Hãng thông tấn WAFA của Palestine cho biết 51 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Maghazi ở Dải Gaza vào tối 4.11. Trong một tuyên bố trên Telegram, Hamas cáo buộc Israel “trực tiếp” ném bom xuống nhà dân.
Thông tin này chưa thể được xác minh một cách độc lập. Quân đội Israel cũng không lập tức đưa ra bình luận, nhưng Israel vốn đã tuyên bố họ nhắm vào Hamas chứ không phải dân thường, đồng thời cáo buộc Hamas sử dụng người dân làm lá chắn sống.
Người phát ngôn cơ quan y tế do Hamas điều hành ở Gaza cho biết một số lượng lớn dân thường đã thiệt mạng nhưng không đưa ra con số chính xác, đồng thời cho biết hàng chục người bị thương nặng đang nằm trên sàn nhà trong khu cấp cứu của một bệnh viện.
Trại tị nạn Maghazi nằm ở tỉnh Deir al-Balah, thuộc khu vực trung tâm Dải Gaza.
Hôm 1.11, Israel cũng từng tiến hành cuộc không kích nhắm vào trại tị nạn Jabaliya ở Gaza. Phía Hamas cho biết 195 dân thường thiệt mạng trong cuộc tấn công này, trong khi quân đội Israel tuyên bố họ đã tấn công sở chỉ huy của Hamas đặt trong trại tị nạn lớn nhất Gaza “dựa trên thông tin tình báo chính xác”.
Trong cập nhật mới nhất, cơ quan y tế Gaza cho biết hơn 9.480 người ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7.10. Chiến dịch quân sự của Israel diễn ra sau khi Hamas, tổ chức chính trị – quân sự Palestine kiểm soát Gaza, bất ngờ tấn công miền nam Israel, làm thiệt mạng khoảng 1.400 người. Hamas cũng bắt hơn 240 người đa quốc tịch đưa về Gaza làm con tin, theo số liệu của chính phủ Israel.
Cánh vũ trang của Hamas hôm 4.11 thông báo hơn 60 con tin đã mất tích vì các cuộc không kích của Israel vào Gaza, theo Reuters. Cuối tháng trước, Hamas cho biết khoảng 50 con tin đã thiệt mạng trong xung đột. Đến nay, Hamas mới chủ động thả 4 con tin, trong khi quân đội Israel tuyên bố giải cứu được thêm một người nhờ hoạt động trên bộ ở Gaza.
Biểu tình lan rộng
Gần một tháng từ khi xung đột bùng nổ, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt ở Gaza, một khu vực có mật độ dân số cao và bị cô lập trong nhiều năm, bất chấp tình cảnh hiểm nghèo của dân thường và những lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thế giới Ả Rập.
Làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối Israel cũng ngày càng dâng cao. Tại London (Anh), Paris (Pháp), Berlin (Đức), Ankara và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Jakarta (Indonesia) và Washington DC (Mỹ), hàng chục nghìn người ủng hộ Palestine đã xuống đường biểu tình trong ngày 4.11, kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Trong khi đó, người dân ở Iran xuống đường phản đối Mỹ và Israel.
Bên ngoài Nhà Trắng, những người biểu tình mang theo các biểu ngữ như “Hãy để Gaza được sống” và “Tay bạn đang vấy máu của họ” để bày tỏ sự phản đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh Washington, đồng minh hàng đầu của Israel, tiếp tục bác bỏ yêu cầu ngừng bắn hoàn toàn ở Gaza. Đây là một trong những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine lớn nhất ở Mỹ và cũng là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất vì bất kỳ mục đích nào ở Washington DC trong những năm gần đây, theo Reuters.
Cuộc biểu tình diễn ra giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang theo đuổi những nhiệm vụ đầy thách thức ở Trung Đông, trong chuyến công du khu vực lần hai từ khi xung đột Hamas-Israel nổ ra. Điểm dừng chân tiếp theo của ông sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã lên án Israel mạnh mẽ và mới đây đã triệu hồi đại sứ ở Israel cũng như cắt liên lạc với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của nước này.
Trong hai ngày qua, ông Blinken đã gặp ông Netanyahu tại Israel, cũng như thảo luận với đồng cấp các nước Ả Rập tại Jordan. Thế giới Ả Rập, bao gồm một số đồng minh của Mỹ, đã cho thấy những mâu thuẫn với Washington về cách tiếp cận đối với xung đột, đẩy nỗ lực ngoại giao con thoi mới nhất của ông Blinken tại khu vực vào vòng xoáy bất định.