Trong bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc, tình người, sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng, gieo thêm niềm tin vào cuộc sống.
TS. Cù Văn Trung cho rằng, cần lan tỏa những hành động tử tế, tình người trong và sau cơn bão số 3. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội với Báo Thế giới và Việt Nam về tình người, sự tử tế của con người trong cơn bão số 3 vừa qua và tình trạng lũ lụt tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hiện nay.
Góc nhìn của ông về tình người, sự tử tế trong và sau cơn bão số 3 vừa qua? Sự sẻ chia được thể hiện như thế nào trong cộng đồng trong và sau cơn bão? Sự sẻ chia có thể tạo ra những thay đổi tích cực nào cho xã hội?
Tôi cho rằng, sự tử tế của con người là phẩm chất tồn tại mãi mãi trong tiến trình phát triển của nhân loại. Ở đâu, cộng đồng nào cũng có và bất cứ giai đoạn lịch sử nào của con người cũng có sự xuất hiện về sự tử tế, lòng trắc ẩn của mỗi cá nhân.
Từ xa xưa ở Phương Đông đã xuất hiện nhân vật điển hình là Mạnh Thường Quân chuyên giúp đỡ dân thường, những người nghèo, sa cơ lỡ vận. Người Việt Nam mang đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, tử tế và lương thiện. Đáng nói hơn, chính những đức tính ấy càng được nhân lên, bộc lộ rõ hơn thông qua các biến cố, sự cố do thiên tại, lũ lụt gây nên.
Vốn là một dân tộc trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã hình thành được tính cố kết cộng đồng làng xã rất lâu đời, gần gũi thương yêu, che chở lẫn nhau để cùng chống lại các thế lực ngoại bang cũng như việc bảo vệ đê điều, làng mạc, mùa màng trước những thảm họa thiên nhiên có thể thường xuyên xảy ra.
Cơn bão số 3 vừa qua gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố ở miền Bắc nước ta. Trong quá trình bão đến, sau bão, những hành động giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau của người dân cho thấy sự đùm bọc, hỗ trợ và thương yêu nhau như truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
“Xe ô tô, xe tải cùng nhau đi chậm trên cầu Nhật Tân giúp những người dân đi xe máy làn phía trong tránh bị gió báo thổi ngã. Câu chuyện cảnh sát giao thông cứu tài xế đang hoảng loạn ngồi trong xe ô tô bị cây bên đường đổ xuống. Chàng thanh niên không quản hiểm nguy, sẵn sàng lao vào cứu người trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Đó là những câu chuyện nhân văn, tử tế trong và sau cơn bão”. |
Trong những lúc hoạn nạn, khó khăn như thế, mọi sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện khiến chúng ta ấm áp, gieo thêm niềm tin vào cuộc sống. Rõ ràng, nếu được cổ vũ, lan tỏa những phẩm chất cao quý ấy trong mỗi con người thì xã hội sẽ ngày càng tốt lên.
Biết bao nhiêu tác phẩm văn học, bao nhiêu bài giảng về đạo đức và nhiều tấm gương về sự tử tế của con người đều nhằm hướng dẫn xã hội đến cái đích tích cực, hướng thiện. Sự sẻ chia của con người trong những tình cảnh khó khăn cần được khích lệ, khơi gợi hơn nữa để cộng đồng có thêm nhiều hiệu ứng lan tỏa và tốt đẹp.
Những câu chuyện cảm động nào đã để lại ấn tượng sâu sắc với ông trong cơn bão vừa qua?
Thực sự, có nhiều câu chuyện khiến chúng ta cảm động. Có các câu chuyện của đời sống dân sự, chẳng hạn như một số ô tô, xe tải cùng nhau đi chậm trên cầu Nhật Tân nhằm giúp những người dân đi xe máy làn phía trong tránh bị gió báo thổi ngã.
Câu chuyện một người dân đi xe máy đang mặc áo mưa, một mình giữa đường, gió thổi rất lớn, không thể di chuyển được và có nhiều lính cứu hỏa xuống cùng giữ xe, dìu vào lề đường. Đó là câu chuyện cảnh sát giao thông cứu tài xế đang hoảng loạn ngồi trong xe ô tô đang bị cây bên đường đổ xuống.
Thêm nữa, thông tin Quảng Ninh, Hải Phòng nhường lại khoản hỗ trợ 100 tỷ của Chính phủ cho những tỉnh miền núi chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đó là chàng thanh niên không quản hiểm nguy, sẵn sàng lao vào cứu người trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Đây chỉ là những hành động cụ thể trong rất nhiều câu chuyện nhân văn, tử tế trong và sau cơn bão.
