Chiếc lư hương thuộc dòng men gốm lam xám thời Mạc, được chế tác vào khoảng năm 1588-1591, hiện là cổ vật trong sưu tập An Biên (Hải Phòng) không chỉ đẹp mà còn kết tinh những thông điệp lịch sử, văn hóa của người Việt.
Chiếc lư hương trong sưu tập An Biên là tác phẩm bằng gốm men lam xám có chiều cao 41cm, đường kính miệng 23,5cm, dáng hình trụ, miệng cao, loe, trang trí những ô chữ nhật bên trong có khắc họa hình tượng rồng uốn khúc “hình yên ngựa” đặc trưng cho mỹ thuật thời Mạc.
Được đóng lại trong khuôn hoa văn hình chữ nhật hay trong hình vuông trên thành miệng hoặc trang trí hoa văn bông sen nở trên thân.
Lư hương còn có ý nghĩa trong việc giải mã lịch sử khi mang dáng dấp và trang trí hoa văn của hai loại trống đồng do người Việt sản xuất.
Phần dưới của lư hương có dáng trống Đông Sơn (niên đại hơn 2.000 năm trước). Các nhà khoa học trước kia cũng đã gặp dáng trống Đông Sơn để ngửa, nhưng chiếc lư hương này lại là chiếc duy nhất có dáng úp sấp, với thân chia ba phần rõ rệt, hoa văn gạch ngắn song song, tam giác liền đáy.
Lư hương còn được trang trí các vành hoa văn hoa sen đối đỉnh đặc trưng của trống Mường (còn gọi là trống loại II Heger). Loại trống Mường kế thừa trống Đông Sơn và có niên đại kéo dài từ đầu Công Nguyên đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16 – 18).
Phần cổ có hình gần như trụ tròn, trang trí họa tiết hoa sen và những hình mây xoắn, bên trong có chữ “Đại tự” là chữ Phật (Phật giáo).
Phần đế của lư hương có dáng trống đồng Đông Sơn với phần tang phình, trang trí các vành hoa văn có yếu tố của cả loại trống đồng Mường như hoa văn cánh sen, hoa văn tam giác…
Đặc biệt, có tượng động vật 4 đầu nằm giữa phần tang và lưng trống, có đôi mắt tròn, tai nhọn như tai dơi, có cả mũi và miệng, giống như đầu của con dơi. Theo truyền thuyết và phong thủy, hình ảnh này biểu tượng cho hạnh phúc. Đây là cách liên tưởng âm “Bức” (con dơi) với âm “Phúc”. Nhiều đình chùa có trang trí hình con dơi là vì vậy.
Bên ngoài 2 dải quai lớn có hình rồng nổi, uốn khúc. Có 4 dải quai nhỏ bên thân, mỗi dải có hình chữ Hán nổi là: “Định Hương”, “Huệ Hương” (còn gọi là Tuệ Hương), “Giải thoát hương” và “Giải Thoát Tri Kiến Hương”. Đó là các chữ trong bài Nguyện Hương của Phật giáo với ý nghĩa nguyện cho khói nhang mà người đốt lên để cúng Phật sẽ kết thành những đám mây hương rộng lớn bay khắp 10 phương, đến các nơi có Phật tử. Nghĩa của chữ “Hương” ở đây là mùi hương của phẩm hạnh.
Trong đó, “Định Hương” mang nghĩa là tâm thế người đốt hương đã định, thanh tịnh. “Huệ Hương” là mong cho trí tuệ của người đốt hương luôn luôn thông tuệ, thấy rõ được cảnh đời là vô thường. “Giải thoát hương” là giải thoát ra khỏi sự sinh tử, luân hồi. “Giải thoát Tri Kiến Hương” là thấy và biết được các pháp, thâm nhập vào trong cảnh giới của Phật…
Tạp chí Heritage