Hải Phòng có địa hình khá phức tạp, đa dạng, gồm cả lục địa và hải đảo, bị chia cắt bời sông và kênh đào, có mật độ sông lớn nhất Vùng đồng bằng Bắc bộ. Toàn bộ lãnh thổ Hải Phòng được phân chia thành 3 vùng chính: (1) Vùng đá thấp chia cắt mạnh chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu ở quần đảo Cát Bà, Long Châu và một số đảo khác trong Vịnh Lan Hạ, Hạ Long; (2) Vùng đồi chia cắt mạnh, chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên, chủ yếu tập trung ờ phía Bắc huyện Thủy Nguyên; (3) Vùng đồng bằng, chiếm khoảng 85% diện tích tự nhiên, phân bổ ở hầu hết các huyện và khu vực nội thành.
Hải Phòng nằm trong khu vực gió mùa, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông lạnh, ít mưa. Khí hậu vừa mang đặc điểm chung khí hậu vùng đồng bằng miền Bắc, vừa có những đặc điểm riêng của vùng ven biển, nhiệt độ trung bình năm là 24,4°C; lượng mưa trung bình năm 1.343,9mm; độ ẩm không khí trung bình năm 90%.
Hệ thống sông ngòi: Mạng lưới sông ngòi của Hải Phòng có mật độ trung bình từ 0,6 – 0,8 km/km2. Có 6 sông chính và 9 nhánh sông với tổng chiều dài khoảng 300 km là các sông Bạch Đằng, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Luộc… ngoài các sông chính là các nhánh lớn nhỏ chia cắt khắp địa hình thành phố như sông Giá (Thủy Nguyên), sông Đa Độ (An Lão – Kiến An – Kiến Thụy – Dương Kinh – Đồ Sơn), sông Tam Bạc…
Chế độ thủy văn: Vùng biển Hải Phòng có chế độ nhật chiều thuần nhất điển hình là thủy triều theo chế độ nhật chiều: Độ cao 3,7-3,9m, cao nhất là +4,44m, chu kỳ triều ổn định kéo dài 24 giờ, nước ròng xuất hiện trong tháng 7,8; nước cường xuất hiện trong tháng 12 và tháng 1.
Cổng TTĐT tỉnh