Thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng
(Haiphong.gov.vn) – Sáng 21/11, Ban Pháp chế HĐND thành phố họp thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Phạm Quốc Ka, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố chủ trì cuộc họp.
Ban Pháp chế HĐND thành phố đã thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp thứ 21 HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham gia về sự cần thiết ban hành nghị quyết; sắp xếp lại từ ngữ, bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện…
Qua nghe các ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Phạm Quốc Ka, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố nhấn mạnh, đây là vấn đề khó, phức tạp nhưng nếu nghiên cứu kỹ, đưa thành văn bản pháp luật, áp dụng các biện pháp, chế tài, tạo công cụ để các địa phương, ngành tổ chức thực hiện phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, có giải pháp để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống. Đồng chí đánh giá cao Sở Nội vụ chủ động, kịp thời tham mưu, cụ thể hóa các văn bản pháp luật trên cơ sở tham khảo cách làm của nhiều tỉnh, thành phố khác. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia, tiếp tục nghiên cứu sửa tên gọi, các nội dung cần cụ thể hóa, tránh trùng lặp.
Về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, có quy định cụ thể về phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng nghiêm cấm hành vi lợi dụng dân chủ để có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối tình hình an ninh trật tự, kích động người dân, ảnh hưởng tới khối đoàn kết toàn dân tộc; bố cục, sắp xếp, lược bớt một số nội dung. Về biện pháp thực hiện, trong dự thảo ghị quyết nên đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu; tiếp đó là thể chế hóa các quy định pháp luật liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở như quy định người phát ngôn, quy định về quản lý tôn giáo và hoạt động của tôn giáo, thanh tra nhân dân…; áp dụng khoa học công nghệ trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ; bố trí nguồn lực tài chính cho lĩnh vực liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ; công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các địa phương, các cấp, ngành thực hiện dân chủ ở cơ sở; khen thưởng, kỷ luật và bảo vệ cán bộ…
Nguồn: https://haiphong.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tham-tra-ho-so-du-thao-nghi-quyet-ve-cac-bien-phap-bao-dam-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-tren-dia-ba-722103