Powered by Techcity

Thúc tiến độ Đề án metro 72,03 tỷ USD; Đầu tư 19.784 tỷ đồng xây cao tốc Nam Định

Thúc tiến độ Đề án metro 72,03 tỷ USD; Đầu tư 19.784 tỷ đồng xây cao tốc Nam Định – Thái Bình

Thúc tiến độ Đề án phát triển metro TP. Hà Nội, TP. HCM trị giá 72,03 tỷ USD; Đầu tư 19.784 tỷ đồng xây 60,9 km cao tốc Nam Định – Thái Bình 4 làn xe…

 

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Thúc tiến độ Đề án phát triển metro TP. Hà Nội, TP. HCM trị giá 72,03 tỷ USD

UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM được đề nghị tập trung nguồn lực để rà soát thủ tục, hoàn thiện hồ sơ Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035 trước ngày 8/11/2024.

Một đoạn tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên
Một đoạn tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên sắp được UBND TP.HCM đưa vào khai thác.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM liên quan đến Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội, TP. HCM đến năm 2035.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị hai thành phố tập trung nguồn lực, rà soát thủ tục, hoàn thiện hồ sơ Đề án và gửi Bộ GTVT trước ngày 8/11/2024 để triển khai các thủ tục tiếp theo; đồng thời, bố trí nhân sự, cung cấp đầy đủ hồ sơ, chủ động phối hợp với Bộ GTVT hoàn thiện Đề án, Tờ trình, Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổng hợp 1 hồ sơ Đề án trình Thường trực Chính phủ trước ngày 10/10/2024.

Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT mới nhận được hồ sơ báo cáo Đề án của UBND TP. HCM, chưa nhận được hồ sơ báo cáo Đề án của UBND TP. HCM nên việc tổng hợp hồ sơ Đề án đã chậm hơn so với chỉ đạo của Phó thủ tướng.

Để bảo đảm tính thống nhất nội dung Đề án, Bộ GTVT đề nghị hai thành phố sớm rà soát, xác định suất đầu tư đường sắt đô thị (đi trên cao và đi ngầm); cơ sở lựa chọn công nghệ; khả năng làm chủ công nghệ, vận hành, khai thác (xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe); nhu cầu và phương án đào tạo nhân lực; phương án huy động nguồn lực; mô hình quản lý, khai thác; cơ chế, chính sách thực hiện…

Bên cạnh đó, ngày 17/10/2024, Bộ tài chính đã tổ chức cuộc họp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM để tính toán, đánh giá tác động nợ công khi triển khai đồng bộ các Dự án đầu tư đường sắt trọng điểm quốc gia.

“Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm có báo cáo đánh giá tác động tổng hợp nợ công khi triển khai các dự án đầu tư”, công văn cùa Bộ GTVT nêu rõ.

Trong báo cáo Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035 được Bộ GTVT tổng hợp gửi lãnh đạo Chính phủ vào giữa tháng 9/2024, các mục tiêu phủ kín mạng lưới đường sắt đô thị 2 địa phương nói trên đã được định hình tương đối rõ.

Theo đó, TP. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 598,5 km đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2030, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 96,8 km; đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng  , đảm nhận 50-55% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2045, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 200,7 km, đảm nhận 65-70% thị phần vận tải hành khách công cộng và hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô điều chỉnh.

Trong khi đó, UBND TP. HCM đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 510,02 km đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 183 km, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2045 phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 168,36 km, đảm nhận 40-50% thị phần vận tải hành khách công cộng; đến năm 2060, phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 158,66 km, đảm nhận 50- 60% thị phần vận tải hành khách công cộng và hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch TP. HCM và Quy hoạch chung xây dựng TP. HCM điều chỉnh.

Các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. HCM khi hoàn thành không chỉ làm thay đổi diện mạo giao thông 2 đô thị lớn nhất mà còn góp phần giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.

Để bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư, khai thác, Bộ GTVT đề xuất một số thông số kỹ thuật chung chủ yếu cho hệ thống đường sắt đô thị tại 2 thành phố: khổ đường 1.435 mm, đường đôi; tốc độ thiết kế 80- 160 km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580,8 km; đến năm 2045 hoàn thành khoảng 369,1 km (TP. Hà Nội khoảng 200,7km; TP. HCM khoảng 168,4 km); đến năm 2060 hoàn thành khoảng 158,66 km tại TP. HCM/

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố như sau: đến năm 2035, cần khoảng 72,03 tỷ USD; đến năm 2045, cần khoảng 44,43 tỷ USD; đến năm 2060 cần khoảng 40,61 tỷ USD. Trong đó đến năm 2030, đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 11,82 tỷ USD và đến năm 2035, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 6,29 tỷ USD.

Lùi thời gian nộp đề xuất Dự án PPP đường sắt Việt Lào trị giá 27.485 tỷ đồng

Liên danh nhà đầu tư đề xuất lùi thời gian trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ theo phương thức PPP.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vừa đề nghị Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh thời gian đệ trình hồ sơ thẩm định, phê duyệt hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ.

Theo đó, Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả sẽ trình hồ sơ báo cáo đầu kỳ vào ngày 26/11/2024; trình hồ sơ báo cáo cuối kỳ vào sau đó 1 tháng và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở vốn ngân sách Nhà nước được dự kiến bố trí (nếu có) vào giữa tháng 1/2025.

Vào tháng 10/2023, Bộ GTVT chấp thuận Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào – Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt này theo phương thức PPP.

Liên danh phải nộp hồ sơ đề xuất dự án tại trụ sở Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) trước ngày 10/10/2024. Trường hợp quá thời hạn nêu trên, nhà đầu tư đề xuất không trình nộp hồ sơ theo quy định, được hiểu nhà đầu tư đề xuất không còn quan tâm nghiên cứu dự án.

