mạch
Mặc dù chưa đến mức tuyệt đối, nhưng những ý kiến của Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) trong Công văn số 7332/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa qua vẫn sẽ giúp UBND tỉnh Nam Định nhận được phiếu thuận quan trọng để sớm kích hoạt tiến trình triển khai Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định.
Sở dĩ dùng từ “phiếu thuận quan trọng” bởi đầu tháng 5/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Hà Nam xem xét, xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định liên quan phương án đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định.
Tại công văn trên, Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư) Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định, tương tự một số tuyến cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm rà soát, kiện toàn năng lực của cơ quan, tổ chức được giao triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Một cú hích quan trọng nữa đối với Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định là việc Bộ GTVT kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí vốn cho công trình này từ nguồn vốn đầu tư công ưu tiên cho các công trình quan trọng quốc gia.
Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện tại, tuyến đường Phủ Lý – Nam Định là trục giao thông chính, huyết mạch nối tỉnh Nam Định và tiểu vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng. Dọc hai bên tuyến đã phát triển khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp có lưu lượng giao thông lớn, với khoảng 18.464 xe/ngày đêm, thường xuyên ùn tắc vào các ngày cuối tuần, các ngày lễ, Tết.
“Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Phủ Lý – Nam Định theo tiêu chuẩn đường cao tốc theo quy hoạch là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, công nghiệp, kinh tế – xã hội khu vực”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Khó áp dụng phương thức PPP
Cần phải nói thêm rằng, tại Tờ trình số 34/TTr-UBND ngày 12/4/2024, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh này lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định.
Trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ đầu tuyến Km0+00 (Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, tỉnh Hà Nam) đến giao với Quốc lộ 10, TP. Nam Định trước năm 2030 (giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030) với chiều dài 25,1 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam khoảng 16,6 km, đoạn qua địa phận tỉnh Nam Định khoảng 8,5 km.
Tuyến đường thuộc Dự án sẽ xây dựng theo quy mô tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành, đường gom 2 bên, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I dự kiến khoảng 9.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện Dự án giai đoạn I là từ năm 2024 đến năm 2028; toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nam Định, Hà Nam tự bố trí đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh.
Tại Tờ trình số 34/TTr-UBND, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định.
Đối với đoạn BOT từ trạm thu phí Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định) đến Quốc lộ 10 (TP. Nam Định) dài khoảng 3,9 km, hết hạn thu phí năm 2028, UBND tỉnh Nam Định sẽ đàm phán để thanh lý hợp đồng vào năm 2025 (thời điểm khởi công dự án) bằng ngân sách tỉnh để đầu tư đồng bộ theo quy mô đường cao tốc trên toàn tuyến.
Theo Bộ GTVT, trên tuyến Phủ Lý – Nam Định có khoảng 4 km đang thực hiện thu phí đến năm 2028 và 21 km còn lại không phải trả phí.
Việc thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến hiện hữu lên thành đường cao tốc cần phải xây dựng 2 tuyến đường gom song hành phục vụ gom, kết nối các khu công nghiệp, khu dân cư dọc tuyến, đồng thời xây dựng một số nút giao.
Trong khi đó, việc đầu tư Dự án theo phương thức PPP chỉ hiệu quả khi thu phí đồng thời trên tuyến cao tốc và tuyến đường gom song hành, song điều này khó có sự đồng thuận do nhân dân đã quen với việc lưu thông trên tuyến mà không trả phí từ năm 2014. Nếu chỉ thu phí trên tuyến chính, thì lưu lượng giao thông tập trung vào các tuyến đường gom song hành, dẫn đến khó bảo đảm tính khả thi của phương án tài chính.
“Với các lý do nêu trên, Bộ GTVT đồng thuận với việc đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Phủ Lý – Nam Định theo hình thức đầu tư công, như kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Nguồn: https://baodautu.vn/cu-hich-lon-cho-cao-toc-phu-ly—nam-dinh-d220129.html