Hải Phòng cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội (1976-1986)
I. Giai đoạn từ 1975 – 1980
1. Về phát triển kinh tế:
– Công nghiệp: thành phố tập trung chỉ đạo thi công và hoàn thành các công trình trọng điểm trong xây dựng cơ bản như: xí nghiệp gạch Tiên Hội, Xi măng, bệnh viện trẻ em, xí nghiệp bột nhẹ Minh Đức, giầy vải Tam Quán, bệnh viện lao, cầu Rào, đường 14 … Kết quả sản xuất của hầu hết các xí nghiệp trung ương quản lý đều đạt và vượt kế hoạch. Một số xí nghiệp được đưa vào sản xuất và mở rộng như cơ khí Đà Nẵng, nhà máy giấy, thảm len, thảm đay, bột nhẹ. Cơ khí sửa chữa phục vụ nông nghiệp đã có tiến bộ. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu được chú trọng.
– Nông nghiệp: Đã hình thành các khu kinh tế mới Gia Minh (Thuỷ Nguyên), Đông Hải, Nam Hải, Tràng Cát, Đình Vũ (An Hải), đường 14 (An Thuỵ), Hai Gió – Đầm Trấu (Thuỷ Nguyên), Vinh Quang (Tiên Lãng), Phù Long (Cát Hải). Trong năm 1976 huyện Vĩnh Bảo, An Hải đã hoàn thành việc đưa 100% hợp tác xã, Tiên Lãng 68% hợp tác xã lên quy mô toàn xã. Tăng cường việc thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất, tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý hợp tác xã, quy hoạch và điều chỉnh lại sản xuất để phù hợp với phương hướng sản xuất mới. Những biện pháp trên đã tạo ra năng suất lúa đạt khá cao, lần đầu tiên nông nghiệp Hải Phòng năng suất lúa đạt bình quân 5,025 tấn/ha. Nhiều hợp tác xã ở An Hải, Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên đạt từ 6-8 tấn/ha.
Thành phố đã chỉ đạo xây dựng đề án phát triển nghề khơi, khôi phục các nghề truyền thống có năng suất cao nhằm giải quyết cá tươi cho nhân dân, phấn đấu đạt 25.000 tấn cá và 23.000 tấn muối vào năm 1978.
– Hoạt động thương nghiệp, xuất khẩu, tài chính, tiền tệ, giá cả được Thành uỷ, UBND thành phố tập trung chấn chỉnh tổ chức, khai thác nguồn hàng, mạng lưới bán hàng, quản lý thị trường, cải tạo tiểu thương, cải tiến phương pháp phân phối, ổn định giá cả. Năm 1976 kim ngạch xuất khẩu của thành phố vượt kế hoạch 6%, tăng 27% so với năm 1975.
Những năm 1978-1980: đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thử thách lớn. Chỉ vài năm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ác liệt và chính sách bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch. Đồng thời, những nhược điểm của mô hình, cơ chế quản lý kinh tế cũ đã bộc lộ rõ và trở thành lực cản sự phát triển kinh tế – xã hội.
Vượt qua khó khăn thử thách, Hải Phòng cùng với cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Thời kỳ này, Đảng bộ Hải Phòng đã xác định trong những năm trước mắt “nông nghiệp, ngư nghiệp là mặt trận hàng đầu”. Do vậy, Thành uỷ, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền tập trung với nỗ lực cao nhất để tạo chuyển biến mới trên mặt trận nông nghiệp, góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực, thực phẩm đang diễn ra gay gắt. Kết quả năng suất lúa đã từng bước được nâng lên, phục hồi như trước khi xảy ra hai cuộc chiến tranh biên giới. Thành phố có các hợp tác xã Cổ Am, Vĩnh Phong, Vĩnh Tiến (Vĩnh Bảo), Đông Sơn (Thuỷ Nguyên) đạt từ 60 – 70,3 tạ/ha.
Từ cuối năm 1977, công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng liên tục gặp khó khăn về vật tư, nhiên liệu, điện. Các cơ sở của Trung ương cũng như các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương đã tích cực tìm kiếm, khai thác nguyên liệu, phát huy năng lực của mình, cố gắng thực hiện phương hướng sản xuất và kế hoạch nhà nước. Ngành công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp có tiến bộ trong phục vụ nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, phục vụ tốt yêu cầu quốc phòng. Giá trị tổng sản lượng năm 1978 tăng 26,8% so với năm 1976, bình quân hàng năm tăng 13,4%, năm 1979 vượt kế hoạch 1,5%. Các chỉ tiêu về sản xuất máy bơm nước, tuốt lúa, tàu cá đều hoàn thành kế hoạch. Các mặt hàng phụ tùng xe đạp, đồ nhựa, hàng giả da, giày vải, thảm len, hàng thêu tăng tương đối nhanh. Năm 1977 sản xuất muối đạt 26.000 tấn (cao nhất so với trước), năm 1978 chỉ đạt 18.300 tấn, năm 1979 là 18.000 tấn.
