(LĐXH) – Giảm giờ làm nhưng tăng năng suất lao động là mấu chốt của cuộc thử nghiệm. Liệu động thái này có đánh dấu bước ngoặt trong văn hóa làm việc của Hàn Quốc?
Hàn Quốc đã mất hàng thập niên để đạt thành công như hiện tại và đang phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và thu nhập tăng. Tuy nhiên, việc trở thành cường quốc kinh tế cũng phải trả giá đắt.
Năm 2014, báo Korea Times đưa tin, 85% người lao động bị ảnh hưởng bởi tình trạng kiệt sức do làm việc hơn 10 giờ/ngày. Mặc dù con số này đã giảm nhưng vẫn còn cao.
Theo khảo sát năm 2020 với 72.000 nhân viên văn phòng, gần 70% số người tham gia, đặc biệt là phụ nữ cho biết đã trải qua tình trạng kiệt sức trong 12 tháng trước đó.
Hàn Quốc hiện vẫn là một trong những quốc gia có giờ làm việc dài nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tình trạng chết do làm việc quá sức (gọi là gwaros) cũng là một hiện tượng.
Một số công ty Hàn Quốc đã thử rút ngắn tuần làm việc dù có những nỗ lực đi ngược lại. Nhưng chưa có nỗ lực nào có quy mô lớn như động thái gần đây của ông Kim Dong-yeon, Thống đốc tỉnh Gyeonggi.
Ông đã đưa ra cơ hội để người lao động tại hơn 50 công ty cả công lẫn tư làm việc ít giờ hơn nhưng vẫn nhận đủ lương và hy vọng sáng kiến này sẽ đưa vấn đề vào chương trình nghị sự quốc gia.
Hàn Quốc đã phải nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động bằng cách kéo dài thời gian làm việc. Năm 2023, chính phủ đã cố gắng tăng số giờ làm việc tối đa trong tuần lên 69 giờ so với mức 52 giờ hiện tại (bao gồm 40 giờ làm chính và tối đa 12 giờ làm thêm). Tuy nhiên, phản ứng từ người lao động, chủ yếu là thế hệ trẻ, đã buộc chính phủ phải cân nhắc lại.
Khảo sát do Park Hong-bae, cựu nhà hoạt động lao động và thành viên đảng Dân chủ Hàn Quốc thực hiện cho thấy, 6 trên 10 người Hàn Quốc muốn làm việc 4 ngày/tuần. Đây là xu hướng quốc tế mà Hàn Quốc nên theo đuổi.
“Rút ngắn giờ làm việc không chỉ là vấn đề giảm thời gian làm việc cá nhân mà còn là chìa khóa để giải quyết các thách thức mà Hàn Quốc đang đối mặt như tỷ lệ sinh thấp, kinh tế trong nước trì trệ, thay đổi công nghiệp và khủng hoảng khí hậu”, ông Park nói.
Dale Whelehan, CEO của tổ chức 4 Day Week Global cho rằng, tuần làm việc ngắn hơn có thể cải thiện năng suất và cân bằng cuộc sống. Ông hy vọng Hàn Quốc sẽ lắng nghe thế hệ trẻ và chấp nhận xu hướng này.
Chris Oberman, người Hà Lan sống ở Seoul cùng vợ, chia sẻ: “Hàn Quốc nổi tiếng với khối lượng công việc khổng lồ mà nhân viên phải đối mặt và nhiều người làm thêm giờ rất nhiều. Vào ban đêm ở Seoul, bạn sẽ thấy nhiều văn phòng vẫn sáng đèn”.
“Nhiều người Hàn Quốc thậm chí làm việc cả trong giờ nghỉ trưa. Một số công ty đã phải thiết lập khóa tự động trên máy tính của nhân viên trong giờ ăn trưa để đảm bảo họ không làm việc tiếp”, người vợ nói thêm.
Whelehan cho rằng, chìa khóa để sử dụng tuần làm việc 4 ngày hiệu quả là áp dụng nguyên tắc 100:80:100, có nghĩa là nhân viên hoàn thành 100% công việc trong 80% thời gian nhưng vẫn nhận 100% lương. Dù vậy, Hàn Quốc vẫn chưa áp dụng mô hình trên. Thay vào đó, một số công ty đã bắt đầu tăng cường tính linh hoạt.
Ví dụ, năm 2019, một số công ty thuộc tập đoàn SK Group đã cho nhân viên nghỉ thứ sáu mỗi tháng một lần để bù cho thời gian làm thêm. Năm 2023, Samsung áp dụng chính sách cho phép nhân viên không làm việc tại nhà máy nghỉ làm một ngày trong tuần mỗi tháng.
Tại tỉnh Gyeonggi, nằm gần Seoul, Thống đốc Kim Dong-yeon hy vọng, việc thử nghiệm cơ chế làm việc 4 ngày/tuần sẽ tạo ra tác động lớn. Người lao động có thể chọn giữa tuần làm việc 4 ngày cứ mỗi 2 tuần, tuần làm việc 35 giờ hoặc nghỉ nửa ngày vào mỗi thứ sáu.
“Dù quy mô khiêm tốn nhưng chương trình thử nghiệm tại Gyeonggi là tín hiệu cho thấy chính phủ sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp thay thế.
Nếu được thiết kế tốt, thử nghiệm này có thể cung cấp dữ liệu quan trọng, chứng minh rằng việc giảm giờ làm không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn nâng cao năng suất, sự gắn kết và sức khỏe kinh tế tổng thể”, Whelehan nhận định.
Ninh Trần (theo WTTJ)
Báo Lao động và Xã hội số 6
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/han-quoc-thu-nghiem-lam-viec-4-ngaytuan-20250114113014747.htm