Những năm vừa qua, ngành Giáo dục Hải Phòng đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý.
Chuyển đổi số thúc đẩy mạnh mẽ ngành Giáo dục
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, Giáo dục là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bởi giáo dục là một lĩnh vực có tác động xã hội liên quan trực tiếp và hàng ngày tới người dân. Giáo dục được chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho nhiều hoạt động trong đời sống-xã hội, đồng thời, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác.
Khai trương Hệ thống trục tích hợp chia sẻ dữ liệu ngành Giáo dục thành phố.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu top 15 tỉnh, thành phố đi đầu cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.
Với mục tiêu cơ bản đến năm 2025, nhiệm vụ phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đạt 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố được thực hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo của thành phố; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Và đến năm 2030, đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số Quốc gia, SởGD-ĐT Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 118/QĐ-SGDĐT về việc kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử ngành GD-ĐT thành phố Hải Phòng; Kế hoạch số 39/QĐ-SGDĐT về việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành GD-ĐT thành phố; Công văn số 2518/SGDĐT-VP ngày 15/9/2023 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS và thống kê giáo dục năm học 2023 – 2024.
Trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, ngành Giáo dục Hải Phòng đề ra 6 nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025: 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% số đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số và hệ thống dạy-học trực tuyến cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố…
Cùng với đó, tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống “một cửa” điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ toàn trình; đồng thời, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành GD-ĐT, bảo đảm kết nối các hệ thống đô thị thông minh, đưa ngành Giáo dục đi đầu trong chuyển đổi số của thành phố.
Từng bước vượt qua những khó khăn trên hành trình chuyển đổi số
Quá trình chuyển đổi số trong Giáo dục mang đến nhiều lợi ích vô cùng to lớn. Tuy nhiên, ngành Giáo dục Hải Phòng cũng đối diện với một số thách thức như thiếu hạ tầng kỹ thuật và internet, khó khăn trong đào tạo năng lực số hóa cho giáo viên, chấp nhận sự thay đổi, phân hóa tiếp cận công nghệ, sự khác biệt về kiến thức của giáo viên, chi phí đầu tư ban đầu.
Ông Trần Tiến Chinh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: có 3 yếu tố quyết định đến thành công trong việc chuyển đổi số ngành GD-ĐT là cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí thực hiện và con người.
Mặt khác, việc quản lý học sinh qua lớp học ảo còn nhiều khó khăn, bất cập, cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh; một số trường thiếu thiết bị dạy học trực tuyến, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến; đồng thời, việc duy trì phần mềm quản lý dạy học trực tuyến cần một lượng kinh phí khá lớn…
Chia sẻ về những khó khăn trên con đường chuyển đổi số, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên thông tin thêm: cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị như máy tính, máy in, đường truyền, dịch vụ internet ở phần lớn các nhà trường còn thiếu, cũ, lạc hậu, chưa đồng bộ do lắp đặt từ lâu, thiếu nguồn kinh phí đầu tư, thay thế. Nhiều cơ sở còn thiếu nhân sự đảm nhận vai trò quản trị viên, đội ngũ giáo viên lớn tuổi kỹ năng sử dụng CNTT còn yếu, chưa tích cực tự học tập, bồi dưỡng. Cùng với đó, còn thiếu trục dữ liệu dùng chung cho toàn ngành để có thể quản lý, sử dụng đồng bộ, thuận tiện.
Trước những khó khăn trên, ngành Giáo dục thành phố từng bước vượt qua bằng những giải pháp cụ thể như: tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học (bài giảng điện tử, học liệu số thông minh, giúp kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, thực tế ảo), triển khai ứng dụng trên thiết bị thông minh (app) đối với cha mẹ học sinh, học sinh để cung cấp thông tin, tham gia các dịch vụ của nhà trường.
Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, và thử nghiệm các công nghệ số trong giáo dục, tổ chức kết nối, tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các ứng dụng, nền tảng giáo dục số.
Tập huấn về “ứng dụng AI trong xây dựng học liệu và phát triển tài liệu chuyên môn” tại Phòng Giáo dục Thuỷ Nguyên.
Cùng với đó, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý qua các khoá đào tạo, tập huấn thường xuyên; hợp tác, đào tạo cán bộ chuyển đổi số về các công nghệ số áp dụng trong giáo dục và đào tạo gồm các tiêu chuẩn CNTT giáo dục, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động… làm nòng cốt trong chuyển đổi số giáo dục.
Đến nay, Sở GD-ĐT xác định, chuyển đổi số đã, đang và sẽ là yêu cầu bắt buộc để các cơ sở giáo dục phải thực hiện để bảo đảm kế hoạch tiến độ, chất lượng đào tạo, bảo đảm mọi hoạt động trong tổ chức và quản lý để hướng đến phát triển bền vững.