Hải Phòng bị tàn phá nhiều trong chiến tranh nên Đảng bộ và nhân dân thành phố phải dành nhiều tiền của, công sức để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng các công trình phúc lợi và sản xuất. Hai năm 1977 – 1978, thành phố xây dựng 150.000 m2 nhà ở. Một số công trình trọng điểm được thi công nhanh như nhà máy nước cầu Nguyệt, đường điện 110 KV Thái Bình – An Lạc, cụm điện Diezel Cửa Cấm, cụm tuốc-bin khí An Lạc, bệnh viện nhi, xí nghiệp giày vải Tam Quán, xi măng Minh Đức, mở rộng đường Lạch Tray, trạm bơm Bát Trang-Quang Trung, công trình đường giao thông điện nước ở đảo Cát Bà, mở rộng đường 14, khởi công xây dựng đường vượt sông Cấm ra đảo Đình Vũ. Công trình cầu Rào đã được tập trung chỉ đạo thi công nhanh, hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng (3-2-1980).
Các hệ thống giao thông đường sắt, đường biển, đường bộ ở Hải Phòng được nhà nước và thành phố đầu tư, khôi phục và mở rộng. Một số cảng sông, biển, sân bay Cát Bi được xây dựng. Tàu biển Thống Nhất hoạt động có hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
2. Về văn hoá-xã hội:
– Về Giáo dục và đào tạo: có 80% số cháu trong độ tuổi ở ngoại thành được đến trường, 100% hợp tác xã nông nghiệp có nhóm trẻ. Trường mẫu giáo xã Phục Lễ (Thuỷ Nguyên) được Bộ giáo dục công nhận là điển hình tiên tiến của cả nước. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 toàn thành phố niên khóa 1978-1979 đạt 92 – 94%, khá giỏi 8%. Những năm 1975-1980 toàn ngành giáo dục có phong trào ngói hoá các trường học ở xã. Dẫn đầu là huyện Vĩnh Bảo hoàn thành việc ngói hoá năm 1980. Ngành học phổ thông có chuyển hướng mạnh theo tinh thần hướng nghiệp dạy nghề. Ngành học giáo dục chuyên nghiệp tiếp tục phát triển.
– Ngành y tế: đã thống nhất mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến, các huyện, thị, khu phố, các đơn vị sản xuất, đầu tư tăng thêm phòng khám, giường bệnh. Thành phố quyết định tách khoa nhi, khoa phụ sản thuộc bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp để lập ra hai bệnh viện mới: bệnh viện nhi (1977) và bệnh viện phụ sản (1978).
– Hoạt động văn hóa – thông tin, báo chí, phát thanh truyền hình: phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị và các công tác trọng điểm, đột xuất của thành phố. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được củng cố, hướng trọng tâm phục vụ nhân dân ngoại thành và hải đảo.
II. Giai đoạn từ 1980 – 1985.
Đây là thời kì đất nước ở trong tình trạng vừa có hoà bình, vừa có thể xảy ra chiến tranh và kinh tế – xã hội lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thành uỷ và các cấp uỷ đảng, chính quyền có nhiều biện pháp cấp thiết nhằm duy trì và giữ vững sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường an ninh – quốc phòng.
1. Phát triển kinh tế:
– Trong Nông nghiệp: Xuất hiện cơ chế “Khoán sản phẩm” trong nông nghiệp. Nghị quyết 24 NQ/TU trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sản xuất, dẫn đến thắng lợi ngay từ vụ đầu. Trong nhiều năm năng suất lúa ở Hải Phòng chỉ đạt xấp xỉ 4 tấn/ha/năm và sản lượng đạt 18 vạn tấn/năm. Ngay vụ khoán đầu tiên vụ mùa 1980 đạt 19 vạn tấn/năm. Năm 1982, Hải Phòng vượt qua “cửa ải” 5 tấn/ha.
Từ thực tiễn ở Hải Phòng, ngày 18-1-1981, Ban Bí thư Trung ương (Khoá IV) ra Chỉ thị 100-CT/TW về “cải tiến công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”.
Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới của quá trình nhận thức và đổi mới về con đường phát triển của nông nghiệp nước ta, là mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế hạch toán tự chủ, tạo nên nhân tố mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp cả nước thoát dần khỏi tình trạng bế tắc và khủng hoảng. Sản xuất nông nghiệp được khôi phục và ổn định, sản lượng lương thực tăng đáng kể.
