Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm sử dụng trái phép (trừ một số trường hợp được phép như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội…).
Ngoài ra, Luật cũng quy định không được họp chợ, phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép… trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, thực tế cá nhân, tổ chức chiếm dụng lòng đường, hè phố để phục vụ mục đích khác vẫn diễn ra. Trong đó, tình trạng dựng rạp làm đám cưới, đám tang lấn chiếm một phần lòng đường diễn ra khá phổ biến.
Theo Bộ GTVT, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), đã có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè và giao cho Bộ GTVT trình Chính phủ quy định chi tiết việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ.
Hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành về nội dung trên.
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: Sự kiện chính trị và hoạt động văn hoá, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.
Điều đáng lưu ý, dự thảo cũng đề xuất người dân được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định.
Cụ thể, người dân được sử dụng vào việc tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.
Đường cao tốc không cho phép sử dụng để thực hiện các mục đích trên, trừ khi có yêu cầu đặc biệt về quốc phòng, an ninh.
Cũng theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định cũng quy định các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị.
Trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận không quá 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
“Cá nhân, tổ chức được cấp phép phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè khi kết thúc việc sử dụng; bồi thường thiệt hại gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…”, Bộ GTVT đề xuất.
Góp ý đề xuất này, UBND TP Hải Phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ mặt đường tối thiểu bao nhiêu mét mới được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc quy định cụ thể mặt đường rộng bao nhiêu là không khả thi. Do mỗi mục đích khác nhau có yêu cầu khác nhau.
“Ví dụ, sử dụng vào việc tổ chức sự kiện chính trị như mít tinh thì cần sử dụng toàn bộ lòng đường và vỉa hè, nhưng khi sử dụng vào việc đám cưới thì có thể chỉ cần sử dụng vỉa hè. Do đó Nghị định chỉ quy định các trường hợp được sử dụng vào mục đích khác phù hợp với luật và trách nhiệm đảm bảo trong việc an toàn và trách nhiệm trong việc sử dụng vào mục đích khác…”, Bộ GTVT cho hay.
Bổ sung thêm, một chuyên gia giao thông cũng cho rằng trong bối cảnh đô thị ngày càng đông đúc, việc cơ quan quản lý đề xuất cho phép người dân sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè phục vụ cho việc hiếu, hỷ là cần thiết. Tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ, có giám sát kịp thời tránh tình trạng chính quyền địa phương buông lỏng sẽ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.