Tối 5/5, tại Quảng trường Nhà hát Thành phố Hải Phòng đã diễn ra Chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Đó là “Hát Ca trù của người Việt” và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2024) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng biểu dương và ghi nhận sự đóng góp của các Nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại chương trình
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là thành phố nằm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều loại hình diễn xướng văn hóa dân gian. Trong đó, có “Hát Ca trù của người Việt” và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh. Đây là hai loại hình nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng lịch sử Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng, triết lý sống của Người Việt.
Chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh thu hút đông đảo người dân và du khách
Ca trù từng chiếm vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Ngày 1/10/2009, tại kỳ họp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hát Ca trù của người Việt.
Hiện nay, nghệ thuật Ca trù tại thành phố Hải Phòng đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, đặc biệt cả giới trẻ và số lượng hội viên tham gia Câu lạc bộ Ca trù cũng ngày một nhiều hơn. Với ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể – nghệ thuật Ca trù tại Hải Phòng cũng như trên toàn quốc. Chương trình Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hải Phòng được UNESCO ghi danh chính là dịp để khẳng định sức sống của nghệ thuật Ca trù tại thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là tín ngưỡng có ý nghĩa lịch sử văn hóa của Việt Nam. Vào ngày 01/12/2016, tại thành phố Addis Ababa, Ethiopia, Phiên họp Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO đã chính thức công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trình diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự tổng hòa giữa tôn giáo bản địa của người Việt. Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao,… thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật truyền thống, được kết hợp từ nhiều yếu tố, như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục. Những màn trình diễn tái hiện lại hình tượng của các vị thánh hạ trần và gần gũi cuộc sống của con người. Qua tài năng của các nghệ nhân, loại hình nghệ thuật cổ truyền này đã được thổi vào một sức sống mới, phản ánh hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo nội dung; Trung tâm Văn hóa thành phố Hải Phòng thực hiện cùng với sự tham gia biểu diễn của: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Đoan Trang, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy Sinh, Nghệ nhân ưu tú Thu Hằng, Nghệ nhân ưu tú kép đàn Nguyễn Văn Tuyến, Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuần, Nghệ nhân Trần Vũ Tiến, Nghệ nhân Phạm Thị Bằng Ly, Ban Cung văn Xuân Đậu (Thái Bình), ca nương Nguyễn Thị Thắm, ca nương Thúy Là, các ca nương và Tốp múa Câu lạc bộ Nghệ thuật Dân gian Truyền thống thành phố Hải Phòng, các học trò Lớp Ca trù Khóa I Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, các quan viên (Trống, Chiêng) Câu lạc bộ Ca trù xứ Đông – Lê Chân.
Tiết mục “Giá Chầu Bé Bắc Lệ” do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn trình diễn
Tiết mục “Giá Chầu Tám Bát Nàn” (Bát Nàn Đại tướng Đông Nhung) do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy Sinh trình diễn
Chương trình gồm 2 phần. Phần 1 là trình diễn các tiết mục hát ca trù của người Việt gồm: Hát nói ngả sang văn chầu “Hoa Phong Lan, Ngày hội quê em”, hát lót “Gương anh hùng (Tích Bạch Đằng)”, hát múa “Dồn Đại Thạch” (Lời cổ)… Phần 2 là chương trình trình diễn các tiết mục Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt với các giá “Giá Chầu Bé Bắc Lệ”, “Chầu Tám Bát Nàn”, “Chầu Lục Cung Nương”, “Quan Hoàng Mười”, “Chầu Cô Sáu Lục Cung”, “Chầu Cô Bé Đông Cuông” “Chầu Cậu Bé Đồi Ngang”… Trong đó, mỗi loại hình là một sản phẩm tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc của cộng đồng và được bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trước đó, vào tối 4/5, Trung tâm Văn hóa thành phố (Sở Văn hoá và Thể thao Hải Phòng) đã tổ chức chương trình Nghệ thuật đường phố Hải Phòng tại bờ hồ Tam Bạc và vườn hoa Nguyễn Trãi. Chương trình nằm trong “Đề án Nghệ thuật đường phố năm 2024”. Hoạt động thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài thành phố thưởng thức.
Tại điểm biểu diễn bờ hồ Tam Bạc có các hoạt động nghệ thuật ảo thuật sân khấu; chú hề làm bóng nghệ thuật; trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật…
Tiết mục biểu diễn tại vườn hoa Nguyễn Trãi thu hút đông đảo du khách và công chúng thành phố tham dự
Tại điểm biểu diễn vườn hoa Nguyễn Trãi là các tiết mục nghệ thuật truyền thống được thể hiện qua các nghệ sĩ, diễn viên cùng CLB Thư pháp Hán Nôm; Nghệ nhân tò he Tống Thị Thúy Tám, Câu lạc bộ Nhạc lễ và múa Sanh tiền Trang An Biên; Câu lạc bộ Đàn hát Chầu văn và Hầu đồng Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật Múa Rối Hải Phòng; CLB Nhiếp ảnh trẻ Hải Phòng, CLB Mỹ thuật Hải Phòng.
Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các hoạt động khác như Nghệ thuật Thư pháp Hán Nôm; Trưng bày ảnh nghệ thuật; Nghệ thuật tò he; Nghệ thuật vẽ trực họa… Việc đan xen giữa các điểm nhạc đương đại và nhạc dân gian cổ truyền của Việt Nam trên các đường phố, cùng với các không gian trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật, nặn tò he là sự phối hợp hài hòa, tạo điều kiện để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, hiểu hơn về văn hóa thành phố Cảng.
Còn tại Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du) cũng diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng thành phố vào mỗi dịp cuối tuần. Chương trình thuộc Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà kèn trong vườn hoa Nguyễn Du giai đoạn 2023-2025.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng thành phố vào mỗi dịp cuối tuần tại Nhà Kèn
Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà kèn trong vườn hoa Nguyễn Du giai đoạn 2023 – 2025, Câu lạc bộ Lá đỏ thực hiện chương trình nghệ thuật với các ca khúc có chủ đề về tình yêu quê hương, yêu đất nước, ca ngợi mảnh dất và con người thành phố Hải Phòng như: Bến cảng quê hương tôi; Thành phố hoa thắp lửa; Triệu bông hồng; Biển cạn; Thuyền và biển; Chiều trên bến cảng; Vào hạ…
Các chương trình Nghệ thuật đường phố Hải Phòng đã tạo nên nét văn hóa độc đáo cho người dân và du khách, tạo điểm nhấn sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại dải trung tâm thành phố. Qua đó, góp phần phát huy được nét văn hóa đặc trưng của Thành phố, trực tiếp quảng bá về miền đất, văn hóa, con người Hải Phòng.
Thanh Sơn