Từ khi tua du lịch nội đô Hải Phòng (Hải Phòng City Tour) với tâm điểm là foodtour “lên ngôi”, dịp cuối tuần và nghỉ lễ, Ga Hải Phòng đón hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan, trải nghiệm và thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, cho biết, xuất phát từ nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế cũng như phát huy hoạt động Hải Phòng City Tour, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng đã phối hợp tiến hành khảo sát một số điểm đến kết nối với Ga Hải Phòng để xây dựng các sản phẩm du lịch mới cho địa phương.
Nhờ có Hải Phòng City Tour, Ga Hải Phòng trở thành điểm đến được yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.
Tua du lịch đường sắt kết nối Ga Hải Phòng và Cảng Hoàng Diệu được Hiệp hội Du lịch Thành phố thử nghiệm từ giữa tháng 5/2024.
Qua khảo sát cho thấy, Ga Hải Phòng và tuyến đường sắt nội đô đã được hình thành từ cách đây hơn 120 năm. Trong đó, Ga Hải Phòng in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp. Đây cũng được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam.
Sau hơn 120 năm, Ga Hải Phòng vẫn còn nhiều công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn, như: Tòa nhà chính, hàng cột sắt chống mái hiên phía trong nhà ga, đoạn đường ray cổ hơn 100 năm tuổi, nền đá xanh có từ khi xây dựng… Ga Hải Phòng còn có tuyến đường sắt chạy đến Cảng Hải Phòng để chở hàng hóa từ cảng đến các khu vực khác.
Trong khi đó, Cảng Hoàng Diệu gắn với hình ảnh thành phố Cảng nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874. Đây cũng là cảng duy nhất hiện nay trên cả nước có đường sắt kết nối trực tiếp, đồng bộ với đường sắt quốc gia. Ngày 20/10/1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước.
Nơi Người đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày chính là bến Ngự (Cảng Hải Phòng). Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Hải Phòng sau ngày đất nước được độc lập. Trong Cảng Hoàng Diệu có Nhà truyền thống Cảng Hải Phòng, Tượng đài công nhân Cảng – biểu tượng của truyền thống đoàn kết, kiên cường, sáng tạo của các thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng.
Cùng với đó là bức phù điêu phủ kẽm, diện tích 76 m2, thể hiện quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Cảng, là trang lịch sử truyền thống từ ngày 24/11/1929 – Ngày truyền thống công nhân Cảng Hải Phòng. Kho số 6 gắn với tên gọi Cảng Hải Phòng xưa – “Bến Sáu Kho”.
Qua nghiên cứu, khảo sát, tham khảo các chương trình tương tự trên nhiều thành phố khác ở các nước khác nhau, Hiệp hội Du lịch Hải Phòng phối hợp cùng các đơn vị liên quan, gồm: Ga Hải Phòng, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng; Cảng Hải Phòng… khảo sát sơ bộ tuyến đường, các điểm tham quan trong tuyến. Các bên đều đánh giá cao và cho rằng các tài nguyên này có thể xây dựng và phát triển thành một sản phẩm du lịch mới, độc đáo riêng có của Hải Phòng.
Đó là chương trình tham quan các di tích, công trình tại Cảng Hải Phòng bằng tàu hỏa từ Ga Hải Phòng. Chương trình sẽ được xây dựng chia theo giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là khi Cảng Hoàng Diệu vẫn đang hoạt động, giai đoạn 2 khi Cảng Hoàng Diệu đã di dời phục vụ quy hoạch của Thành phố.
Du khách thăm quan Tượng đài công nhân Cảng trong tua du lịch thử nghiệm kết nối Ga Hải Phòng và Cảng Hoàng Diệu giữa tháng 5/2024.
Nhà ga tại Cảng Hoàng Diệu trong lịch trình thăm quan của du khách trong tua du lịch “Chuyến tàu thăm cảng”.
Tua du lịch “Chuyến tàu thăm cảng” giúp du khách hiểu hơn về lịch sử và hoạt động tại Cảng Hoàng Diệu hơn 110 tuổi tại Hải Phòng.
“Trong tháng 5 và tháng 6/2024, chuyến tàu xuất phát từ Ga thăm quan Cảng Hải Phòng chạy thử nghiệm với tần suất 1 – 2 chuyến/1 tuần vào 14 h – 16 h thứ 6 và thứ 7. Từ tháng 7/2024, sau thời gian chạy thử nghiệm sẽ mở rộng khai thác 1 chuyến/ ngày căn cứ trên nhu cầu thực tế của thị trường.
Khi Cảng Hoàng Diệu di dời và dừng hoạt động, sẽ khai thác 2 chuyến/ngày theo khung giờ dự kiến 8h – 10h sáng và 14h – 16h chiều. Các chuyến tàu thăm Cảng sẽ khởi hành vào giờ thấp điểm, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng giao thông đường bộ, tùy lượng du khách sẽ bố trí số lượng toa tàu phù hợp”, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, chương trình city tour “Chuyến tàu thăm cảng” được thiết kế là chương trình tham quan nội thành độc lập. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ xem xét đề xuất UBND, Sở Du lịch Tp.Hải Phòng kết hợp với các chương trình khác như đi bộ tham quan các di tích, danh thắng tại dải trung tâm thành phố, chương trình foodtour, chương trình thăm quan Bạch Đằng Giang, Đồ Sơn… đặt mục tiêu giữ chân khách lâu hơn tại Hải Phòng.
Ngô Quang Thái