Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển trọng điểm vùng kinh tế phía Bắc. Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm này, Công an thành phố đã quan tâm chỉ đạo, phân công Phòng An ninh Kinh tế là đơn vị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cảng biển để triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh trật tự trên địa bàn tuyến cảng thành phố, phục vụ phát triển kinh tế bền vững của thành phố và của cả vùng.
Hệ thống tuyến cảng biển thành phố Hải Phòng trải dài hơn 11km từ chân cầu Kiền đến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Là một cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia với 50 bến cảng lớn nhỏ trong đó có 26 bến cảng tổng hợp, 11 bến cảng xăng dầu, 13 bến cảng container của 40 doanh nghiệp cảng khai thác, đóng vai trò là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, là đầu mối giao thông hàng hải huyết mạch giữa khu vực với cả nước và quốc tế, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Trong năm 2023, hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu cảng biển ước đạt 6.700,5 tỷ đồng, tăng 1,11% so với cùng kỳ.
Trong những năm tới, trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án đầu tư xây dựng cảng biển, dự báo sản lượng hàng hóa, tàu thuyền lưu thông tiếp tục tăng cao.
Khu bến cảng container Lạch Huyện – Hải Phòng đến năm 2027 sẽ có 8 bến với tổng chiều dài 3.300m và năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu Teu (Nguồn: Internet)
Thời gian qua, nhìn chung hoạt động của các tổ chức, cá nhân tại các cảng biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã ổn định. Tuy nhiên, thông qua các cảng sông, cảng biển còn xuất hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, nhập hàng hoá trong danh mục cấm, trốn thuế của các doanh nghiệp và các đơn vị chủ hàng, tình trạng các đối tượng ngoài cảng có hành vi xâm phạm tài sản và hàng hoá trên địa bàn các cảng với diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi làm ảnh hưởng đến an ninh trong tuyến cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng và tình hình an ninh trật tự tại địa bàn nói chung…
Lĩnh vực quản lý, kinh doanh, khai thác cảng biển và hoạt động vận tải biển được xác định là địa bàn, lĩnh vực trọng yếu về an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh trật tự. Phòng An ninh Kinh tế đã tham mưu, hướng dẫn Ban Giám đốc các Cảng, Chi nhánh, văn phòng đại diện các hãng tàu thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến ANTT, tình hình cán bộ đi công tác nước ngoài, các đoàn nước ngoài đến thăm, làm việc tại địa bàn cảng, tình hình khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh tế.
Đồng thời kiến nghị với Ban lãnh đạo các cảng, chi nhánh, văn phòng đại diện các hãng tàu làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ công nhân viên nâng cao ý thức cảnh giác tích cực tham gia công tác phòng, chống các loại tội phạm, hoàn thiện nội quy, quy chế tại cơ quan, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phòng An ninh Kinh tế còn đẩy mạnh việc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên toàn hệ thống cảng biển, các chi nhánh, văn phòng đại diện hãng tàu với hình thức phù hợp.
Đặc biệt, trong năm 2023, đơn vị đã tham mưu Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với UBND quận Hồng Bàng triển khai xây dựng mô hình “Liên kết bảo đảm an ninh trật tự tuyến cảng trên địa bàn quận Hồng Bàng” và phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại Công ty CP Cảng Hải Phòng và Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực I…
Thượng tá Hoàng Quang Hòa – Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế cùng CBCS Đội 4 làm việc tại Cảng Hải Phòng
Trong thời gian tới, Phòng An ninh kinh tế sẽ tiếp tục chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những dấu hiệu nghi vấn, vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến ANQG trong hệ thống cảng biển và hoạt động vận tải biển; tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng về Hàng hải như Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển… trong công tác quản lý nhà nước để đi sâu nắm tình hình tại địa bàn cảng, hoạt động vận tải biển như hoạt động ra, vào cảng của tàu; hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng, đặc biệt là các loại hàng than, quặng, phân bón…; hoạt động của thuyền viên, nắm tình hình hoạt động thu cước phí của cảng, hoạt động của các doanh nghiệp làm dịch vụ trong cảng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tạm nhập tái xuất…
Qua đó nhằm nắm tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế.
Thượng úy Bùi Tiến Vũ – Cán bộ Đội 4, Phòng An ninh kinh tế