Văn hoá đã từng bước trở thành nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, thành phố để Hải Phòng từng bước phấn đấu trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, khẳng định vai trò động lực phát triển đất nước.
Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Sau 10 năm tổ chức triển khai tại thành phố Hải Phòng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị tại thành phố đã được cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị quán triệt, triển khai toàn diện, đồng bộ. Thông qua các hoạt động văn hoá, nghệ thuật việc tuyên truyền, quảng bá về những thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, giá trị, vẻ đẹp về vùng đất, con người Hải Phòng với chiều sâu văn hóa, bề dày lịch sử được tôn vinh, ca ngợi, lan toả. Theo đó, văn hoá từng bước trở thành nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, thành phố để Hải Phòng từng bước phấn đấu trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, khẳng định vai trò động lực phát triển đất nước.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: Haiphong.gov.vn
Phương thức lãnh đạo của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, cấp uỷ các cấp trên địa bàn thành phố trong việc triển khai, tổ chức Nghị quyết số 33-NQ/TW trong 10 năm qua có nhiều nét đổi mới, sáng tạo được triển khai đồng bộ với Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Hải Phòng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Hải Phòng. Đồng thòi, việc đa dạng hoá các hình thức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 33-NQ/TW đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng môi trường văn hoá, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá được quan tâm triển khai có hiệu quả. Các phong trào, hoạt động văn hoá có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp Nhân dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong Nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa góp phần khôi phục một số phong tục, tập quán tốt đẹp, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, thúc đẩy việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh…
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) – Ảnh: Haiphong.gov.vn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thời gian tới tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Kết luận số 76 ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33, Chương trình hành động số 33 của Ban Thường vụ Thành ủy gắn với việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và các Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chiến lược, đề án, văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, các hoạt động văn hóa thiếu lành mạnh. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tệ nạn xã hội và bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp, chống các hành vi tha hóa.
Bí thu Thành uỷ Hải Phòng cũng yêu cầu phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Quản lý tốt các hoạt động tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thực hiện hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và ngăn ngừa hoạt động cực đoan lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng…
Hoàng Phong