Với TP. Hải Phòng, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu, cần hành động quyết liệt để thực hiện.
Hải Phòng với chiến lược xanh hóa
Hải Phòng được biết đến là một địa phương đi đầu trong công tác phát triển khu công nghiệp (KCN). Ngay từ khi KCN đầu tiên của TP. Hải Phòng ra đời, địa phương này đã ý thức về nhu cầu phát triển bền vững các KCN theo hướng KCN sinh thái là một yếu tố tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, tăng trưởng xanh là mục tiêu lớn mà Thành phố đã đặt ra từ rất sớm và Thành phố vẫn đang từng bước thực hiện một cách bài bản, kiên trì, khoa học. Hải Phòng ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các KCN sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
“Thành phố luôn khuyến khích nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường…”, ông Tùng nhấn mạnh.
Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động. Các KCN này được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080 ha, đã tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60%. Hải Phòng đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, Hải Phòng đã xây dựng Đề án Phát triển theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại, đô thị kinh tế – đô thị sinh thái theo hướng quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sử dụng đất bám sát mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó, nghiên cứu, lập quy hoạch Khu kinh tế phía Nam Thành phố, khoảng 22.000 ha; quy hoạch, thành lập 25 KCN, tổng diện tích khoảng 15.777 ha; quy hoạch 26 cụm công nghiệp, khoảng 1.098 ha, phù hợp quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, Khu kinh tế phía Nam được TP. Hải Phòng định hướng là khu kinh tế xanh, trở thành hình mẫu thực hiện chuyển đổi xanh trong các KCN, khu kinh tế tại Thành phố. Bên cạnh đó, Hải Phòng chủ trương, chỉ đạo các đơn vị cảng biển nghiên cứu và đầu tư, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ để thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh trong hoạt động cảng biển.
Cùng với phát triển các KCN tiêu chuẩn, Hải Phòng cũng đang phát huy lợi thế là địa phương có biển với việc quan tâm phát triển ngành năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện rác, điện gió ven bờ và ngoài khơi, nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững.
Khuyến nghị các chính sách
Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024 mới đây, chia sẻ về quan điểm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho lộ trình chuyển đổi xanh, từ góc độ của Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện tại, Chính phủ tập trung sửa đổi luật liên quan lĩnh vực điện lực. Dự kiến thay đổi một số nghị định, tạo môi trường pháp lý để có lộ trình chuyển đổi xanh; xây dựng một số cơ chế để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Với TP. Hải Phòng, tăng tốc chuyển đổi xanh để kiến tạo giá trị và lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai, đặc biệt trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng. Trên cơ sở đó, Thành phố tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như xanh về KCN, khu kinh tế; xanh về cảng biển – logistics; xanh về công nghiệp – dịch vụ tổng hợp với quyết tâm xây dựng và phát triển thành công thương hiệu “thành phố cảng biển xanh”.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, những năm qua, TP. Hải Phòng luôn kiên định với chiến lược phát triển xanh. Hải Phòng có danh mục dự án khuyến khích và không khuyến khích đầu tư. Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, việc tăng tốc chuyển đổi xanh tại TP. Hải Phòng còn đối mặt một số thách thức.
Cụ thể, việc xác định thu hút các doanh nghiệp có cộng sinh công nghiệp ngay từ đầu là thách thức lớn, do các doanh nghiệp bị áp lực thu hồi vốn nhanh, trong khi đầu tư xanh cần dài hạn. Vốn đầu tư cho phát triển theo các tiêu chí xanh, sinh thái luôn ở mức cao, nên trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Các mô hình tăng trưởng xanh thành công tại Việt Nam còn hạn chế để tham khảo, học tập. Ngoài ra, bộ chỉ số phục vụ đo lường, đánh giá, thúc đẩy tăng trưởng xanh còn hạn chế…
Để phục vụ tăng trưởng xanh, TP. Hải Phòng có 3 khuyến nghị: hoàn thiện khung chính sách tài chính xanh, tăng trưởng xanh; nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh; hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư.
Thanh Sơn