Được biết, hiện đơn vị tư vấn đã cơ bản thực hiện xong công tác khảo sát hiện trường, đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua Công ty Thương mại Dầu khí Lào đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô và sự tái cấu trúc của công ty mẹ do đó chưa có sự phối hợp tốt để Liên danh Nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu vận tải (hàng/khách) cho dự án phụ thuộc vào kết quả dự báo của Dự án đường sắt Vientiane – Thakhek – Mụ Giạ, hiện nay dự án này vẫn chưa có kết quả cụ thể.

Đối với nội dung kỹ thuật công nghệ, liên danh nhà đầu tư cần có nhiều thời gian để lựa chọn và đánh giá cũng như tham khảo các công nghệ kỹ thuật đường sắt khác nhau từ Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản…

Ngoài ra, cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng các điểm đặt ga, công tác đấu nối trong nước, quốc tế để phù hợp với các quy hoạch liên quan, cũng như nghiên cứu các phương án đầu tư phù hợp đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên tham gia thực hiện Dự án.

Dự án đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng, nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Đây là dự án quan trọng, nằm trong tổng thể Dự án đường sắt Việt – Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.

Vào tháng 3/2022, FLC và Công ty Thương mại Dầu khí Lào cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng kết nối Lào – Việt Nam.

Tuyến đường sắt Vientiane – Vũng Áng có tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa bàn 2 nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP.

Trong đó, đoạn Mụ Giạ – Tân Ấp – Vũng Áng cũng được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Vientiane tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc, kỳ vọng sẽ tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.

Điểm cuối của tuyến đường sắt này là cảng Vũng Áng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế của 2 nước thông qua trao đổi thương mại và vận tải hàng hải, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Gần 27,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, xu hướng tăng đang chậm lại

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 10 tháng đạt gần 27,26 tỷ USD, chỉ còn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý, vốn đăng ký mới đã giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Dự án tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD của Amkor đã giúp vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh duy trì “phong độ”.

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 31/20/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số này, về đăng ký mới, có 2.743 Dự án, với tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD, tương ứng tăng 1,4% và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, về điều chỉnh vốn, có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 6%, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Còn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, 10 tháng, có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% và giảm 29% so với cùng kỳ.

Nhìn vào những con số trên, có thể thấy, dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tích cực, nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. 10 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ còn tăng 1,9%, giảm 9,7 điểm phần trăm so với mức tăng của 9 tháng.

Đặc biệt, vốn đầu tư mới đã giảm 2,5% sau một thời gian tăng khá mạnh. Số dự án đăng ký mới cũng chỉ còn tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Và nguyên nhân được Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra là do các dự án đầu tư mới trong tháng 10/2024 có quy mô nhỏ, chỉ có số ít dự án có vốn đầu tư từ trên 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10/2023 có 3 dự án có vốn đầu tư lớn từ trên 500 triệu USD đến 1,5 tỷ USD.

Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng đang tiếp tục xu hướng giảm. Ngược lại, vốn đầu tư điều chỉnh trong 10 tháng vẫn đang duy trì mức tăng mạnh (41,7%). Đây chính là một điểm tích cực liên quan đến bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam kể từ đầu năm tới năm.

Một điểm tích cực khác, đó là vốn giải ngân vẫn duy trì phong độ. Con số được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, 10 tháng, có khoảng 19,58 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng là một xu hướng tích cực, đó là nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng… được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 10 tháng.

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như Bắc Ninh, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Ninh Thuận. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,9% số dự án mới và 70,9% số vốn đầu tư của cả nước trong 10 tháng.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm gần 62,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về đối tác đầu tư, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông…

Đà Nẵng cần 538 tỷ đồng đầu tư nút giao Quốc lộ 14B nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

Tổng mức đầu tư dự kiến nút giao Quốc lộ 14B kết nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 538 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng kiến nghị vốn ngân sách Trung ương 269 tỷ đồng, Thành phố sẽ bố trí số vốn còn lại.

Tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan đang được đầu tư xây dựng.

Ngày 5/11, Sở Giao thông – Vận tải Đà Nẵng cho biết, UBND Thành phố vừa đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải xin chủ trương đầu tư nút giao Quốc lộ 14B kết nối cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (nút giao Túy Loan).

Theo UBND TP.Đà Nẵng, nút giao Tuý Loan đã được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2018, gồm các tuyến chính đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan với quy mô 4 làn xe; nhánh tuyến QL.14B gồm 2 làn cơ giới và 1 làn tách nhập mỗi phía.

Tuy nhiên, theo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Hòa Liên – Túy Loan đầu tư đủ quy mô 6 làn xe trước năm 2030; tuyến Quốc lộ 14B 14B theo Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy mô 6 làn xe.

Vì vậy, Thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải thống nhất đầu tư hoàn chỉnh phần cầu đảm bảo tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch của Thành phố Đà Nẵng nhằm đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu trong tương lai của thành phố.

Tổng mức đầu tư dự kiến sau khi điều chỉnh quy mô dự kiến 538 tỷ đồng.

Thành phố đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để Thành phố Đà Nẵng thực hiện Dự án, khoảng 269 tỷ đồng, tương ứng 50% tổng mức đầu tư, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và năm 2025.

Thành phố Đà Nẵng bố trí phần vốn còn lại để thực hiện dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 417/TB-VPCP ngày 13/9/2024.

Theo UBND TP.Đà Nẵng, việc tách hạng mục nút giao Túy Loan thành dự án độc lập và giao cho thành phố làm cơ quan chủ quản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong thời gian tới.

Việc đầu tư nút giao Quốc lộ 14B với cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi không chỉ mang lại lợi ích cho hạ tầng giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Kiến nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân tài sản của Dự án BOT Quốc lộ 51

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Bộ tài chính kiến nghị bộ này sớm xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Dự án mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900-Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.

