Những chính sách chưa có tiền lệ của ngân hàng
Đặt câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, bà Hoàng Thị Gái – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 cho biết, cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành nông nghiệp, nhiều nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Hội nghị này, tôi xin phép được hỏi một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể là Nghị định 02 của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, có quy định mức hỗ trợ tối đã cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% chỉ được 2 triệu đồng, nếu chia bình quân ra chỉ được có 75.000 đồng/sào.
Thứ hai, Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để người nông dân kịp thời khôi phục sản xuất.
Thứ ba, sau thiên tai, nông dân chúng tôi mới thấy, bảo hiểm nông nghiệp là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, hiện việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.
Được Thủ tướng phân công trả lời câu hỏi của nông dân Hoàng Thị Gái, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Xung quanh chính sách hỗ trợ nhất là việc tiếp cận vốn sau cơn bão số 3, đây là vấn đề rất nóng, rất thời sự trong thời gian qua. Cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124 nghìn khách hàng của 26 tỉnh thành phố, kể cả tác động gây ra lũ, lụt… ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có 192 nghìn tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Chỉ sau 2 ngày chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con. Sau đó, tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất. Rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi đầu sóng, ngọn gió.
Xung quanh chính sách hỗ trợ nhất là việc tiếp cận vốn sau cơn bão số 3, đây là vấn đề rất nóng, rất thời sự trong thời gian qua. Cơn bão số 3 đổ bộ gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi, dư nợ của cơn bão số 3 rất lớn, trong đó có 124 nghìn khách hàng của 26 tỉnh thành phố, kể cả tác động gây ra lũ, lụt… ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Có 192 nghìn tỷ đồng dư nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Ngành Ngân hàng đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Chỉ sau 2 ngày chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng có những biện pháp trực tiếp để thực hiện việc giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ cho bà con. Sau đó, tổ chức hội nghị với 26 tỉnh, thành phố để bàn câu chuyện làm thế nào có vốn khắc phục sản xuất. Rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy, hải sản ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng… nơi đầu sóng, ngọn gió.
Nhiều hộ gia đình gần như mất trắng, khả năng trả nợ trước mắt rất khó, làm thế nào để có công ăn việc làm, duy trì sản xuất tối thiểu. Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp thực hiện. Bởi vì chúng ta có được chính sách hiện hữu lúc này để cần thiết có thể khoanh nợ cho những đối tượng không có trả nợ trước mắt.
Chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng việc thực hiện là ở các bộ, ngành và UBND các tỉnh phối hợp để thực hiện. Đây là chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ cho bà con.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá thực tế với những thiệt hại như vậy cần những chính sách cụ thể hơn, ngoài những chính sách chung hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trích lập dự phòng rủi ro, phân loại lại nợ.
Trên cơ sở đó, chúng tôi ban hành Thông tư 53 đầu tháng 12 để làm căn cứ để tất cả các tổ chức tín dụng xem xét giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn và thực hiện cho các khoản nợ trước khi bão số 3 đổ bộ thời gian thực hiện đến hết 2025. Những khoản nợ, khoản lãi được giãn, hoãn từ 2 đến 3 năm tùy theo điều kiện thực tế. Chúng tôi cho rằng ngoài chính sách chung có những chính sách rất cụ thể trong vấn đề hỗ trợ vốn cho bà con, cho doanh nghiệp, cho HTX…
Với những chính sách này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị bà Hoàng Thị Gái và bà con nông dân, doanh nghiệp, HTX, đặc biệt các đơn vị nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại lớn sẽ cùng các ngân hàng thương mại để thực hiện chính sách này.
“Chúng tôi cũng hy vọng không chỉ trong hội nghị này mà sau hội nghị, những doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nào gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn không được thụ hưởng chính sách công khai này, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các ý kiến, đề xuất để chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai một cách tốt nhất, để đưa chính sách này cho các đơn vị thụ hưởng”, ông Tú khẳng định.
Ông Tú cho biết thêm, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, số chính sách về tiền tệ, tín dụng này nhiều hơn các lĩnh vực kinh tế khác, hiện có 8 chính sách dành cho nông dân, nông thôn để bà con được ưu đãi. Đặc biệt có Nghị định 55 ban hành năm 2015, đến năm 2018 có sửa một số nội dung, đến nay chúng tôi cũng đang rà soát lại, nhận thấy một số đối tượng cần được bổ sung là nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cần được hưởng ưu đãi chính sách này.
Tất cả nội dung đó đang có trong dự thảo Nghị định 55 sửa đổi, cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất, Nghị định 55 sửa đổi sẽ được ban hành. Sẽ có chính sách gợi mở, thông thoáng để tạo điều kiện cho các HTX, hộ nông dân tiếp cận được vay gấp 2-3 lần trước đây không cần tài sản đảm bảo, hoặc tham gia các chuỗi giá trị liên kết, chương trình, dự án như 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL và những chương trình khác hoàn toàn là những đối tượng ưu đãi cả về lãi suất và cho vay, cũng như các điều kiện hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Trả lời bổ sung câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Gái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.
“Sau bão chúng ta mới thấy bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng, theo đó, các bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, thực tế giúp nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Giải quyết được nhiều vấn đề “nóng” cho tam nông
Là một trong những đại biểu đầu tiên tham gia đặt câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, bà Hoàng Thị Gái cho hay: Mặc dù hội nghị được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm 2024, công việc rất bộn bề nhưng các đại biểu đến tham dự trực tiếp và qua các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành rất đông đủ.
Đặc biệt, không khí trong hội nghị cũng rất sôi nổi, nhiều nông dân, đại biểu rất nhiệt tình đặt câu hỏi đối thoại, phần giải đáp, trả lời của Thủ tướng và trưởng, đại diện các bộ ngành cũng rất sâu, kỹ lưỡng vấn đề.
“Năm nay Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu nông sản rất kỷ lục nên người đứng đầu Chính phủ và các đại biểu tham dự hội nghị đều rất phấn khởi, vui mừng. Đây thực sự là thành quả nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành và toàn thể nhân dân trong cả nước.
Có mặt tại hội nghị lần này, chúng tôi cùng nhau chia sẻ niềm tự hào về thành quả của ngành nông nghiệp và cùng bàn giải pháp tháo gỡ các kho khăn, vướng mắc để đạt mục tiêu sản xuất và xuất khẩu cao hơn vào các năm tới”, Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa chia sẻ.
Đánh giá thêm về hội nghị, đại biểu Hoàng Thị Gái cho hay: Tham dự hội nghị đối thoại năm nay, chúng tôi chuẩn bị 3 câu hỏi liên quan đến bất cập chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ tín dụng; bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân đều được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và trưởng các bộ ngành giải đáp, trả lời rất cụ thể khiến tôi cảm thấy rất thỏa mãn.
“Tôi tâm đắc nhất là phần trả lời của Thủ tướng về bảo hiểm nông nghiệp. Đây là vấn đề rất nóng và rất cần cho nông dân, đối tượng yếu thế sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh. Chúng tôi rất mong, sau hội nghị, các chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được các bộ ngành và ngân hàng triển khai thực hiện ngay để bà con được hưởng lợi sớm”, bà Gái nói thêm.