Trong bối cảnh dân số ngày càng già đi, cơ cấu hệ thống chăm sóc người già và trẻ nhỏ tại Hàn Quốc đang thay đổi nhanh chóng, với số cơ sở nuôi dạy trẻ ngày càng giảm và cơ sở chăm sóc người lớn tuổi ngày càng tăng.
Người lớn tuổi Hàn Quốc chơi cờ trong một công viên.
Theo số liệu công bố gần đây từ Chính phủ Hàn Quốc, nước này có hơn 40.000 cơ sở chăm sóc trẻ em vào năm 2017 nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm chỉ còn 30.900 cơ sở. Cùng thời gian đó, số cơ sở chăm sóc người cao tuổi tăng vọt từ 76.000 lên 89.643. Ðược biết, các cơ sở dành cho người cao tuổi xứ kim chi bao gồm viện dưỡng lão, bệnh viện chuyên khoa và các cơ quan phúc lợi giúp họ tìm kiếm các dịch vụ xã hội hoặc sự bảo vệ.
Sự chuyển dịch nói trên càng cho thấy rõ vấn đề đã tồn tại nhiều năm tại Hàn Quốc đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ðó là “xứ kim chi” vừa là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất vừa là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Mặc dù giới chức đã triển khai nhiều ưu đãi tài chính và trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng sinh thêm con, nhưng tỷ lệ sinh liên tục giảm kể từ năm 2015.
Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn có tỷ lệ người lớn tuổi nghèo khó cao nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), với hơn 40% dân số trên 65 tuổi có mức sống “tương đối nghèo” (OECD xác định là có thu nhập thấp hơn 50% thu nhập trung bình của hộ gia đình).
Sự tăng nhanh số viện dưỡng lão trong những năm gần đây có thể giúp giảm bớt một số khó khăn cho nhóm dân số lớn tuổi Hàn Quốc, nhưng những lo ngại lâu dài về tương lai của nền kinh tế vẫn hiện hữu, khi số lượng lao động trẻ – đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu – đang giảm đi nhanh chóng.
NGUYỆT CÁT (Theo CNN)