Một đoạn Quốc lộ 51 qua Đồng Nai.
Một đoạn Quốc lộ 51 qua Đồng Nai.

Bộ GTVT cho biết, công tác quản lý, bảo trì tuyến chính của Quốc lộ 51 là rất cấp thiết; đồng thời, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng… trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tổ chức quản lý, khai thác tài sản đảm bảo giao thông được liên tục, thông suốt và an toàn.

“Do vậy, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Tài chính thống nhất xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản đã được doanh nghiệp dự án bàn giao cho Cục đường bộ Việt Nam để hỗ trợ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo trì và khai thác tài sản theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng vừa qua, Bộ Tài chính được đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản của Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Được biết, các tài sản này đã được nhà đầu tư đề nghị tạm dừng công tác bảo trì dự án và bàn giao tài sản Dự án cho Cục đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 1/2023.

Đến ngày 19/4/2023, nhà đầu tư Dự án là BVEC đã bàn giao 72,7 km bao gồm chiều dài đường và chiều dài cầu trên 25 m thuộc đoạn tuyến từ Km0+900- Km73+600 Quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa bàn giao nhà điều hành, hệ thống thiết bị thu phí, cũng như các tài sản khác phục vụ cho Dự án.

Để đảm bảo việc quản lý, bảo trì khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được liên tục, đảm bảo an toàn giao thông, nhằm bảo vệ, kéo dài thời gian khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, Cục đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận các hạng mục tài sản BVEC bàn giao để thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo quản tài sản.

Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Vào cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát văn bản số 137/CĐBVN tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023 trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa kết thúc.

Hiện còn  2 nội dung chưa đạt được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến hợp đồng phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là phí bảo toàn vốn chủ sở hữu 8,7%/năm và thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

Vào cuối tháng 10/2024, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có liên quan khẩn trương giải quyết các tồn tại của Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách để ưu tiên đầu tư hạ tầng

UBND TP.HCM vừa báo cáo tổng kết Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2026 – 2030 (thuộc Chương trình đột phá đổi mới quản lý TP.HCM).

Nút giao nối giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành với Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Báo cáo tổng kết cho thấy, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố liên tục giảm từ 33% vào năm 2000 xuống còn 18% giai đoạn 2017 – 2020. Đến giai đoạn 2022 – 2025 tăng lên 21%

Trong khi, Thành phố cần nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vì thời gian qua, Thành phố có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước (khoảng 23% GDP quốc gia).

Hơn nữa, Thành phố có số thu ngân sách chuyển về Trung ương cao nhất cả nước với mức đóng góp hàng năm là 27% số thu ngân sách cả nước.

Thế nhưng, Thành phố đang đối diện với nhiều thách thức mới ngày càng gia tăng như: tăng trưởng kinh tế so với cả nước giảm, tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước giảm, sự vượt trội về tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh cũng giảm, hạ tầng giao thông bất cập, cản trở lớn sự phát triển nhanh hơn, bền vững của Thành phố.

Tháng 8/2020, Thành ủy TP.HCM có Tờ trình gửi Bộ Chính trị về chủ trương thực hiện Đề án điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố trong giai đoạn 2022 – 2025 là 23% và giai đoạn 2026 – 2030 là 26%. Tuy nhiên, Thành phố chỉ được chấp thuận ở mức 21%.

Việc được giữ lại 21% ngân sách đã giúp Thành phố có nguồn lực đầu tư cho các Dự ánhạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đề xuất giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố ở mức 21% đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn 21% trong các năm tiếp theo để tạo điều kiện cho Thành phố có nguồn lực đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và thực hiện các nhiệm vụ, đột phá chiến lược.

Về giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn lực chi đầu tư phát triển, Thành phố tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm.

Thành phố sẽ rà soát, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ.

Phần vốn nhà nước trong dự án PPP để “hỗ trợ” chứ không phải “góp vốn”

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với một số trường hợp cụ thể.

,
Áp dụng phương thức đầu tư PPP sẽ mang lại hiệu quả đầu tư lâu dài khi nhà đầu tư tư nhân cam kết tổ chức kinh doanh, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình trong 20-30 năm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì nếu sử dụng 70% vốn nhà nước thì nên làm đầu tư công. Cũng có ý kiến đề nghị không cần quy định hạn mức sử dụng vốn nhà nước, tỷ lệ cụ thể sẽ được xác định căn cứ vào phương án tài chính của từng Dự án.

Đặc biệt, có ý kiến đề nghị làm rõ khi sử dụng 70% vốn nhà nước, thì doanh nghiệp dự án PPP sẽ có 70% là vốn góp nhà nước, 30% là vốn tư nhân, trở thành doanh nghiệp nhà nước.

Trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ: Tại Tờ trình số 675/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo cụ thể về thực tiễn triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn.

Các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi thu hút đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Trong trường hợp đầu tư toàn bộ các công trình cấp thiết nêu trên bằng đầu tư công thì áp lực đối với ngân sách nhà nước là rất lớn, không bảo đảm khả năng cân đối.

“Bên cạnh đó, áp dụng phương thức đầu tư PPP sẽ mang lại hiệu quả đầu tư lâu dài khi nhà đầu tư tư nhân cam kết tổ chức kinh doanh, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình trong 20-30 năm, ngân sách nhà nước sẽ không phải bố trí để thực hiện các hoạt động này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải những trường hợp có thể áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%, tới 70% tổng mức đầu tư.

Hơn thế, quy định một hạn mức vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP cũng là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với dự án (đầu tư công hay đầu tư PPP); làm điều kiện để xác định khả năng cân đối, bố trí ngân sách trong từng thời kỳ.

