Quý 1-2024, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng tăng 12,59%, gấp 2,22 lần trung bình cả nước (5,67%), đứng thứ 12 cả nước và dẫn đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kết quả này rất đáng ghi nhận, cho thấy sự phục hồi tích cực của kinh tế thành phố sau một năm nhiều khó khăn, biến động, đồng thời thể hiện sản xuất công nghiệp vẫn giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng của Hải Phòng năm 2024.
Người lao động làm việc tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng.
Tiếp tục khởi sắc
Năm 2024, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng được giao sản lượng điện 7.740 tỷ kWh. Tính chung đến 31- 3, sản lượng điện đạt 1.816 tỷ kWh, bằng 23,47% kế hoạch năm. Sản lượng điện thương phẩm đạt 1,651 tỷ kWh, tăng 209,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đại diện lãnh đạo công ty, ngay từ đầu năm, Nhiệt điện Hải Phòng thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, tập trung vào các hạng mục: Chuẩn bị nguyên, nhiêu liệu, vật tư phục vụ sản xuất; tăng cường kỷ cương, kỷ luật vận hành, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật; bảo dưỡng sửa chữa kịp thời các khiếm khuyết. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp than để đáp ứng đủ than phục vụ các tổ máy vận hành, duy trì lượng than tồn kho theo quy định.
Ở khối quận, huyện, quý 1-2024, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5.302 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ, đạt 20,34% kế hoạch năm. Một số quận, huyện có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ như: Quận Hải An tăng 32,74%; huyện Thuỷ Nguyên tăng 17,60%; huyện Tiên Lãng tăng 17,27%… từ đó đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành cho biết: Những tháng đầu năm 2024, ngành triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp; rủi ro bất ổn chính trị, kinh tế- xã hội gia tăng trong nhiều khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Công Thương, Thành uỷ, HĐND, UBND cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố, toàn ngành Công Thương nỗ lực phấn đấu, triển khai ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm theo kế hoạch. Nhờ đó nối tiếp được đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, đưa chỉ số IIP trong quý 1- 2024 tiếp tục khởi sắc, trong đó các ngành kinh tế cấp 1 đều tăng trưởng dương như: Ngành khai khoáng tăng 16,84%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,22%, đóng góp 10,79 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 23,61%, đóng góp 1,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,97%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Thêm giải pháp đồng bộ
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ đầu quý 1 và nhất là trong tháng 3-2024, sản xuất công nghiệp cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực. Kết quả này phản ánh rõ qua việc các doanh nghiệp nối lại những chuỗi cung ứng bị đứt gãy trước đó để tăng đơn hàng. Thị trường dần mở rộng với tổng cầu tăng lên. Các doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng và chủ động nắm bắt tình hình để không bỏ lỡ cơ hội dù tiêu chuẩn từ thị trường xuất khẩu ngày càng tăng. Trong quý 1, một số ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng tăng 103,63%; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 91,87%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 76,17%…
Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế chủ chốt của Hải Phòng như GRDP; IIP; thu ngân sách… đều tăng trưởng ở mức cao nhưng trên thực tế, nhiều địa phương khác cũng đang tăng trưởng nhanh và Hải Phòng không quyết liệt, quyết tâm có thể bị tụt hậu. Với IIP, Hải Phòng cũng không thể tự bằng lòng khi một số địa phương có mức tăng trưởng rất cao như Khánh Hòa gần 37%; Phú Thọ 26,6%; Bắc Giang gần 24%; Thanh Hóa 20%…
Trước tình hình đó, trong quý 2-2024, ngành Công Thương tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp như tham mưu UBND thành phố thành lập các cụm công nghiệp mới: Cẩm Văn, Lê Thiện – Đại Bản; đề xuất khảo sát nghiên cứu xây dựng hạ tầng các Cụm công nghiệp: Quốc Tuấn, Quang Hưng, Đoàn Xá… Bên cạnh đó, chỉ đạo ngành Điện lực bảo đảm cung ứng điện cho hoạt động kinh doanh – sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa nắng nóng… Về phía thành phố sẽ tiếp tục tập trung phát triển một số lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là lĩnh vực kinh tế biển để Hải Phòng thực sự đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, sớm trở thành thành phố có công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số, trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các các vùng nội địa, làm cơ sở phát triển mạnh dịch vụ logistics và hạ tầng phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Hải Phòng cũng đang nghiên cứu cứu thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bảo đảm cân đối, hài hoà giữa lợi ích kinh tế và yêu cầu xanh, bền vững. Đây sẽ là kim chỉ nam, đưa thành phố tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng kinh tế nói chung, tăng trưởng IIP trong năm 2024 và những năm tiếp theo.