Có thể thấy, cả xã hội và hệ thống chính trị đều biểu hiện những đức tính tốt đẹp, hành động tử tế rất đáng được đề cao. Người dân che chở cho nhau vì truyền thống “thương người như thể thương thân”, chính quyền san sẻ nguồn lực với nơi khác vì còn những nơi đang khó khăn hơn tỉnh nhà; các lực lượng chức năng không quản ngày đêm cứu người khỏi mắc kẹt, bão lũ… Tất cả đều là biểu hiện cao nhất của lòng nhân ái, của tình người.
Theo ông, sự tử tế có ý nghĩa như thế nào trong việc vượt qua khó khăn và có thể mang lại những thay đổi tích cực nào cho xã hội?
Tôi cho rằng, sự tử tế có sức mạnh vô hình, rất vi diệu, nó như liều thuốc tinh thần giúp con người vượt qua những khó khăn, vất vả một cách rất phi thường. Những hành động nhỏ, những cử chỉ quan tâm hoặc hỏi han đều làm cho những người đang chịu tác động, thiệt hại cảm thấy ấm áp, xúc động. Nó xóa tan những vị kỷ, ích kỷ thông thường, khiến con người xích gần lại nhau.
Nếu một xã hội mà những điều tử tế, tốt đẹp “lên ngôi” thì con người được sống trong niềm thương yêu, sự tin tưởng và an toàn. Đấy là mơ ước, là mục đích mà bất kỳ nhà nước nào, chế độ chính trị nào cũng kêu gọi và hướng tới.
Đoàn xe ôtô che bão cho xe máy trưa 7/9 trên cầu Nhật Tân, Hà Nội. (Ảnh: Cắt từ clip của người dân) |
Truyền thông đã đóng vai trò như thế nào trong việc lan tỏa những câu chuyện đẹp về tình người?
Trình độ dân trí ngày càng nâng lên rõ rệt, cùng với đó, người ta nhận thức được rằng con người ở đâu cũng như nhau, ai cũng phải mưu sinh cuộc sống, có người thân là bố mẹ và con cái… Chính vì thế, bất kỳ nỗi đau, sự bất hành hay sự cố, rủi ro do thiên tai bão lũ ập đến mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh đều khiến cộng đồng xót xa, thương cảm.
Truyền thông đã làm được việc rất quan trọng đó là khơi dậy, vun lên tất cả những nỗi niềm sâu lắng ấy của chúng ta. Truyền thông giúp lan tỏa và như sự cộng hưởng của tình cảm, ai cũng muốn làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng và xã hội.
Tôi cho rằng, sự việc hiện tượng trong đời sống xã hội về một số hoàn cảnh, nhân vật trong bão lũ khi được truyền thông đúng hướng sẽ góp phần tạo ra nhiều hiệu ứng tốt đẹp và lan tỏa tới cộng đồng như những câu chuyện về con người, về sự lương thiện và tử tế từ trong bão lũ.
Ông đánh giá như thế nào về tinh thần đoàn kết của người dân trong và sau cơn bão? Những yếu tố nào đã góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết đó? Tinh thần đoàn kết này có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của đất nước?
Đối với dân tộc Việt Nam thì hai vấn đề khiến tinh thần đoàn kết của người dân lên cao, dễ nhận thấy nhất chính là khi có giặc ngoại xâm và chống thiên tai, lũ lụt. Từ xa xưa, ông cha ta đã luôn phải đối mặt với hai vấn đề này một cách thường trực, triền miên.
Chính vì vậy, sự đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của con người Việt Nam như đã “có gen”, không ít ca dao, tục ngữ, truyền thuyết và truyện cổ tích biểu thị tinh thần này: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao”; “Con ong làm mật nuôi hoa, con cá bơi dưới nước con chim ca yêu trời, con người muốn sống con ơi, phải thương đồng chí, yêu người anh em”…
Người dân đùm bọc, cưu mang nhau trong những thời khắc ngặt nghèo, cùng nhau chống giặc ngoại xâm cũng như chống lại bão lũ, thiên tai. Con người Việt Nam ta, ngoài có những phẩm chất tốt đẹp và cao quý của mọi dân tộc trên thế giới nói chung thì còn có những nét đặc trưng rất riêng biệt. Sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, những câu chuyện tử tế xuất hiện khi bão số 3 ập đến đều xuất phát từ căn nguyên sâu xa là truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của cha ông để lại và hiện hữu cho đến tận ngày nay.
Tôi cho rằng, vấn đề được nêu ra trên đây là những hiện tượng rất đặc sắc về bản chất của con người Việt Nam. Bản chất ấy là cao quý, dân tộc Việt Nam trọng tình cảm, yêu thương đồng loại. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc giữ gìn, khơi dậy và phát huy một cách đúng đắn, trân trọng yếu tố này sẽ giúp Việt Nam vững vàng, tự tin trên hành trình phát triển ở phía trước.
Xin cảm ơn ông!