Việc quy định hạn mức vốn nhà nước cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ của ngân sách nhà nước để thu hút nhà đầu tư tư nhân nhưng vẫn bảo đảm có điều kiện cụ thể để tránh áp dụng tràn lan, không đáp ứng hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, theo quy định của Luật PPP và theo thông lệ quốc tế, phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP mang tính chất “hỗ trợ” nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính cho dự án, không mang tính chất “góp vốn” vào doanh nghiệp để phân chia lợi nhuận.

Vì vậy, doanh nghiệp dự án PPP do nhà đầu tư thành lập là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp và tuân thủ hợp đồng dự án đã ký kết. Phần vốn nhà nước sẽ được thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo tiến độ, tỷ lệ được cam kết tại hợp đồng.

Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành

Ngày 6/11, Chính phủ đã có Tờ trình số 747/CP – TTr gửi Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, trên cơ sở sự cần thiết đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 về chủ trương đầu tư Dự án và Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2018 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 của Dự án tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện Giai đoạn 1 tại khoản 6 Điều 2 của Nghị quyết số 94/2015/QH13 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác”.

Thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư Giai đoạn 1 tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 95/2019/QH14 thành: “đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm”.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thị điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Như vậy, ngoài việc tiến độ hoàn thành được nới đến cuối năm 2026 thay vì cuối năm 2025, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ có thêm 1 đường cất hạ cánh.

Tại Tờ trình số 747, Chính phủ cho biết, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định Giai đoạn 1 của Dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc của Cảng.

Trường hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất hạ cánh số 1 thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Long Thành.

Trong Giai đoạn 2, Dự án sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở ở phía Nam của Cảng  (đường cất hạ cánh số 2) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm; Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất hạ cánh gồm 1 đường cất hạ cánh ở phía Bắc (đường cất hạ cánh số 3)  và 1 đường cất hạ cánh ở phía Nam (đường cất hạ cánh số 4) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư Dự án thành phần 3 nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất hạ cánh số 1 đang đầu tư 400 m về phía Bắc, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với Giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, việc có thêm đường cất hạ cánh thứ 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh gặp sự cố.

Được biết, theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có thể phục vụ khoảng 50 triệu hành khách/năm. Năm 2023, sản lượng khai thác của Tân Sơn Nhất đã đạt trên 41 triệu hành khách. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không của TP.HCM và các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu hành khách/năm”.

Như vậy, trường hợp đường cất hạ cánh số 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành gặp sự cố thì sẽ phải chuyển các chuyến bay sang Tân Sơn Nhất. Khi đó Tân Sơn Nhất sẽ bị quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không, làm phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng tới môi trường.

Vì vậy, việc xây dựng ngay ddường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác Giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đường cất hạ cánh số 1 xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Tân Sơn Nhất; đồng thời hỗ trợ tốt cho Tân Sơn Nhất trong trường hợp gặp sự cố.

Trường hợp sau khi Giai đoạn 1 đưa vào vận hành mới đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 sẽ làm gián đoạn khai thác Cảng do phải đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật… với đường cất hạ cánh số 1.

Ngoài ra việc xây dựng đường cất hạ cánh số 3 sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác Cảng do bụi đất phát sinh trong quá trình thi công.

Chính phủ cho biết, hiện nay, để đảm bảo tĩnh không khai thác của đường cất hạ cánh số 1, nền của đường cất hạ cánh số 3 đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế, chỉ cần xây dựng kết cấu mặt đường và lắp đặt trang thiết bị là có thể khai thác.

Do vậy, chi phí đầu tư chỉ khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng nên không vượt tổng mức đầu tư 99.019 tỷ đồng của Dự án thành phần 3 do ACV thực hiện.

Như vậy, với chi phí đầu tư không tăng nhưng năng lực và hiệu quả khai thác của Cảng tăng lên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 của Dự án.

Bên cạnh đó, việc đầu tư ngay đường cất hạ cánh số 3 trong Giai đoạn 1 có nhiều thuận lợi như: phù hợp với Quy hoạch cảng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mặt bằng đã được giải phóng và giao cho ACV; nền đường đã được san gạt cơ bản đến cao độ thiết kế; tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; nguồn vốn đã được ACV thu xếp do vẫn nằm trong tổng mức đầu tư được duyệt.

“Việc đầu tư này, không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư Giai đoạn 1 và Giai đoạn 2 của Dự án mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, qua đó giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia”, Chính phủ khẳng định.

Đà Nẵng dự kiến khởi công dự án hơn 817 tỷ đồng vào năm 2025

Dự án Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên đã được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 15/12/2022. UBND thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng ngày 11/4/2024 và giao Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Dự án Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh Khu Công nghệ cao về kênh thoát lũ Hòa Liên với mức đầu tư hơn 817 tỷ đồng.

Dự án sẽ đầu tư tuyến kênh và hồ điều tiết, bao gồm kênh phía Nam dài 1,64 km, kênh phía Bắc dài 0,574 km, hai hồ điều tiết, các công trình thoát nước ngang, giao thông, đường dây trung thế, trạm biến áp, chiếu sáng và hoàn trả kênh thủy lợi… với tổng mức đầu tư là 817,186 tỷ đồng.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Ban Quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp và công nghệ cao Đà Nẵng cũng đang phối hợp với UBND huyện Hòa Vang triển khai công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Trong đó, đã kiểm đếm 528/874 hồ sơ.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, Dự án Tuyến thoát nước chính từ hạ lưu kênh thoát nước Khu công nghệ cao về kênh thoát lũ xã Hòa Liên dự kiến sẽ khởi công vào tháng 5/2025. Dự án này thuộc nhóm các công trình, dự án khởi công và hoàn thành chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược giải ngân toàn bộ vốn trong 5 năm là rất khó

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ, chiều 7/11, ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), đã thông tin về những vướng mắc, khó khăn phát sinh sau một năm thực hiện Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Trọng Tín

Theo ông Phạm Tuấn Anh, sau một năm Nghị quyết 98 đi vào thực tế, Thành phố đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đầu tiên là liên quan đến nội dung xác định nhà đầu tư chiến lược để hưởng mức ưu đãi, hình thức ưu đãi, tham gia đầu tư theo các quy định, thủ tục đơn giản hơn so với quy định hiện hành.

