Trong bối cảnh khó khăn, nhất là những thiệt hại lớn do cơn bão số 3 hồi tháng 9 vừa qua, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực vươn lên đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hơn 11%, thể hiện sự phát triển bền vững của Hải Phòng trong vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của vùng Ðồng bằng sông Hồng. Mười năm liên tục, Hải Phòng vượt khó, giữ đà tăng trưởng kinh tế hai con số.
Sản xuất sản phẩm sàn đá công nghệ SPC tại Công ty Pha Lê Plastics (Khu công nghiệp MP Ðình Vũ, Hải Phòng). |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ước thực hiện cả năm 2024, kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng có 17/19 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm. Trong đó, có hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và GRDP bình quân đầu người, nhưng kết quả cũng tiệm cận với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Ðặc biệt, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vẫn đạt ở mức cao với hơn 11%, gấp 1,6 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và là năm thứ 10 liên tiếp đạt tăng trưởng ở mức hai con số.
Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng đạt tăng trưởng 13,8%, cao hơn mục tiêu đề ra, cho thấy ngành công nghiệp của thành phố tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định, giữ vai trò động lực chính trong nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 15%, gấp khoảng 1,7 lần IIP cả nước.
Ðặc biệt, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tới 43,86% trong GRDP và tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đã đạt tới 66% trong ngành chế biến, chế tạo đã cho thấy sự chuyển dịch tích cực về công nghệ và chất lượng sản phẩm trong sản xuất công nghiệp của Hải Phòng.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng ước đạt 33,25 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2023 và đạt 100,77% kế hoạch năm, xuất siêu 7,5 tỷ USD, thể hiện hiệu quả từ nỗ lực tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thành phố tập trung cao cho thu hút vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển với tổng mức hơn 210 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với gần 73 nghìn tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ đã phản ánh nỗ lực của chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư mở mang, phát triển sản xuất, kinh doanh…
Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho thành phố Hải Phòng với con số lên đến hơn 12 nghìn tỷ đồng; nặng nề nhất là đối với cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghiệp. Hàng loạt nhà xưởng bị hư hỏng, tốc mái; hệ thống điện, nước, viễn thông bị hư hại… khiến sản xuất của hơn 1.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó, sản xuất của hơn 500 doanh nghiệp trong Khu kinh tế Ðình Vũ-Cát Hải và các khu công nghiệp trên địa bàn bị ngưng trệ, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa…
Ðặc biệt, cơn bão đã khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố trong quý III chỉ đạt 9,77%. Riêng trong tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố giảm tới 8,39% so với tháng trước. Nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, sự đồng thuận chung tay đầy trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Hải Phòng đã khẩn trương khắc phục thiệt hại, các doanh nghiệp đã nhanh chóng khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần lấy lại nhịp độ, tạo đà cho tăng trưởng “bứt tốc” cao trong quý IV…
Ông Cao Văn Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Pha Lê Plastics – một doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm sàn đá công nghệ SPC lớn trong Khu công nghiệp MP Ðình Vũ (Hải Phòng) cho biết, bão số 3 đã khiến hai nhà máy của doanh nghiệp thiệt hại nặng lên đến hơn 20 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân, chỉ 3 ngày sau bão, các nhà máy đã khôi phục lại sản xuất.
Vừa tập trung khắc phục hậu quả, vừa bố trí lại hoạt động phù hợp, sau 15 ngày, doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường và đạt sản lượng hơn 1 triệu m2 sàn đá công nghệ SPC/tháng, tương ứng với 900 container hàng hóa/tháng xuất ra thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2025 là thời điểm đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao nhất phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội với mức cao nhất, tiệm cận với chỉ tiêu mà Nghị quyết Ðại hội 16 Ðảng bộ thành phố đã đề ra, nhất là các chỉ tiêu thực hiện còn chưa đạt. Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng |
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Hải Phòng sớm trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng chí Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2025, Hải Phòng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12,5% trở lên. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp, xây dựng phấn đấu tăng 15,67%; dịch vụ tăng 9,2%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt mức 46,7% và đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao lên tới 68%.
Cùng với đó, Hải Phòng đề ra mục tiêu phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 9.486 USD; thu ngân sách nhà nước hơn 118 nghìn tỷ đồng; thu hút tổng đầu tư toàn xã hội cho phát triển đạt 240 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 37 tỷ USD; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 212 triệu tấn; thu hút hơn 10 triệu lượt khách du lịch; 100% số xã cơ bản hoàn thành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; đưa tỷ trọng các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp cho tăng trưởng lên 47%; tiếp tục duy trì kết quả thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2022-2025… |
Ngô Quang Dũng
Nguồn: https://nhandan.vn/hai-phong-cai-thien-moi-truong-dau-tu-on-dinh-san-xuat-post849714.html