Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Viết Hương – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết nhiều nước tăng chỉ tiêu cho lao động Việt Nam do nhu cầu tăng, nhưng cũng có một phần vì già hóa dân số tại những nơi này.
Đưa 125.000 lao động làm việc ở nước ngoài
* Năm 2024, chúng ta dự kiến đưa bao nhiêu lao động đi làm việc ở nước ngoài? Tập trung ở các lĩnh vực, ngành nghề nào, thưa ông?
– Chúng ta dự kiến đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường truyền thống, thu nhập cao là Nhật Bản 63.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) 48.000 người, Hàn Quốc 8.500 người.
Một vài nước châu Âu như Đức, Hy Lạp, Ba Lan cũng cần tuyển lao động nước ngoài với nhu cầu nhân lực lớn phục vụ sản xuất kinh doanh. Khu vực Trung Đông, châu Phi sau thời gian trầm lắng đã sôi động trở lại.
Nhật Bản cần nhiều lao động các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng hoặc kỹ năng đặc định.
Thực tập sinh kỹ năng đến Nhật Bản học tập, nâng cao tay nghề ở mức cơ bản nên thu nhập không cao như lao động đặc định có kỹ năng, tay nghề, trình độ tiếng Nhật nhất định.
Nhóm kỹ năng đặc định ngoài thu nhập cao còn nhiều quyền lợi như làm thêm giờ, quyền chuyển đổi công việc. Sau thời gian làm việc (khoảng năm năm) có thể thi lên kỹ năng đặc định 2, đưa gia đình sang.
Trong khi Hàn Quốc tuyển nhiều ứng viên ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, sản xuất chế tạo thông qua chương trình EPS, lao động kỹ thuật ngành đóng tàu (hàn, sơn, điện). Còn Đức cần nhiều người trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng, logistics, điều dưỡng.
* Hiện yêu cầu đối với lao động Việt sang làm việc tại các nước đã thay đổi ra sao?
– Nhìn chung, các nước vẫn yêu cầu lao động có trình độ, kiến thức, ngoại ngữ nhất định, trừ một số chương trình đòi hỏi cao với điều dưỡng, kỹ sư. Chủ trương của chúng ta khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, nâng cao kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ.
Đây cũng là điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn. Nhật Bản đang sửa đổi chương trình tiếp nhận lao động mới thay thế chương trình thực tập sinh kỹ năng hướng tới nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, thu nhập cho lao động nước ngoài.
Chúng tôi muốn làm sao tăng số lượng lao động có tay nghề. Năm 2023, số lao động đặc định Việt Nam chiếm tới 58% tổng số lao động đặc định nước ngoài tại Nhật (khoảng trên 100.000 người).
Về lâu dài và tính toán căn cơ hơn, công tác giáo dục nghề nghiệp, định hướng việc làm phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để tránh việc đào tạo dư thừa, không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.
Ông PHẠM VIẾT HƯƠNG
Nhiều hỗ trợ cho người lao động
* Chúng ta có chính sách hỗ trợ nào cho những bạn trẻ khó khăn muốn đi làm việc ở nước ngoài?
– Nhà nước đang hỗ trợ việc học tiếng, học nghề, khám sức khỏe, ăn ở, cho vay lãi suất thấp. Người lao động có thể tham gia chương trình chi phí thấp như chương trình EPS, thực tập sinh kỹ năng IM Japan, điều dưỡng EPA Nhật Bản, điều dưỡng Đức…
Theo quy định, lao động hộ nghèo được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng chi phí đào tạo nghề, tối đa 4 triệu đồng học tiếng/khóa, tiền ăn ở, đồ dùng cá nhân trong quá trình học. Người dân tộc thiểu số được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng chi phí đào tạo nghề. Khi đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, các bạn trẻ được hỗ trợ lệ phí cấp visa, khám sức khỏe.
Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay tối đa 100% chi phí hợp đồng cho người đi làm việc ở nước ngoài thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Người lao động có thể tìm hiểu thêm thông tin qua số điện thoại 024.3824.9517 của Cục Quản lý lao động ngoài nước, website: dolab.gov.vn. hoặc cơ quan chức năng gần nhất.
* Còn lao động làm việc ở nước bạn sẽ được hỗ trợ những gì, thưa ông?
– Hiện có các ban quản lý lao động hỗ trợ người lao động giải quyết vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, rủi ro sức khỏe. Nhật Bản đã cấm việc đối xử bất bình đẳng với lao động nữ mang thai. Cục đã thống nhất với cơ quan chức năng phía Nhật và yêu cầu các nghiệp đoàn không được dừng hợp đồng, không yêu cầu về nước và hỗ trợ nữ mang thai sinh con ở Nhật về nước theo nguyện vọng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình định hướng để lao động tuân thủ luật pháp nước sở tại. Thực tế có thanh niên làm xa nhà, chịu gánh nặng kinh tế, vi phạm hợp đồng ra ngoài làm bất hợp pháp. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính, trục xuất về nước, nặng sẽ phạt tù, cấm nhập cảnh.
Kết nối dữ liệu lao động trong và ngoài nước
* Chúng ta cần tháo gỡ gì vì nhiều lao động chia sẻ khó tìm được việc phù hợp khi về nước?
– Có nhiều nguyên nhân khiến lao động khó tìm được việc hoặc việc không phù hợp như một số ngành trong nước chưa có, thu nhập kể cả khối FDI không cao như khi làm ở nước ngoài. Cùng với các phiên giao dịch việc làm để kết nối các bạn trở về tìm được việc phù hợp, chúng tôi có nhiều chương trình, đối thoại khuyến khích, hỗ trợ lao động về nước khởi nghiệp, thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh, dạy nghề cho bà con địa phương…
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật 69) quy định kết nối dữ liệu lao động trong và ngoài nước. Hiện cục đang phối hợp với JICA (Nhật Bản) triển khai dự án hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023 – 2028.
Dự án giúp doanh nghiệp, người lao động tra cứu, kết nối thông qua website liên thông dữ liệu. Ví dụ như một người đi làm tại Nhật Bản về nước có thể nhập thông tin về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, trình độ tiếng Nhật, mức lương và vị trí mong muốn làm cơ sở liên kết thông tin để tìm kiếm công việc phù hợp.
Đàm phán đưa thêm lao động đi châu Âu
Trong hai tháng đầu năm 2024, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là trên 23.000 người, đạt gần 19% kế hoạch năm.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đang xúc tiến đàm phán với một số nước châu Âu (Đức, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary, Romania) và Israel, Canada để tuyển lao động có tay nghề. Tuy nhiên việc này cần thời gian tiếp xúc cấp cao, trao đổi đàm phán ký hiệp định ghi nhớ.