Theo Nghị quyết 98, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ đầu tư tham gia Dự án lớn.

“Ví dụ như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có số vốn rất lớn. Ngoài đầu tư xây dựng, cảng cần điều chuyển nguồn hàng về theo công suất thiết kế nên cần nhiều thời gian. Vừa qua, khi thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Thủ tướng khó khăn này, việc giải ngân hết tổng vốn trong 5 năm là rất khó và làm giảm tính khả thi của dự án”, ông Tuấn Anh nói.

Thứ hai, Nghị quyết 98 cho phép sử dụng ngân sách của TP.HCM để hỗ trợ các địa phương khác đối với dự án liên vùng, các dự án mang tính kết nối. Ví dụ như dự án vành đai 3, vành đai 4 và một số tuyến đường cao tốc.

Thành phố có thể hỗ trợ một phần ngân sách để thực hiện các hạng mục trong dự án đường vành đai. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục về việc các địa phương khác tiếp nhận, phê duyệt nguồn vốn này còn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ông Tuấn Anh cho rằng nội dung này còn gây lúng túng cho Thành phố và các địa phương khi triển khai. UBND Thành phố đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và HĐND kiến nghị Quốc hội cập nhật, bổ sung nội dung này vào Luật Đầu tư công, hoặc sửa đổi, bổ sung, làm rõ thêm trong Nghị quyết 98.

Một vướng mắc khác được ông Phạm Tuấn Anh trình bày là Nghị quyết 98 cho phép thực hiện các dự án PPP tại địa bàn TP. Thủ Đức. Thực tế, TP. Thủ Đức đã được phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục cho các dự án, tuy nhiên, trình tự các bước thực hiện vẫn chưa được làm rõ và cần bổ sung.

Hơn 40 doanh nghiệp Đức đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư

Ngày 7/11, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp và làm việc đoàn hơn 40 doanh nghiệp Đức do ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam làm trưởng đoàn đến Đồng Nai tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp Đức. 

Tại buổi làm việc, thông tin đến các doanh nghiệp Đức, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay có 12 Dự án của doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Đồng Nai với số vốn đầu tư trên 273 triệu USD.

Các doanh nghiệp Đức hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Đồng Nai đạt hiệu quả và chấp hành tốt các quy định pháp luật về đầu tư, môi trường, xây dựng, lao động…, có đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến năm 2026 sân bay quốc tế Long Thành tại Đồng Nai sẽ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1. Dự án này sẽ tạo động lực phát triển không chỉ cho Đồng Nai mà cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khi đó, tỉnh Đồng Nai sẽ có đầy đủ các phương thức vận tải gồm: đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, để tăng thu hút đầu tư vào địa phương.

Với cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện, ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nhận định, Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Đức nhờ khả năng kết nối dễ dàng với các cảng biển và sân bay cùng cơ sở hạ tầng đang phát triển.

Điều này được thể hiện qua việc tỉnh đã thu hút được một số dự án nổi bật của doanh nghiệp Đức trong một năm qua như dự án của Công ty TNHH Ziehl-Abegg Việt Nam tại huyện Nhơn Trạch; dự án Nhà máy Pearl Việt Nam tại huyện Long Thành.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp của Đức đang đầu tư tại Đồng Nai như Bosch, Schaeffler, Bayer, Neumann Gruppe, Friwo, Framas…mở rộng đầu tư.

“Tôi rất ấn tượng với môi trường mở cửa và chuyên nghiệp mà Đồng Nai đang xây dựng đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đức”, ông Alexander Ziehe đánh giá.

Dù vậy, tại buổi làm việc, một số doanh nghiệp của Đức đang đầu tư tại Đồng Nai phản ánh, đang gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; tình trạng tắc nghẽn ở các khu vực cảng và khu công nghiệp, gây chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa; doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục cấp visa và giấy phép cho các chuyên gia và quản lý cấp cao.

Các doanh nghiệp Đức kiến nghị, UBND tỉnh Đồng Nai cần đơn giản hóa quy trình hành chính, rút ngắn quy trình cấp giấy phép phê duyệt môi trường, cấp giấy phép lao động. Doanh nghiệp cũng kiến nghị, Đồng Nai xem xét giảm thuế cho các doanh nghiệp mở rộng hoặc tái đầu tư.

Tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp Đức, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành, Cục Thuế, Cục Hải quan… ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để xem xét, giải quyết và khắc phục nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, Chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất và kinh doanh tại tỉnh.

Đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM ưu tiên nguồn vốn từ PPP 

Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM vừa có văn bản số 14660/SGTVT-KH báo cáo UBND TP.HCM về việc hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 4, TP.HCM.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4, TP.HCM.

Theo báo cáo hiện nay, Sở Giao thông – Vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể Dự án đuờng Vành đai 4 TP.HCM.

Ngày 25/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trên cơ sở báo cáo của lãnh đạo các địa phương, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thống nhất với các địa phương một số nội dung để đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án đường Vành đai 4, TP.HCM.

Trong đó, nghiên cứu các phương thức đầu tư để đề xuất phương thức đầu tư phù hợp, khả thi theo nguyên tắc ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP (lưu ý cập nhật phương thức BT hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội).

Trường hợp phải bố trí vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án để tăng tính khả thi thì các địa phương ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương.

Các địa phương có thể đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện dự án thành phần qua địa phương mình (nếu cần).

