Ngoài mâm ngũ quả thì cỗ Trung thu còn không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo nhân đậu xanh, đậu đỏ hoặc thập cẩm, trứng muối. Trước kia hầu hết các gia đình đều chọn mua sẵn, nhưng vài năm trở lại đây trào lưu tự làm bánh trung thu tại nhà lại nở rộ. Nhiều gia đình lựa chọn tự làm bánh hoặc mua bánh handmade để đảm bảo hợp khẩu vị, vừa ngon lại an toàn cho sức khỏe của cả nhà.
Bánh trung thu tự làm tuy ngon nhưng có hạn sử dụng rất ngắn. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nhiệt độ cũng như loại nhân bánh mà thời gian bảo quản sẽ khác nhau. Ví dụ, nhân đậu xanh, hạt sen,… sẽ để được lâu hơn so với nhân thập cẩm, trứng muối.
Hạn sử dụng bánh trung thu là bao lâu?
Đối với bánh mua sẵn
Nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản được cho phép thì các loại bánh trung thu bán sẵn ngời thị trường thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng. Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý thông tin trên bao bì sản phẩm.
Đối với bánh trung thu handmade
Những chiếc bánh trung thu được làm ở nhà hay còn gọi là bánh handmade thường có thời gian bảo quản bánh trung bình tối đa 7 ngày vì không sử dụng chất bảo quản. Nếu được nướng kĩ hơn thì bánh có thể dùng trong 10 ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo hương vị bánh trung thu nướng đạt độ thơm ngon nhất, hãy sử dụng trong vòng từ 3 – 5 ngày.
Riêng với bánh dẻo chỉ có thể sử dụng trong vòng 3 – 4 ngày vì bánh sẽ rất nhanh bị cứng và khô vỏ, ăn sẽ không còn ngon.
Đối với bánh trung thu kem lạnh, cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thời gian tối đa trong vòng 4 ngày kể từ ngày sản xuất. Nếu ở nhiệt độ thường, bánh trung thu kem lạnh chỉ có thể giữ nguyên hương vị và hình khối trong vòng từ 1 – 2 tiếng.
Ngoài những loại bánh kể trên, bánh trung thu rau câu hiện cũng thu hút người tiêu dùng. Loại bánh này có thể được giữ nguyên hương vị và khuôn bánh với nền nhiệt từ 2 – 4 độ C. Vì thế cần bảo quản loại bánh này trong ngăn mát tủ lạnh. Với nhiệt độ thường, không nên để bánh quá 4 tiếng.
Bảo quản bánh trung thu sao cho an toàn?
Bánh trung thu sẽ dễ bị hỏng nếu để quá lâu ở nhiệt độ thường từ >25 độ C. Mức nhiệt này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và dễ dàng xâm nhập vào bánh, gây hỏng và mốc. Do đó, bánh trung thu nên được bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát và tránh tiếp xúc với không khí để có thể giữ nguyên hương vị lâu nhất có thể.
Sau khi mở bánh ra, tốt nhất nên ăn ngay để đảm bảo chất lượng, nếu không sử dụng hết nên bảo quản trong túi kín hoặc hộp có nắp đậy rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Việc sử dụng bánh trong ngày giúp đảm bảo hương vị bánh hơn.
Ngoài ra, đối với bánh trung thu tự làm, để bánh có thời gian sử dụng dài hơn, người làm cần chuẩn bị nguyên liệu cẩn thận như bột mì, trứng, nước đường… phải đảm bảo chất lượng. Quá trình làm bánh đảm bảo vệ sinh, đóng gói bao bì kĩ lưỡng, tránh để hở khiến không khí lọt vào bánh.
Khi chế biến bánh, không nên làm bánh quá nhạt, không đủ lượng đường khiến bánh nhanh bị mốc; cũng không nên để bánh quá nhiều dầu ăn dẫn đến bị ẩm, nhanh hỏng.
Nếu bánh có các dấu hiệu như màu sắc vỏ bánh, nhân bánh bị thay đổi; bề mặt bánh nhờn, xuất hiện vệt nấm mốc hoặc bánh có mùi khó chịu như hôi, chua, có vị lạ… thì không nên tiếp tục sử dụng bánh.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/han-su-dung-banh-trung-thu-bao-lau-con-thua-phai-bao-quan-the-nao-d201687.html