Hệ thống được các nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật xây dựng và Công nghệ Hàn Quốc (KICT) giới thiệu tuần trước. Văn phòng kiểm soát lũ lụt đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống tại Seoul và dự định nhân rộng ra cả nước vào năm sau.
Hwang Seok Hwan, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích, một khi hệ thống phát hiện nguy cơ lũ quét, nó sẽ phát cảnh báo thông qua các kênh khác nhau như phát sóng khẩn cấp, ứng dụng di động, còi báo động, mạng xã hội, tin nhắn văn bản.
Các thông báo này hướng đến nhà chức trách, lực lượng phản ứng khẩn cấp cũng như người dân để họ có hành động phù hợp. Khi được cảnh báo sớm, mọi người sẽ có biện pháp đề phòng để bảo vệ tài sản, chuẩn bị bộ dụng cụ khẩn cấp và lên kế hoạch sơ tán.
Lũ quét nằm trong số các thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất, tước đi mạng sống của hơn 5.000 người mỗi năm, theo Tổ chức Khí tượng thế giới. Chúng xảy ra khi mưa lớn tập trung ở các khu vực nhỏ hẹp khiến mực nước tăng đột ngột. Lực nước chảy xiết có thể cuốn trôi các phương tiện, gây thương vong. Tại các vùng đồi núi, nó còn làm sạt lở đất, nhấn chìm và phá hủy nhà cửa.
Khi xảy ra lũ lụt bất ngờ, chính quyền đô thị Seoul khuyên người dân sơ tán lên khu vực cao hơn và tránh di chuyển, lái xe vào khu vực ngập lụt. Tháng 8/2022, lượng mưa kỷ lục làm ngập nhà cửa, đường sá, ga tàu điện ngầm trên cả nước, gây lũ quét dữ dội khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và khoảng 2.800 nhà cửa hư hại. Tại các vùng trũng như quận Gangnam và khu vực đồi núi, nước dâng và chảy nhanh hơn nhiều các khu vực khác với cùng lượng mưa, theo nhóm chuyên gia KICT.
Lũ quét có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn khi trái đất nóng lên dẫn đến bốc hơi nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều độ ẩm hơn trong khí quyển và gây mưa dữ dội. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến mô hình mưa thay đổi, dẫn đến lượng mưa dữ dội hơn và thường xuyên hơn ở một số khu vực nhất định. Vì vậy, việc dự đoán chính xác là một thách thức và rất quan trọng để đưa cảnh báo sớm.
Nhóm KICT đã phát triển hệ thống giám sát thời gian thực để dự báo lũ lụt dựa trên dữ liệu radar lượng mưa từ Bộ Môi trường và hồ sơ thiệt hại lũ lụt gây ra. Hệ thống thiết lập các ngưỡng về cường độ mưa, mực nước sông và độ ẩm của đất, kích hoạt cảnh báo khi vượt ngưỡng và nguy cơ lũ lụt tăng.
Trong 4 năm thí điểm tính từ năm 2019, nhóm cho biết hệ thống dự báo lũ quét có hiệu quả khi dự đoán lũ lớn trên cả nước trước khi xảy ra 1 tiếng. Nó đã dự báo lũ quét trong 31 trận mưa lớn với tỷ lệ thành công 90% vào năm 2019.
(Theo Korea Times)