– Công nghiệp: Trong khi thực hiện nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, các cấp uỷ Đảng vẫn tập trung chỉ đạo sản xuất công nghiệp, thế mạnh cơ bản và lâu dài của thành phố. Thời điểm này, trên địa bàn Hải Phòng có 104 nhà nhà máy xí nghiệp, trong đó 29 nhà máy Trung ương, 75 xí nghiệp địa phương, 258 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp với gần 5 vạn cán bộ, công nhân viên và trên 6 vạn xã viên hợp tác xã sản xuất nhiều mặt hàng truyền thống. Năm 1982 công nghiệp trung ương đạt 109% kế hoạch/năm, công nghiệp địa phương đạt 104% kế hoạch/năm, tăng 4,7% so với năm 1981. Thủ công nghiệp ở 10 huyện, quận và 116 hợp tác xã cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch. Năm 1984, công nghiệp địa phương thực hiện vượt kế hoạch nhà nước về trước 1 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đề ra.
– Hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố đã đóng vai trò rất lớn đối với tích luỹ vốn ban đầu cho sản xuất, xây dựng đô thị, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người lao động. Những năm 1981 – 1984, bình quân kim ngạch xuất khẩu của địa phương tăng 40%/năm.
– Xây dựng cơ bản: Từ những năm 1980 thành phố đã tiến hành xây dựng các công trình lớn như cầu Niệm, cầu Rào, cầu An Dương, sân bay Cát Bi, khu du lịch Đồ Sơn, quán Phong Lan, cống Rỗ, cống An Sơn, cống Trung Trang, trạm bơm Thượng Đồng, cống đập Cái Tắt, mở rộng cảng cửa Cấm, cảng Đình Vũ, trạm bơm 110 KV Lạch Tray, công trình kênh Cái Tráp, cải tạo sông Lấp, làm đường vành đai Kiến An, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà. Nhiều đường chính trong thành phố được cải tạo nâng cấp nối với 5 cửa ô mở rộng vươn ra ngoại thành và các tỉnh bạn.
– Giao thông vận tải: Thành phố thiết lập đội tàu vận tải biển với trọng tải 9.000 tấn, với những con tàu mang tên sông Cấm, Hoa Phượng, Thành Tô, Huế. Những con tàu biển này bước đầu góp phần tích cực vào hoạt động kinh tế ngoại thương, tăng ngân sách cho thành phố. Đến năm 1985, lực lượng vận tải quốc doanh tăng từ 17.000 tấn lên 25.000 tấn và sà lan của các hợp tác xã các huyện từ 1.000 tấn lên 1.500 tấn.
2. Văn hoá – xã hội:
Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu đáng kể. Toàn thành phố có 26 trường cấp 3, 3 trường đại học và 1 phân hiệu đại học y khoa, 1 trường cao đẳng, 2 trường tương đương cao đẳng, 8 trường trung học chuyên nghiệp và 16 trường dạy nghề, bắt đầu triển khai xây dựng các trung tâm dạy nghề ở các quận huyện. Năm 1985, số sinh viên đại học là 5.050, số học sinh chuyên nghiệp là 4.323 và học sinh các trường dạy nghề là 4.725, số học sinh phổ thông là 300.000 em. Nhiều em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.
3. Đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh:
Những thành tựu đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng – an ninh của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng không tách rời sự chuyển biến vững mạnh của hệ thống chính trị trên cơ sở tích cực xây dựng và thực hiện cơ chế ” Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và tăng cường công tác sinh hoạt dân chủ trong Đảng, trong nhân dân. Đảng bộ Hải Phòng luôn phát huy tính năng động trong đổi mới phong cách lãnh đạo, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo tổ chức thực hiện, không chịu bó tay trước khó khăn, luôn hướng về phía trước, suy nghĩ, tìm tòi cách làm mới.
Những năm 1981-1985, Đảng bộ lãnh đạo kinh tế hướng vào xoá tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh XHCN. Đây là một thời kỳ sôi động, Đảng bộ, quân và dân thành phố vận dụng sáng tạo các Nghị quyết Đại hội Đảng thành phố lần thứ IV, lần thứ V, vượt qua thử thách, khó khăn gay gắt do hậu quả của chiến tranh và của đời sống kinh tế – xã hội Hải Phòng, phấn đấu vươn lên giành những thắng lợi to lớn, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Đó là những thắng lợi to lớn, toàn diện trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng Đảng và củng cố, tăng cường cơ sở.
Thắng lợi đó là do Đảng bộ đã xây dựng được khối đoàn kết nhất trí, tăng cường thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ. Mọi tư tưởng chỉ đạo của Thành uỷ được quán triệt tới các tổ chức của hệ thống chính trị, tới các tổ chức cơ sở của Đảng bộ và từng đảng viên. Thông qua giáo dục nâng cao nhận thức, thông qua tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành về lập trường tư tưởng và phẩm chất đạo đức, luôn phát huy vai trò lãnh đạo trong phong trào cách mạng của quần chúng.
Cổng TTĐT tỉnh