Hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội

Công LuậnCông Luận27/05/2023


Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngày 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội là chuyên đề 4 đối với “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.

Đóng góp ý kiến, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) tán thành việc đưa chuyên đề 4 vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 nhưng cần tập trung hơn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bởi chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992 thì Nhà nước đã thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước; đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh Nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ.

han che toi da viec truc loi tu ho tro chinh sach nha o xa hoi hinh 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội. Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, cơ chế tài chính khác… để hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Lê Thanh Hoàn, trong quá trình thực hiện thì cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân, đặc biệt là cho đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thực tế còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra. Thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có nơi không có người tham gia, trong khi đó có nơi số lượng người tham gia lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội cũng còn gây nhiều dư luận khác nhau.

han che toi da viec truc loi tu ho tro chinh sach nha o xa hoi hinh 2

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Để phát triển nhà ở xã hội thực sự đạt yêu cầu, Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, cần phải định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ để đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội. Do đó, đề nghị phạm vi giám sát cần phải toàn diện, cần có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở; thời gian giám sát bắt đầu từ năm 2006  (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005) cho đến hết năm 2023.

han che toi da viec truc loi tu ho tro chinh sach nha o xa hoi hinh 3

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) tham luận.

Cùng đóng góp ý kiến về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: Chuyên đề 4 đối với “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến hết 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan” là chuyên đề hết sức quan trọng và được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn và đóng băng trong mấy năm vừa qua cần phải có giải pháp để tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang vướng mắc nhiều cơ chế, chính sách cần phải được tháo gỡ, nhất là những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, việc Quốc hội giám sát để tháo gỡ những nội dung trên cho lĩnh vực bất động sản và nhà ở xã hội là rất cần thiết.

han che toi da viec truc loi tu ho tro chinh sach nha o xa hoi hinh 4

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) phát biểu.

Trong khi đó, đưa ra quan đểm để thực hiện chuyên đề 4 được hiệu quả, Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho biết, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp. Bởi vì, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội dự kiến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2024. Do vậy, thay vì tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề thì có thể giao cho các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra các dự án luật này, tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn để sửa đổi trực tiếp các quy định trong các dự án luật liên quan.



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available