Ngày 16/7, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 18 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024).
Các đồng chí chủ tọa, điều hành Kỳ họp.
Sáu tháng đầu năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam duy trì ổn định và có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ họp đối với việc đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024 đã đề ra; cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền và thực hiện hoạt động giám sát.
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
Báo cáo tại kỳ họp, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – giá SS 2010) ước đạt 26.891 tỷ đồng tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,5% kế hoạch năm (là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ tư cả nước).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của tỉnh Hà Nam trong sáu tháng qua. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 114.810 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 50,7% kế hoạch năm. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong sáu tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 31 dự án đầu tư (trong đó 10 dự án FDI và 21 dự án trong nước), bằng 238% so với cùng kỳ năm 2023.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đạt 97,2% kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 4,38 triệu lượt khách, tăng 38,8 % so với cùng kỳ, vượt 15,26% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 57,1% so với cùng kỳ, vượt 8,7% kế hoạch. Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6.624,682 tỷ đồng, đạt 41,2% dự toán địa phương.
Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 4.710,1 tỷ đồng, tăng 1,33% so với cùng kỳ và đạt 53,87% kế hoạch năm. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 48/83 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu….
Toàn cảnh kỳ họp.
Sáu tháng cuối năm, tỉnh Hà Nam phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 được xác định tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt tăng 10,5% so với năm 2023; Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 16.787 tỷ đồng, tăng 14,8%….
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các Quy hoạch, Chương trình, Đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển. Tiếp tục hoàn thiện, phấn đấu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu công nghệ cao Hà Nam. Tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.Thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu. Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển…