Mô hình điểm ‘Hàng cây nông dân chắn sóng’ và ‘Phân loại rác thải biển tại nguồn’ vừa được Hội Nông dân thành phố Hải Phòng triển khai tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh.
Mô hình điểm “Hàng cây nông dân chắn sóng” tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.
Sự kiện này do Hội Nông dân thành phố Hải Phòng tổ chức phát động để hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam (8/6) năm 2024. Sau lễ phát động, 200 cây bần nước mặn, 10 thùng rác phân loại rác thải cùng các vật tư kèm theo đã được trao tặng cho các thành viên của mô hình quản lý và thực hiện.
Ông Trần Quang Tường – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hải Phòng cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng có liên quan ở Hải Phòng đã luôn tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong toàn dân.
Theo đó, nhiều mô hình, cách làm hay tại địa phương đã được xây dựng và nhân rộng như: “Tổ thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”, xây dựng “tuyến đường cây xanh kiểu mẫu”, “tuyến đường hoa”, “hàng cây nông dân chắn sóng”, “CLB Cụm tàu tự quản”, “Cụm tàu an toàn”.
Đáng nói, riêng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường”, đến nay toàn thành phố Hải Phòng đã thành lập được hơn 800 mô hình do Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn chủ động đảm nhận góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt là môi trường biển đại dương gắn với sản xuất, phát triển kinh tế biển bền vững.
Khu rừng ngập mặn tại phường Tân Thành. Ảnh: Đinh Mười.
“Thông qua lễ phát động chúng tôi kêu gọi các nông dân, ngư dân và cả cộng đồng bằng những hành động thiết thực mỗi ngày, không vứt rác bừa bãi, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần. Mặt khác, cần chú ý phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, chung tay giữ gìn môi trường biển tại địa phương, bảo vệ môi trường biển đại dương, bảo vệ khu rừng ngập mặn, bảo vệ hệ sinh thái biển”, ông Trần Quang Tường chia sẻ.
Hải Phòng là thành phố ven biển có chiều dài đê biển là 125 km, có nhiều tiềm năng bãi triều và rừng ngập mặn, trung tại các quận, huyện như: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, Ðồ Sơn, Dương Kinh và Hải An.
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê biển, chống xói mòn, cố định phù sa, mở rộng bãi bồi,… làm tiền đề cho việc quai đê lấn biển, phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.
Do vậy, thành phố Hải Phòng đã chú trọng đến việc phát triển trồng rừng mới và bảo vệ rừng ngập mặn thông qua triển khai tốt các chương trình trồng rừng quốc gia cũng như các chương trình trồng rừng ngập mặn do các tổ chức phi Chính phủ tài trợ.
Rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đê biển ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười
Từ năm 1992 đến nay, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng các dự án nhằm khôi phục, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ ven biển qua việc tranh thủ các nguồn vốn quốc tế tài trợ, thành phố cũng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển.
Các tuyến đê biển có rừng bên ngoài đã được bảo vệ an toàn khi có bão lớn tràn vào. Rừng không những bảo vệ tốt cho các tuyến đê biển, giảm kinh phí sửa chữa, tu bổ đê kè thường xuyên, mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản cho nhân dân địa phương.
Thời gian tới, để phát triển hệ thống rừng ngập mặn với mục tiêu phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tạo cảnh quan sinh thái, giảm chi phí đầu tư cho các công trình đê điều. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào việc trồng rừng ngập mặn tại các vị trí có điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi cũng như nghiên cứu các giải pháp công trình nhằm tăng cường khả năng tạo bãi trước đê để phục vụ trồng rừng.
Hiện nay, hệ sinh thái rừng ven biển ở Hải Phòng chủ yếu là rừng ngập mặn với các loài cây chủ yếu là trang, bần chua, mắm trắng, đâng…. loài cây ưu thế nhất là bần chua phân bố ở vùng cửa sông thuộc các địa phương như: Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh,… Nếu như năm 1990, cả Hải Phòng mới chỉ có gần 300 ha rừng ngập mặn thì đến nay diện tích rừng được bảo vệ và mở rộng đã lên đến hàng nghìn ha. |
Đinh Mười