Cùng với múa xòe và làn điệu khắp, Hạn Khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống rất độc đáo, được lưu truyền qua nhiều đời của người Thái vùng Tây Bắc, và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các cặp trai gái hát giao duyên trên sàn trong sinh hoạt Hạn Khuống.
HẠN KHUỐNG theo tiếng Thái là “sàn sân”, nghĩa là một cái sàn được dựng ngoài sân để tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Chỉ là môi trường giao lưu, tâm sự, trao đổi kinh nghiệm sống nhưng bà con dân tộc Thái phải cầu kỳ dựng sàn giữa khu đất trung tâm, do trước đây dân bản thưa thớt, rừng núi hoang vu nhiều thú dữ, côn trùng.
Sàn được lát bằng tre hoặc phên nứa, dài khoảng bảy mét, rộng năm mét và cao 1,2 mét, chung quanh có chấn song đan hình mắt cáo, có cửa lên xuống bằng cầu thang. Giữa sàn đặt một bếp lửa, bên cạnh có cây nêu gọi là “lắc xay chính” bằng tre, để cả phần ngọn còn nguyên chùm lá treo các hình con ve, chim được đan bằng lạt xanh đỏ rực rỡ, tương tự như cây nêu trong ngày Tết của người Kinh. Bốn góc là bốn cây “lắc xay”, tượng trưng cho bốn phương đông-tây-nam-bắc.
Chủ đạo trong sinh hoạt Hạn Khuống là hát giao duyên. Mỗi Hạn Khuống có một nhóm “xao lắc xay” gồm từ năm đến 10 cô gái Thái vấn tóc đẹp, đội khăn piêu lên sàn rồi rút thang. Cô trưởng nhóm (gọi là “xao tổn khuống”) nhóm lửa, rồi đặt chiếc xa quay sợi, các cô khác chia nhau kéo sợi hoặc thêu thùa. Trưởng nhóm là các bậc đàn chị nhiều năm chơi Hạn Khuống có kinh nghiệm hát đối đáp sẽ “gỡ rối” cho các “xao noọng” (các cô gái trẻ) còn ít kinh nghiệm. Các chàng trai cầm khèn, pí hát “khắp” đối đáp với các cô gái cho đến khi được đồng ý cho lên sàn.
Thường thì các cô gái hát các câu “khắp” từ chối các chàng trai đã có vợ hay người yêu. Họ cứ hát như vậy, cho đến khi người con trai khẳng định rằng mình chưa có vợ và chiếm được lòng tin của người con gái thì người con gái mới thả thang cho người con trai lên sàn Hạn Khuống. Tuy nhiên, chàng trai muốn làm một điều gì thì đều phải hát “khắp” xin được sự cho phép của cô gái, như muốn ngồi thì phải hát xin ghế, muốn uống nước phải hát xin nước, muốn hút thuốc phải hát xin điếu…
Chàng trai tìm đến cô gái mình thích và hát đối đáp, bày tỏ tình cảm mong được kết duyên. Kết thúc buổi hát, họ trao nhau những câu hát chia tay và không quên hẹn gặp lại hôm sau để cùng nhảy sạp, chơi quay, múa xòe… Những đôi trai gái nào phải lòng nhau thì tỏ tình trao duyên, qua thời gian tìm hiểu nhờ bà mối đến hai gia đình thưa chuyện, xin thành vợ thành chồng.
HẠN KHUỐNG không chỉ là nơi sinh hoạt văn nghệ, nơi để các bạn trẻ đến tìm hiểu nhau mà còn là nơi trao đổi, bàn bạc công việc của cả cộng đồng. Các cụ già, người lớn tuổi đến sinh hoạt Hạn Khuống để dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến Hạn Khuống để học hát, học quay xa, kéo sợi…
Việc phục dựng lễ hội Hạn Khuống những năm qua không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho bà con được vui chơi, giao lưu sau những ngày làm việc mệt mỏi mà còn tạo sự gắn kết cộng đồng, với ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ dân tộc Thái.