Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhấn mạnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh tiếp giáp với Hải Dương nên nguy cơ phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể, làm rõ hậu quả khi để xảy ra dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng thành kế hoạch phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng đánh giá tình hình thực tế, trên cơ sở đó đưa ra các nhiệm vụ yêu cầu và nội dung triển khai thực hiện theo hướng mục tiêu ngăn chặn, xử lý các tình huống kịp thời. Đặc biệt, coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, rà soát thống kê đàn lợn hiện có và triển khai tiêm vaccine, xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chuyên ngành trong triển khai thực hiện các biện phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại trên địa bàn tỉnh không phát sinh ổ dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ phát sinh ổ dịch là rất cao do bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh tiếp giáp với Hải Dương (Quảng Ninh, Hải Phòng). Virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sức khỏe của lợn là điều kiện thuận lợi cho virus dịch tả lợn châu Phi phát triển có thể gây bùng phát dịch, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tổng đàn lợn toàn tỉnh là 440.000 con. Trong đó 42.500 con lợn nái và lợn đực giống, 300.700 con lợn thịt. Lợn con theo mẹ ước khoảng 96.800 con.
6 tháng đầu năm 2024, chăn nuôi lợn ở Hải Dương phát triển ổn định, tăng trưởng 4,6%. Chăn nuôi lợn chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm. Tỷ trọng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, trang trại chiếm trên 60% góp phần nâng sản lượng thịt và hiệu quả trong chăn nuôi. Người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong vận hành, quản lý đàn vật nuôi như máng ăn tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, hệ thống thông gió, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi tự động; hệ thống cung cấp nước uống tự động và máy dọn, thu gom chất thải chăn nuôi; khử trùng tự động nơi ra vào trang trại, chuồng nuôi; máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại; đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học, biogas, chăn nuôi an toàn sinh học…
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay giá lợn tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn ồ ạt nhưng việc quan tâm, sử dụng vaccine còn hạn chế, chưa có vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi tiêm phòng cho đàn lợn nái, đực giống. Người chăn nuôi chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y tối thiểu trong phòng chống dịch bệnh. Việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn, kiểm soát giết mổ lợn ở một số địa phương còn chưa được chặt chẽ…
Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 7 (lần 2) còn xem xét, thảo luận các nội dung, tờ trình: Quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương trong việc triển khai Dự án Thiết chế công đoàn trên địa bàn tỉnh.
Các tờ trình: quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Trung tâm Dữ liệu tỉnh Hải Dương; quy định quản lý, vận hành và tích hợp ứng dụng dành cho người dân Smart-HaiDuong; chiến lược dữ liệu tỉnh Hải Dương đến năm 2030.
Kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Kết quả rà soát, kiểm tra, đánh giá quá trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh của một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.
Đề xuất chủ trương đầu tư một số dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Rà soát 18 dự án khu dân cư, đô thị ở các phường thuộc đô thị loại III trở lên trên địa bàn Hải Dương để để xuất hình thức xây dựng nhà ở hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo phân lô, bán nền phù hợp với quy định pháp luật.
Kết quả giải quyết vướng mắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu cho một số hộ dân tại các xã Cộng Lạc, Văn Tố (Tứ Kỳ).
Rà soát về lĩnh vực đầu tư, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 16 lô đất tại khu dân cư đông Ngô Quyền (TP Hải Dương).
Các nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị và quy hoạch phân khu ở TP Hải Dương và các huyện Ninh Giang, Thanh Hà.
Sắp xếp lại, bố trí trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh; dự toán chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 184/QĐ-TTg.
Giao tài sản công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Phượng Hoàng (nay là xã An Phượng), huyện Thanh Hà.
Di chuyển miếu Thiên Thần thuộc quần thể di tích đình Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (di tích cấp tỉnh) để triển khai đầu tư xây dựng dự án nút giao lập thể với quốc lộ 5 tại xã Kim Xuyên (cùng huyện Kim Thành).
Ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương; quy định số lượng, mức hỗ trợ hằng tháng đối với nhân viên y tế thôn, khu dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/yeu-cau-cac-dia-phuong-chu-dong-giai-phap-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-388108.html