(Dân trí) – Mọi công dân đều có quyền tố giác những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân nhưng không phải trường hợp nào người tố cáo cũng đúng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức. Đây là nội dung có nhiều tranh cãi.
Phù hợp với nhiều bộ luật
Theo luật sư – TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi, cho rằng, quy định về không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức phù hợp với hiến pháp và pháp luật để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của nhà giáo và phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, mọi người đều được pháp luật bảo vệ về danh dự nhân phẩm, uy tín, được bảo vệ về quyền nhân thân, quyền hình ảnh và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.
Khi giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tố giác tội phạm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải bí mật thông tin và tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin của người tố giác, người bị tố giác.
Nếu không có quy định cụ thể, nhiều người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị để đưa lên mạng xã hội hoặc công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin hình ảnh của người khác, rõ ràng sẽ rất ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, sức khỏe, ảnh hưởng đến uy tín của những người có liên quan.
Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền tố cáo, tố giác những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người tố cáo, tố giác cũng đúng, nội dung tố cáo tố giác cũng có căn cứ. Đặc biệt là những thông tin bước đầu chưa được xác minh, những thông tin đăng tải một chiều trên mạng xã hội, chưa có cơ sở nào để xác định đó là đúng hay sai.
Khi công nghệ phát triển những tin giả, hình ảnh cắt ghép, những sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến xuất hiện những tin giả, sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân.
Nội dung tố cáo tố giác chưa được cơ quan chức năng xác minh, giải quyết, chưa có kết quả cuối cùng mà không có quy định kiểm soát, lại tự do đưa lên mạng xã hội hoặc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thể sẽ xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, ảnh hưởng đến quyền nhân thân, quyền hình ảnh và danh dự nhân phẩm của công dân, trong đó có giáo viên.
“Thực tiễn thời gian qua không ít những vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng của cơ sở giáo dục, của giáo viên được tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội với những nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên.
Khi thông tin chưa đầy đủ, tạo ra dư luận xã hội thiếu tích cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của những người trong cuộc”, luật sư Cường nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc cộng đồng mạng luôn sẵn sàng “ném đá”, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của giáo viên khi tiếp nhận những thông tin chưa đầy đủ để trên mạng xã hội là câu chuyện đáng buồn, thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội và làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Đặc biệt, quy định không công khai thông tin về sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền phù hợp với Hiến pháp và pháp luật trong đó có thể kể đến như: Luật bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ luật dân sự, Luật an ninh mạng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan.
Không hẳn dung túng, tiếp tay cho sai phạm
Giáo viên là nghề cao quý, là nghề được cả xã hội tôn trọng. Việc giáo viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật là những trường hợp cá biệt, không vì một vài trường hợp mà làm ảnh hưởng đến uy tín cả một ngành, một lĩnh vực.
Do vậy theo LS Cường, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên là bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của người thầy. Điều này phù hợp với truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam. Khi người thầy không được bảo vệ, vấn đề đạo đức xã hội sẽ bị xem nhẹ, khó mà có được tôn ti, trật tự, văn hóa và ổn định xã hội.
“Quy định không công khai thông tin sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận chính thức không phải là dung túng, tiếp tay cho sai phạm của giáo viên mà bảo vệ bí mật thông tin trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo, đồng thời là bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh, bảo vệ bí mật đời tư cá nhân và giảm bớt những hệ lụy tiêu cực.
Khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, mọi phỏng đoán, phán đoán, quy kết của dư luận xã hội đều có thể mắc sai lầm và gây ra những tác động tiêu cực khó có thể sửa chữa được.
Nếu giáo viên vi phạm kỷ luật, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khi có kết luận cuối cùng có hiệu lực pháp luật, họ cần được bảo vệ, đó cũng chính là bảo vệ uy tín của ngành.
Khi đã có kết luận chính thức, đã xác định người đó vi phạm đến đâu, họ sẽ bị xử lý đến đó theo quy định của pháp luật, không có ngoại lệ”, luật sư Cường khẳng định.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/han-che-cong-khai-sai-pham-cua-giao-vien-co-phai-dung-tung-20241025145008084.htm