Hạn chế nhà đầu tư cá nhân, làm gì để tránh “nghẽn” dòng vốn vào trái phiếu?
Cần sớm rà soát những hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư tổ chức để thị trường có thể duy trì sự liên tục và tránh gián đoạn do tác động của quy định mới.
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn trong quý IV
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày công bố thông tin 30/09/2024, có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 22.333 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.467 tỷ đồng trong tháng 9/2024.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng và 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng. Trong tháng 9, các doanh nghiệp đã mua lại 11.749 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 79.858 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 35.137 tỷ đồng, tương đương 44%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 26 mã trái phiếu chậm trả lãi mới tổng giá trị 239,4 tỷ đồng và 2 mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 550,4 tỷ đồng.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong tháng 9 đạt 87.768 tỷ đồng, bình quân đạt 4.619 tỷ đồng/phiên, tăng 40,2% so với bình quân tháng 8.
Ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành cao nhất trong giai đoạn vừa qua. Theo số liệu từ MBS, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với khoảng 245.400 tỷ, tăng 188% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 74%. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay gồm có: ACB (29.800 tỷ đồng), Techcombank (26.700 tỷ đồng), OCB (24.700 tỷ đồng). Nhóm ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, tín dụng dự báo sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm theo sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ.
Nhóm phân tích tại MBS cũng dự báo hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý 4 do nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Tránh “nghẽn” dòng vốn vào thị trường trái phiếu
Trong giai đoạn vừa qua, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi với chính sách mới liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều, nhất là đối với chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân.
Bàn về dự thảo chính sách mới, FiinRatings cho rằng, do mức độ rủi ro cao của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân là hợp lý, tuy nhiên cần nới lỏng các quy định hiện nay về hạn chế nhà đầu tư tổ chức để khơi thông cầu về trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn sang các nước trong khu vực, tại Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân hầu như không tham gia sở hữu trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp. Thay vào đó, họ đầu tư qua việc ủy thác và mua chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, tại Thái Lan, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa nhà đầu tư giàu có “High-net-worth investors” (có tài sản ròng 30 triệu bath tức khoảng 22 tỷ đồng trở lên; thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath, tức khoảng 6 tỷ đồng).
Cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp tại một số nước châu Á, 31/12/2023. Nguồn: FiinRatings, HNX, ThaiBMA, KSEI, CCDC & ABO. (Riêng của Việt Nam là chỉ tính trái phiếu riêng lẻ).
|
Tuy nhiên, để tránh việc dòng vốn bị “nghẽn” khi nhà đầu tư cá nhân bị hạn chế tham gia thị trường, cần sớm rà soát những hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… để thị trường có thể duy trì sự liên tục và tránh gián đoạn do tác động của quy định mới.
Về điều khoản bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài, FiinRatings đánh giá chính sách này là cần thiết do tiềm năng mở rộng thị trường từ nhóm đầu tư này là rất hơn.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế. Cuối năm 2023, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Thế nhưng, tiềm năng mở rộng quy mô thị trường từ nhóm nhà đầu tư này là rất lớn, do nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm đầu tư, tiềm lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao, các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn lực và quy mô lớn hơn rất nhiều so với tổ chức trong nước.
Ngoài việc công nhận nhóm nhà đầu tư này là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cần nâng cao niềm tin của nhóm này bằng việc nâng cao tính minh bạch thị trường và chất lượng công bố thông tin, như đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm, phát triền cơ sở dữ liệu về đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả… qua đó tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin và định giá trái phiếu một cách thuận lợi, hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức này cũng đề xuất xem xét áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu và duy trì trong suốt vòng đời lưu hành của trái phiếu thay vì chỉ yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành. Theo quy định hiện hành, trong khi Nghị định 155/2020/NĐ-CP có đề cập xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, Nghị định 65/2022/NĐ-CP áp dụng cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ lại chỉ quy định xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành mà không nhắc đến xếp hạng với trái phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/han-che-nha-dau-tu-ca-nhan-lam-gi-de-tranh-nghen-dong-von-vao-trai-phieu-d227554.html