Để đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố có văn bản gửi UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị rà soát, sớm hoàn thiện hồ sơ các dự án thành phần trên địa bàn theo nội dung đã thống nhất trong cuộc họp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/10/2024.

Quảng Trị sắp có thêm bệnh viện quy mô 250 giường

Vừa qua, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Quân y 268 (cơ sở mới), Quân khu 4 đang tiến hành lựa chọn nhà thầu để thực hiện Dự án Bệnh viện Quân y 4 (cơ sở 2) thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 4.

Phối cảnh Bệnh viện Quân y 4
Phối cảnh Bệnh viện Quân y 4

Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, bao gồm 6 gói thầu xây lắp và hiện đang được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Các gói thầu cụ thể gồm: Gói thầu XL-04 thi công khối nhà chính (176,997 tỷ đồng); Gói thầu XL-05 thi công nhà rác thải rắn, nhà trạm điện, khí y tế (36,953 tỷ đồng); Gói thầu XL-06 thi công nhà khoa nội truyền nhiễm (43,809 tỷ đồng); Gói thầu XL-07 thi công nhà ở cán bộ, nhân viên (46,64 tỷ đồng); Gói thầu XL-08 thi công hệ thống điều hòa không khí, PCCC (78,471 tỷ đồng); Gói thầu XL-10 thi công hệ thống cấp điện ngoài nhà, đường dây 22kV, trạm biến áp (7,2 tỷ đồng).

Công trình gồm các hạng mục khối bệnh viện quy mô 250 giường bệnh, khối doanh trại, gồm: nhà làm việc cơ quan, hội trường, nhà trực ban, nhà ở chỉ huy, nhà khách, nhà ở cán bộ, nhân viên, nhà ăn, nhà thể thao đa năng, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, doanh cụ kèm theo… với tổng diện tích sàn khoảng 34.000 m2. 

Dự án được xây dựng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị với thiết kế nhằm phục vụ công tác “kết hợp quân dân y”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại 3 tỉnh phía Nam Quân khu 4 là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế cũng như nước bạn Lào. 

Dự kiến, các gói thầu sẽ được mở thầu vào ngày 13 và 17/11/2024.

Đầu tư 19.784 tỷ đồng xây 60,9 km cao tốc Nam Định – Thái Bình 4 làn xe

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký Quyết định số 1799/QĐ – UBND phê duyệt Dự ánđầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, đoạn qua tình Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP. Đây là công trình do Tập đoàn Geleximco là nhà đầu tư đề xuất dự án.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự án có điểm đầu (Km 19+300) tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối (Km80+200) tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 60,9 km (trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định dài 27,6 km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình dài 33,3 km) sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,5 m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Dự án sẽ xây dựng 23 cầu trên chính tuyến, trong đó cầu dài nhất là cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình và Nam Định dài 1.115 m; 4 cầu vượt ngang; 4 nút giao; hệ thống quản lý giao thông ứiông minh.

Trên tuyến dự kiến xây dựng 1 trạm dừng nghỉ tại Km 33+500 (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) và 1 trạm tại Km 51+900 (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Phương án đầu tư, kinh doanh, khai thác trạm dừng nghỉ thực hiện theo quy định của pháp luật (không thuộc phạm vi dự án này).

Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 538,44 ha (bao gồm cả diện tích quy hoạch các khu tái định cư; không bao gồm diện tích trạm dừng nghỉ), trong đó đất ở khoảng 8,91 ha; đất nông nghiệp khoảng 453,85 ha; đất xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo khoảng 0,38 ha; đất sản xuất kinh doanh khoảng 2,1 ha; đất phi nông nghiệp khác khoảng 73,2 ha (bao gồm loại đất: giao thông, thủy lợi, đất nghĩa trang, đất công trình năng lượng).

Với quy mô đầu tư như trên, tổng mức đầu tư Dự án không bao gồm lãi vay là 19.149,275 tỷ đồng; tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay là 19.784,55 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án là từ nãm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2027, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2028.

Tại Dự án này, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp là 10.447,55 tỷ đồng (52,81%); vốn Nhà nước là 9.337,00 tỷ đồng (47,19%) được dành cho công tác hỗ trợ xây dựng công trinh, hệ thống cơ sở hạ tầng 6.200,00 tỷ đồng và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 3.137 tỷ đồng.

Với tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư là 10,78%/nãm; lãi suất vốn vay 9,33%/năm; mức giá vé khởi điểm (năm 2028) cho 5 nhóm phương tiện lần lượt là: 2.100 – 3.000 – 4.400 – 8.000 -12.000 (đồng/km)… Dự án sẽ thu phí hoàn vốn trong vòng 25 năm 4 tháng.

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án là đấu thầu rộng rãi trong nước; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư quý 4/2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình quản lý phần vốn của nhà nước tham gia trong dự án bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đơn vị này cũng sẽ chủ trì, phối họp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ mời thầu, trình cấp có tham quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy đừứi của pháp luật.

Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối các tỉnh khu vực Nam sông Hồng, khu vực Bắc miền Trung với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, kết nối các tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Hồng; đầu tư tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; góp phần đảm bảo an toàn giao thông; giảm chi phí logistics.

Sau khi tuyến đường hình thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc như cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, Quốc lộ 21, Quốc lộ 37 mới; các trục phát triển kinh tế  như đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình – Cồn Vành.

Đồng thời, giúp kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, sân bay quốc tế Vân Đồn, các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Với tính chất, vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương duyên hải Bắc Bộ.

Quý IV/2024, dự kiến cấp phép thêm 4 mỏ cát cho Dự án Vành đai 3 – TP.HCM

Ban giao thông TP.HCM cho biết đã có 6 mỏ cát được cấp phép và đang cung cấp cát cho Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM. Dự kiến trong quý IV/2024 sẽ có thêm 4 mỏ cát được cấp phép.

