Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, chủ thương hiệu giầy dép Vento Việt Nam được biết đến là một doanh nhân thành đạt, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Di sản Việt Nam, Tổng thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng, cũng là nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật có tiếng của Hải Phòng và cả nước. Ít ai biết, xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Thăng lặng thầm thể hiện lòng yêu nước, tình yêu thành phố Cảng qua việc bảo tồn và phát huy 18 bảo vật quốc gia – “linh hồn dân tộc” cùng các “tinh hoa văn hóa” đặc trưng khác của Hải Phòng, tô thắm thêm truyền thống miền đất của các doanh nhân yêu nước nơi cửa biển…
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc các nhà làm Di sản Việt Nam năm 2023. (Ông Trần Đình Thăng ngoài cùng bên phải).
Tâm huyết của một người yêu nước
Tại hội nghị triển khai công tác trưng bày bảo vật quốc gia trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024 diễn ra chiều 13-3, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tiếp tục ghi nhận ông Trần Đình Thăng là người có nhiều đóng góp quan trọng trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Hải Phòng. “Tôi biết anh Thăng từ khi còn rất trẻ. Nếu năm đó, anh không dành hết tâm huyết cho nghiên cứu, sưu tập cổ vật mà dành tiền để mua đất thì có thể mua cả con phố, trở thành một trong những người giàu của Việt Nam hiện nay…”, đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố đánh giá vui. Ghi nhận đóng góp của ông Trần Đình Thăng, thành phố đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố năm 2023 và đang đề nghị Chính phủ khen thưởng ông vào năm 2024 này.
Khi được đề nghị chia sẻ về cơ duyên đến với công việc nghiên cứu, sưu tập cổ vật, ông Thăng chỉ cười: “Tôi yêu cổ vật, mong muốn gìn giữ những tinh hoa văn hóa Việt Nam, có lẽ bắt nguồn từ truyền thống gia đình…”. Quê quán tại xã Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cha của ông Thăng là cụ Trần Đình Thành tham gia cách mạng từ năm 1930. Năm 1955, giải phóng thành phố, cụ Trần Đình Thành là một trong những cán bộ về tiếp quản Hải Phòng. Gia đình ông Thăng sinh sống và gắn bó với thành phố Cảng từ đó. Được đào tạo ở Liên Xô cũ từ những năm 1973, Trần Đình Thăng về nước công tác tại Đại lý Hàng hải Việt Nam. Sau đó, ông mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Nhật Việt, sản xuất giầy dép mang thương hiệu Việt Nam đem đi xuất khẩu. Đến nay, Vento là doanh nghiệp duy nhất của Hải Phòng xuất khẩu mỗi năm trung bình 500 nghìn sản phẩm thương hiệu Việt ra hơn 20 nước trên thế giới. Qua 25 năm hoạt động, doanh nghiệp mang lại cho thành phố doanh thu hơn 50 triệu đô la Mỹ, tạo điều kiện việc làm cho gần 500 người lao động địa phương. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, lại được đào tạo cơ bản, có sự nghiệp kinh doanh thành đạt, ông Thăng luôn đau đáu với việc bảo tồn di sản – hồn cốt dân tộc. Từ khi du học, thay vì đi du lịch, vui chơi như những bạn cùng trang lứa ông dành hầu hết thời gian rảnh đến các bảo tàng tìm hiểu về di sản văn hóa, lịch sử của nhân loại. Năm 25 tuổi, về nước, ông bắt đầu sưu tập cổ vật…
Không chỉ sở hữu Sưu tập An Biên và 18 bảo vật quốc gia, ông Trần Đình Thăng còn hết lòng với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: Năm 2020, ông cung tiến lư hương đồng niên đại thế kỷ 18 và 300 triệu đồng tu bổ, tôn tạo di tích Đình An Biên (quận Lê Chân). Năm 2022, ông đóng góp kinh phí và tham gia tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử tại Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác…
Gìn giữ “linh hồn dân tộc”
Nhận thấy giá trị cao của đồ gốm men trắng triều Lý, từ năm 1985 đến 1995, với sự đồng hành của ông Motohiko Yamazaki, Trưởng hãng Toyota tại Việt Nam và ông Nguyễn Bá Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ông Thăng đi khắp Việt Nam mua hàng trăm hiện vật này. Trong đó, 9 hiện vật đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác, ẩn chứa tư duy, quan niệm, đạo đời, cõi giới của nhà nước quân chủ Phật giáo Việt Nam, được chọn để làm hồ sơ đề nghị Chính phủ xem xét, công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2021. Mùa Lễ hội Hoa Phượng đỏ – Hải Phòng 2022, lần đầu giới thiệu tại Bảo tàng Hải Phòng, Sưu tập An Biên và 9 món bảo vật quốc gia gốm men trắng triều Lý nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, sưu tập, người yêu cổ vật cả nước và quốc tế. Cũng trong năm này, ông Thăng xây dựng hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng công nhận thêm 6 hiện vật thuộc sở hữu cá nhân là bảo vật quốc gia. Năm 2023, thêm 3 hiện vật trong Sưu tập An Biên được công nhận bảo vật quốc gia, đưa tổng số bảo vật quốc gia trong Sưu tập An Biên lên con số 18.
Sau 40 năm sưu tập, ông Trần Đình Thăng chưa bao giờ thống kê mình có bao nhiêu hiện vật. Ông đặt tên cho bộ sưu tập của mình là Sưu tập An Biên – tên gọi đầu tiên của Hải Phòng do Nữ tướng Lê Chân đặt khi lập nên vùng đất “Hải tần phòng thủ”. Vừa qua, ông tiếp tục chọn ra 369 hiện vật, lập hồ sơ khoa học đăng ký với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, chia thành bốn nhóm: Cổ vật thuộc Nhà nước Đại Việt, thế kỷ 11-19; cổ vật Trung Hoa, thế kỷ 9-19; cổ vật thời Bắc thuộc, thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 9 và bộ tượng Phật gỗ, đá thế kỷ 17-19. Sưu tập An Biên từng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Hải Phòng, đăng tải trên nhiều ấn phẩm báo chí trong và ngoài nước. Để sở hữu số tài nguyên văn hóa đồ sộ này, ông Thăng mất nhiều công sức, thời gian cũng như tiền bạc. Hầu hết lợi nhuận có được từ hoạt động kinh doanh, sản xuất giày dép, ông đều dành mua và bảo tồn cổ vật. Bởi ngoài đam mê thì việc sưu tập cổ vật còn là sự đầu tư vào tài nguyên văn hóa đất nước. Từ tài nguyên này, ông mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống và kinh doanh. Sở hữu nhiều bảo vật quốc gia, nhưng ông Thăng gần như không để hình ảnh của mình xuất hiện bên cạnh. “Bảo vật quốc gia là tài sản quốc gia, tôi chỉ là người may mắn lưu giữ. Sau này, khi tôi không còn đủ sức khỏe để chăm sóc, hy vọng sẽ có một cá nhân hay tổ chức đủ tâm và tầm để kế thừa, phát huy giá trị kho di sản này”, ông chia sẻ tâm nguyện.