Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. (Nguồn: Vietnam Housing) |
Khu vực FDI góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đa dạng hóa cơ cấu sản xuất, tạo sự lan tỏa về công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Điểm sáng của nền kinh tế
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 31/10, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Về vốn thực hiện, các dự án ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhà đầu tư đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu hơn 7,79 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ hai (3,61 tỷ USD), tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận…
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong gần bốn thập niên (1986-2022), Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Tính lũy kế giai đoạn 1986-2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, năm 2023, vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022, trong khi FDI toàn cầu chỉ tăng 3%).
Đánh giá về những đóng góp của vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, khu vực này không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam, ThS Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, những đóng góp của khu vực FDI đã tạo ra những nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế đối ngoại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam trong nhiều năm qua. Khu vực này hiện tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp với tiền lương và thu nhập cao hơn khoảng 20-30% bình quân cả nước, 22-24% vốn đầu tư xã hội, 55% sản lượng công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, 20% thu ngân sách và 18% GDP.
Cẩn trọng “lợi bất cập hại”
Theo các chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, việc thu hút FDI tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi các chiến lược và chính sách hiệu quả hơn để cải thiện tình hình. Bên cạnh những đóng góp tích cực của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia vẫn cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút nguồn vốn này.
Cụ thể, về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.
PGS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nhận xét, về lợi ích – một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư FDI, Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ”. Tình trạng doanh nghiệp FDI báo lỗ hoặc kinh doanh kém hiệu quả không quá hiếm gặp. Nếu như năm 2017, tỷ lệ này ở mức 37,91%, thì đến năm 2021 là 47,09%, năm 2022 là 56%.
Ngoài ra, các chính sách thu hút, ưu đãi với khu vực FDI ở một số địa phương không hợp lý, không tập trung vào những ngành trọng điểm hoặc không trúng vào các khâu tạo nên giá trị gia tăng cao. Do đó, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, nói “không” với những dự án không đạt yêu cầu, không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đây cũng là cách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp trong nước. Khi không còn phải cạnh tranh với những “ông lớn” nước ngoài, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, GS. Nguyễn Thị Xuân Thuý, Giảng viên Khoa Kinh tế chính trị (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.
Việt Nam đứng đầu danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua. (Nguồn: VnEconomy) |
Thay đổi để tốt hơn
Th.s Nguyễn Trần Minh Trí nhận định, về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 50-NQ/TW. Cụ thể hóa Nghị quyết này, ngày 2/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược nêu rõ, Việt Nam sẽ tập trung thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ; đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường… “Tức là, để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục gia tăng quy mô và tốc độ thu hút đầu tư FDI nhằm phát huy vai trò tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và xây dựng nền kinh tế xanh”, ông Trí nói.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Trang Trending Topics ngày 15/10 dẫn báo cáo mới nhất từ tổ chức Economist Intelligence Unit – EIU (Anh) xếp Việt Nam đứng đầu danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua, tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Tháng 10 vừa qua, Bloomberg (Mỹ) có bài nhận định, Việt Nam khôn khéo tận dụng xu hướng dịch chuyển sản xuất để thúc đẩy dòng vốn FDI công nghệ cao. Để làm được điều này tốt hơn, hãng tin khuyến nghị, Việt Nam nên chú trọng xây dựng sức mạnh nội tại như: nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, cải thiện hạ tầng và đa dạng hóa nền kinh tế để thăng hạng trong chuỗi giá trị. Việt Nam cũng có thể bắt đầu với việc đòi hỏi sự đóng góp nhiều hơn từ các tập đoàn công nghệ lớn.
Tại Hội thảo nói trên, GS. Nguyễn Thị Xuân Thuý đề xuất, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số FDI để tận dụng được tối đa những lợi ích từ việc thu hút FDI, từ đó có cơ sở dữ liệu phục vụ cho cơ quan tư vấn chính sách nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn FDI lên nền kinh tế. Đồng thời, cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư, chuyển từ ưu đãi trước đầu tư sang ưu đãi sau đầu tư kết hợp với đa dạng hoá nhà đầu tư, tránh phụ thuộc quá mức vào một vài nhà đầu tư lớn.
Ngoài ra, các giải pháp đã được nhắc nhiều lần là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như: đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…
Thời gian gần đây, báo chí quốc tế đưa ra nhiều đánh giá, dự báo tích cực về phát triển kinh tế Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng trong ASEAN, dự báo GDP năm 2024 đạt 7%, có tiềm năng để phát triển thành nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam đứng đầu danh sách 10 quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất. Và, trong bối cảnh hiện nay, đã đến lúc Việt Nam cần chọn lọc trong thu hút FDI để nguồn vốn thực sự góp phần là động lực phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/fdi-dong-luc-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi-293752.html