Thi công đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Thông tin được Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết ngày 7/11.

Theo Ban giao thông TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM đã đạt 99,8% và dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2024. Trong quá trình thực hiện dự án cũng đã gặp rất nhiều trường hợp khó khăn dẫn đến quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bị kéo dài.

Nguyên nhân là do tình trạng mua bán qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý; nguồn gốc qua nhiều thời kỳ, nhiều mô hình quản lý khác nhau (đất tập đoàn, nông trường, sử dụng trước giải phóng…).

Trên địa bàn huyện Bình Chánh có nhiều trường hợp người dân sở hữu diện tích nhỏ, chi phí bồi thường không đủ để thực hiện các thủ tục tài chính về tái định cư dẫn đến việc ổn định nơi ở mới gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tỷ lệ đất ở một số địa phương như TP. Thủ Đức khá lớn, nhiều hồ sơ pháp lý phức tạp, cần nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục và tiềm ẩn khả năng khiếu kiện, tranh chấp.

Về việc đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, Ban giao thông cho biết, các địa phương đã cam kết hỗ trợ cho Dự án Vành đai 3 TP.HCM tổng khối lượng 10 triệu m3 cát, trong đó Vĩnh Long: 1,4 triệu m3; Tiền Giang: 6,6 triệu m3 và Bến Tre: 2,0 triệu m3.

Các địa phương đã hỗ trợ và quyết liệt trong công tác triển khai cấp phép khai thác mỏ. Hiện tại đã hoàn thành thủ tục cấp phép và đang cung cấp cát cho Dự án được 6/13 mỏ, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành cấp phép được tổng số 10/13 mỏ.

Đến nay, các nhà thầu đã chủ động huy động từ các nguồn cát thương mại trong nước, cát Campuchia và cát được hỗ trợ cung cấp từ các địa phương để đảm bảo tiến độ thi công xử lý nền đất yếu và các công tác phụ trợ của dự án.

Ban Giao thông cùng với các nhà thầu thi công tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mô tiếp theo và chủ động phối hợp cung cấp vật liệu về công trường từ các mỏ cát được các địa phương hỗ trợ để đảm bảo tiến độ của dự án.

Dự án đường Vành đai 3 vùng TP.HCM dài 76 km, đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng. Dự án khởi công vào giữa năm 2023, hoàn thành phần đường chính vào năm 2025. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay tại dự án này là việc thiếu cát đắp nền đường.

Hơn 3 năm, Khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa chỉ giải phóng được 10 ha mặt bằng

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu vừa có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu huyện Núi Thành, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh phối hợp giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục và các nội dung tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án.

Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết…

Theo kiến nghị của Công ty cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị An An Hòa, chủ đầu tư thực hiện dự án Khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa, GPMB của dự án hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Theo doanh nghiệp này, tính đến nay đã được 3 năm 6 tháng kể từ ngày Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì công tác bồi thường chỉ thực hiện được 10,66ha/435,6ha.  

Công ty cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị An An Hòa đề nghị tỉnh Quảng Nam quan tâm giải phóng mặt bằng cho dự án, để sớm khởi công xây dựng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Dự án Khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa được điều chỉnh tiến độ thực hiện theo 4 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ đầu tư trên diện tích khoảng 111ha; giai đoạn 2 sẽ đầu tư diện tích khoảng 137 ha; giai đoạn 3 có diện tích khoảng 147 ha; giai đoạn 4 sẽ đầu tư diện tích còn lại của dự án 40,8ha… Dự án dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2028.

Tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa (huyện Núi Thành).

Dự án do Công ty cổ phần Khu công nghiệp và Đô thị An An Hòa thực hiện với quy mô sử dụng đất 435,8 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.540 tỷ đồng; trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 462 tỷ đồng.

Kon Tum cho thuê hơn 175.618 m2 đất thực hiện Dự án Thủy điện Đăk Tô 1

UBND tỉnh Kon Tum vừa quyết định cho Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 thuê 175.618,11 m2 đất tại thôn Măng Krí, xã Ngọk Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum để xây dựng Thủy điện Đăk Lô 1.

Trong đó, diện tích công trình ngầm 8.481,61 m2; diện tích mặt đất, mặt nước 167.136,5 m2. Trong đó, nhà quản lý điều hành nhà máy: 6.176,7 m2; đường vận hành VH: 55.971,4 m2; kênh xả (cửa xả): 3.116,6 m2; tuyến đập cửa chính: 21.602,2 m2; tuyến đập phụ: 8.917,0 m2; tuyến năng lượng phụ: 10.310,4 m2; đường thi công TC 1, 2: 13.011,7 m2; khu phụ trợ: 10.561,8 m2; bãi thải: 37.468,7 m2.

Mục đích sử dụng đất là đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng (thực hiện xây dựng công trình thủy điện Đăk Lô 1 theo Quyết định chấp thuận chủ trương số 420/QĐ-UBND ngày 16/5/2021; Quyết định số 579/QĐ-UBND ngày 9/9/2024 về điều chỉnh chủ trương).

Đối với các hạng mục, gồm công trình ngầm; nhà quản lý điều hành nhà máy; đường vận hành VH; Kênh xả (cửa xả); tuyến đập cửa chính; tuyến đập phụ; tuyến năng lượng phụ thời hạn sử dụng đất 50 năm. Đối với các hạng mục, gồm đường thi công TC 1, 2; khu phụ trợ; bãi thải có thời hạn sử dụng đất đến ngày 31/12/2025 .

