Phù Vân được ví như một bán đảo nhỏ được bao bọc bởi những con sông, bấy lâu nay nổi tiếng nhờ nghề trồng hoa cây cảnh. Hoa Phù Vân nở quanh năm, tạo vùng đất này những sắc màu lộng lẫy. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người trồng hoa lại rộn ràng ngoài đồng, chuẩn bị những chuyến hàng đưa hoa vào thành phố, đến mọi gia đình vui Tết, đón xuân.
Thức cùng với hoa…
Những hình ảnh làng hoa vào đêm được các thiết bị chụp hình từ trên cao giống như một bức tranh sơn mài lấp lánh sắc màu. Về tận nơi, đúng dải đất ven sông của bà con nhân dân thôn 5 xã Phù Vân mới thấy, cuộc sống của người dân bận bịu mà nên thơ. Bà Nguyễn Thị Yến đội chiếc nón nghiêng vành che nắng đứng tỉa những nụ nhánh để nuôi hoa cái cúc Vàng Đông. Đây là vườn cúc trồng cho Tết, lá xanh, cành mướt, đang độ bật nụ, đâm bông. Công việc trông có vẻ chẳng có gì vất vả, nhưng đó là một công đoạn chăm sóc hoa rất quan trọng.
Bà Yến nói: “Hoa này trồng từ tháng 8 sau khi mua mầm từ Nam Định mang về. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây nào trồng xuống cũng tốt tươi. Đến giờ có thể tin 99% được ăn rồi!”
Cây hoa cúc là một trong những loại hoa trồng nhiều nhất ở Phù Vân. Bao nhiêu năm trồng hoa, bán hoa, người dân có đủ kinh nghiệm để biết trồng loại nào, bán loại nào. Cúc Vàng Đông và Pha lê vẫn cứ là chủ đạo. Bà Nguyễn Thị Yến bảo: “Thời tiết cứ như thế này thì “ăn”, còn không thì trượt thời gian dự định, vì lạnh quá nhiều vườn sẽ không “chạm tết” được”.
Những luống hoa đang thắp đèn đêm đêm bên kia chính là những vườn gối vụ. Hoa đó trồng cho Rằm tháng Giêng. Ông Lê Đức Ân, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái hoa cây cảnh Phù Vân chia sẻ: “Cánh đồng hoa này được thắp đèn sáng trong mỗi đêm đông làm cho vùng đất Phù Vân như một bức sơn mài lấp lánh. Nhưng ban ngày, cánh đồng hoa rộn rập bước chân nông dân. Mỗi loại hoa đòi hỏi cách chăm sóc khác nhau, nhưng đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Vì sao đỡ vất vả, ông Lê Đức Ân giải thích, đó là vì bà con giờ đã biết đưa tiến bộ kỹ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Từ hệ thống tưới nước cho hoa đến việc đầu tư mua máy đánh luống, máy bón phân. Nhờ đó, nhân lực giảm đi nhưng năng suất tăng lên.
Ông Ân nói: “Bà con nông dân Phù Vân vẫn kiên trì với những giống hoa truyền thống phục vụ Tết như Đào, quất, cúc, hồng, dơn, ly… Ngoài ra, những loại hoa công nghệ cao được nhập về theo hình thức trao đổi, liên kết với các nhà vườn ở Đà Lạt, Mộc Châu, Hà Nội… được trồng trong nhà kín và bán tại công ty hoa công nghệ cao Phù Vân. Theo dự báo, năm nay việc tiêu thụ các loại hoa công nghệ sẽ vẫn tập trung chủ yếu vào hoa lan…”
Diện tích trồng hoa của cả xã năm nay tăng khoảng 15-17%, thu nhập của bà con dự tính cũng tăng khoảng 15%. Hiện, toàn xã có 165,25ha hoa, cây cảnh, diện tích trồng nhiều nhất vẫn dồn vào thôn 5.
Người dân lo “hoa cười người khóc”
Nhà anh Nguyễn Văn Kiên, thôn 5 là một trong những hộ có diện tích trồng hoa cảnh nhiều nhất. Vườn hoa của anh Kiên chủ yếu trồng Đào, quất, hồng, dơn. Cây dơn không khó trồng, tháng 9 âm lịch là thời điểm người nông dân phải mang mầm về trồng xuống đất để kịp hoa Tết. Thế nhưng, so với các loại hoa khác, tiền giống hoa dơn đắt hơn. Lúc thu hoạch thì phải có nhà kính, nhà lạnh để bảo quản hoa cho khách. Vì thế, đầu tư mỗi sào dơn cũng phải mất từ 30 đến 40 triệu đồng chi phí các loại. Trong khi một sào cúc chỉ mất khoảng 20 đến 30 triệu. Những chi phí cho trồng hoa được tính chủ yếu là giống, nước, phân, điện, tiền thuê công chăm sóc từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/người/ngày.
Tư duy trồng hoa cảnh của người Phù Vân đã khác trước rất nhiều, người ta chú trọng đến mẫu mã, hình thức nhiều hơn. Thí dụ các loại hoa cảnh như đào, quất giờ đã theo xu hướng trồng bonsai, hay đưa vào chậu cảnh, cắt tỉa cho ra hoa theo mẫu mang những ý tưởng khác nhau, chuyển tải những thông điệp của cuộc sống, mơ ước của con người. Hoa dơn trước chỉ đơn thuần vài màu cơ bản, nhưng bây giờ cũng đủ màu, đủ loại, đáp ứng nhu cầu của khách chơi hoa.
Ông Đặng Văn Phúc, thôn 6 Phù Vân cũng là hộ trồng nhiều hoa dơn ở Phù Vân bao nhiêu năm nay, ông nói: “Bản thân người trồng hoa phải cố mà chạy theo nhu cầu thị trường, đừng có quá bảo thủ để phí đất, phí công. Mình thích nhưng người mua không thích thì trồng hoa cũng vô ích lắm!”
Bao nhiêu điều phải lo lắng, nhưng cái lo lớn nhất của người trồng hoa Phù Vân lúc này chính là làm sao Tết đến người người, nhà nhà bán được hết hoa và được giá. Nói như chủ vườn đào lớn ở thôn 6 Đặng Văn Suốt: “Vất vả là tính chất của nghề nông rồi, nhưng chỉ mong sao năm nay đừng có cảnh “hoa cười người khóc”. Người trồng hoa không chỉ trông ngóng thời tiết mà còn trông ngóng vào đời sống của khách hàng. Mấy năm nay dịch bệnh, kinh tế của nhân dân khá khó khăn, việc chi tiêu cho Tết cũng dè dặt hơn. Vì thế, người trồng hoa nhiều khi cũng lo nếu đến tầm 15 tháng Chạp mà chưa ai đến vườn chọn cây”.
Theo báo cáo của UBND xã Phù Vân, vựa hoa lớn của xã năm 2023 cho thu nhập mỗi ha 1 tỷ đồng. Người trồng hoa Phù Vân trông chờ Tết là một góc của đời sống thôi, câu chuyện làm hoa quanh năm mới là nghề, là nghiệp, là cuộc sống của mỗi gia đình. Tết đang đến gần, từ đất Phù Vân, hoa bắt đầu bật nở những nụ mầm hy vọng.
Giang Nam