Hải Phòng trong sắc tháng 5 với đô thị đan xen sắc màu Âu, Á. Đặc biệt những tiếng còi tàu âm vang mặt nước, những dòng sông mênh mang, xanh thăm thẳm một màu, những cây cầu nối những bờ vui…
Đây cũng chính là cảm nhận của các nhà đầu tư, của bạn bè bốn phương khi về với Hải Phòng.
Sự đổi thay…
Một thập kỷ qua đi. Hải Phòng bây giờ đã khác hẳn! Từ đô thị đến nông thôn, tất cả đều “thay da đổi thịt”, chuyển mình một cách ngoạn mục. Những người con xa xứ quả thật khó mường tượng thành phố đổi mới nhanh đến vậy. Những khu đô thị cao cấp, hiện đại; những khu vui chơi, giải trí, mua sắm, bệnh viện, trường học mang tầm cỡ quốc tế đã và đang hiện hữu.
Hải Phòng vốn là đô thị cũ, hình thành từ thời Pháp thuộc. Qua biến động của lịch sử, chiến tranh tàn phá…, thành phố Cảng bao thập kỷ như chìm trong “giấc ngủ đông”. Nhưng chỉ sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), đô thị Hải Phòng đã bừng lên một diện mạo mới khác hẳn của một thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Sắc phượng tháng 5 của Hải Phòng
Cũng cần phải nói thêm, ngoài Nghị quyết số 45-NQ/TW còn phải kể tới Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Nghị quyết số 45-NQ/TW, “cánh cửa” quyết định sự đổi thay bộ mặt Hải Phòng. Từ nghị quyết, hàng loạt vấn đề cải tạo, chỉnh trang đô thị được đặt trong chương trình nghị sự của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.
Theo ông Phạm Tùng Dương – Chủ tịch Hiệp hội An Dương chia sẻ: Về với Hải Phòng mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, du khách sẽ thấy một sự đổi thay. Hải Phòng như một “đại công trường”. Khu Đô thị mới Bắc sông Cấm với các hạng mục: Khu trung tâm hành chính-chính trị thành phố, Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên. Trong đó Khu trung tâm hành chính Bắc sông Cấm hiện đã được xây dựng theo định hướng phát triển nhiều không gian xanh.
Cửa ngõ giao thương…
Ông Phạm Đình Chi – 85 tuổi – CCB phường Đông Hải 1 chia sẻ: Từ một thành phố hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh. Đến nay Hải Phòng với vị trí cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc, giữ vai trò chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng… đã trở thành thành phố dẫn đầu cả nước về thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, thể hiện sự nhân văn tin cậy an sinh bền vững.
Cầu Bến Rừng kết nối TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nới kết nối giao thương (Ảnh: Thắng Nguyễn)
Ông Lê Mạnh Cương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng cho biết: Hải Phòng được biết đến từ thời nữ tướng Lê Chân khai hoang lập trang an biên. Hải Phòng có dòng sông Bạch Đằng lịch sử với chiến công hiển hách của cha ông ta để giành độc lập cho dân tộc. Thành phố tiếp tục là địa phương đi trước về sau, vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương vững chắc trong những năm tháng kháng chiến cứu nước, là nơi có nhiều đột phá trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đã gợi mở và góp phần với Trung ương để ban hành chỉ thị 100 và nghị quyết số 10 về khoán trong nông nghiệp.
Hải Phòng, với riêng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là vùng kinh tế phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng với nhiều địa phương phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 – 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Đặc biệt kinh tế biển phát triển khá, dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn.
Một thập kỷ qua đi. Hải Phòng bây giờ đã khác hẳn! Từ đô thị đến nông thôn, tất cả đều “thay da đổi thịt”
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng tiếp tục duy trì ở mức cao so với cả nước. Trong nhiều năm gần đây, kinh tế xã hội của thành phố luôn phát triển mạnh mẽ và đột phá. Bình quân 9 năm liền, GRDP đạt 12,7% mỗi năm. Môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện mạnh mẽ. Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố còn ghi dấu ấn về phát triển vượt bậc của kết cấu hạ tầng, giao thông đô thị nông thôn, các công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, mang lại diện mạo mới khang trang, hiện đại, các công tác an sinh xã hội luôn được thành phố đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ, năm 2024, thành phố đang tập trung đầu tư hạ tầng. Đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như: mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, cầu Rào III, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn; các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3; các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai để đến năm 2025, Hải Phòng có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, xứng đáng là trung tâm giao thương quốc tế, là động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Tháng 5 sắc phượng đã đỏ thắm trên mọi nẻo đường, mang theo niềm tin và ước vọng, trong bước chuyển mình của đất nước, ở nơi miền cửa biển TP Hải Phòng đang tăng tốc mở mang, chỉnh trang đô thị với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Minh Huệ