Hình thức cho thuê đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Phương thức cho thuê đất là cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án có sử dụng đất.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển thông tin địa chính thửa đất cho cơ quan thuế có thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định; ký hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 theo quy định; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao đất trên thực địa cho tổ chức sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 sau khi đơn vị hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dự án công trình thủy điện Đăk Lô 1 của Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 theo mục tiêu, quy mô, tiến độ dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Cục Thuế tỉnh xác định, hướng dẫn, thông báo kịp thời cho Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 thực hiện hồ sơ, thủ tục và chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong việc xác định đơn giá thuê đất, thu tiền sử dụng đất, khoản phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác của dự án theo đúng quy định, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

UBND huyện Kon Plông thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng đất, đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và việc chấp hành các quy định pháp luật khác có liên quan của Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tính chính xác, sự phù hợp của quy mô diện tích, phạm vi, ranh giới và xác nhận số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án theo quy định; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi, đối tượng vi phạm liên quan đến việc đầu tư, xây dựng, sử dụng đất (nếu có)… liên quan đến dự án công trình thủy điện Đăk Lô 1 theo thẩm quyền.

Công ty TNHH Thủy điện Đak Lô 1-3 khẩn trương bố trí mọi nguồn lực hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình theo dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các cấp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan.

Nguồn: https://baodautu.vn/thuc-tien-do-de-an-metro-7203-ty-usd-dau-tu-19784-ty-dong-xay-cao-toc-nam-dinh—thai-binh-d229604.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Hoàn thành 2 tuyến cao tốc tại Cao Bằng-Lạng Sơn ngay trong năm 2025

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại 2 dự án này. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn. Thủ tướng đã đi thực địa nắm bắt tình hình triển khai dự án và tặng quà động viên...

Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền

Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền (Haiphong.gov.vn) - Sáng 14/11, đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các đại biểu Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri...

Đoàn công tác của thành phố Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) thăm xã giao thành phố Hải Phòng

Đoàn công tác của thành phố Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) thăm xã giao thành phố Hải Phòng 14/11/2024 17:00 ...

Xây dựng Hải Phòng trở thành Đô thị thông minh, hiện đại, thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống

Xây dựng Hải Phòng trở thành Đô thị thông minh, hiện đại, thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống (Haiphong.gov.vn) - Chiều 14/11, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả thực hiện Nghị...

Tập đoàn Manulife toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tập đoàn tài chính Manulife vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với sự tăng trưởng nổi bật ở nhiều chỉ số kinh doanh, nối tiếp đà tăng của quý 2 trước đó. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024, Tập đoàn Manulife toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi Doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) tăng 40%, Lợi nhuận cận biên từ hợp đồng bán mới (New Business CSM) tăng...

Cùng chuyên mục

Hoàn thành 2 tuyến cao tốc tại Cao Bằng-Lạng Sơn ngay trong năm 2025

Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có mặt tại 2 dự án này. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn. Thủ tướng đã đi thực địa nắm bắt tình hình triển khai dự án và tặng quà động viên...

Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền

Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri quận Ngô Quyền (Haiphong.gov.vn) - Sáng 14/11, đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các đại biểu Tổ đại biểu số 2 và 3 HĐND thành phố khóa XVI tiếp xúc cử tri...

Đoàn công tác của thành phố Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) thăm xã giao thành phố Hải Phòng

Đoàn công tác của thành phố Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) thăm xã giao thành phố Hải Phòng 14/11/2024 17:00 ...

Xây dựng Hải Phòng trở thành Đô thị thông minh, hiện đại, thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống

Xây dựng Hải Phòng trở thành Đô thị thông minh, hiện đại, thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống (Haiphong.gov.vn) - Chiều 14/11, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả thực hiện Nghị...

Tập đoàn Manulife toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng

Tập đoàn tài chính Manulife vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với sự tăng trưởng nổi bật ở nhiều chỉ số kinh doanh, nối tiếp đà tăng của quý 2 trước đó. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024, Tập đoàn Manulife toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng khi Doanh thu phí bảo hiểm quy năm (APE) tăng 40%, Lợi nhuận cận biên từ hợp đồng bán mới (New Business CSM) tăng...

Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Dương Kinh phục vụ Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024

Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Dương Kinh phục vụ Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 14/11/2024 11:35 ...

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ Trước đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác cùng lãnh đạo thành phố đã tới dâng hương tại đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ huyện Bạch Long Vĩ, thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ Trạm...

Đường sắt Lào Cai – Hải Phòng 11,6 tỷ USD được triển khai thế nào?

Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) đang xúc tiến lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Đây sẽ là tuyến đường được xây mới theo khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, thay thế tuyến đường khổ 1.000mm từ thời Pháp. Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT, PMU Đường sắt cho biết Tư vấn lập báo cáo tiền khả thi phía Việt Nam (liên danh TEDI – TRICC – Hưng...

Từ chối thư mời của đại học Mỹ, 8X Hàn Quốc tới Việt Nam làm tiến sĩ

Ngày hoàn thành bảo vệ luận án, anh Ko Dong Hyun cho biết bản thân cảm thấy xúc động, biết ơn và tự hào. “Hành trình này không chỉ là sự trưởng thành về mặt học thuật mà còn làm giàu trải nghiệm sống của tôi”, anh Ko – người Hàn Quốc đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội – nói. Sống tại thủ đô Seoul, anh Ko Dong Hyun từng...

Khi các ngôi sao phải tỏa sáng nếu muốn đấu AFF Cup

CLB CÔNG AN HÀ NỘI, NAM ĐỊNH TẬN DỤNG THỜI CƠ ? Cuộc cạnh tranh ngôi đầu bảng V-League đang diễn ra hấp dẫn khi khoảng cách giữa đội đứng nhất (CLB Thanh Hóa) và đội thứ 8 (CLB Hà Nội) chỉ là 4 điểm. Vì thế, một trận thắng có thể giúp các đội cải thiện đáng kể thứ hạng. Và đáng chú ý hơn, có đến 3 cặp đấu ở vòng 8 là cuộc đối đầu của các...

Tin nổi bật

Tin mới nhất