Báo Hải Dương điện tử khởi đăng loạt bài phản ánh về nội dung này.
Không kiên quyết xử lý khi mới phát sinh vi phạm
Khu chuồng trại nuôi gà của gia đình ông Vũ Xuân Hảo, trú tại thôn Thượng Bì, xã Yết Kiêu mọc lên giữa khu đất bãi phía bờ tả kênh Đình Đào ở thôn Dôi Hống, xã Lê Lợi (cùng huyện Gia Lộc). Công trình này nằm hoàn toàn trong phạm vi bảo vệ kênh Đình Đào, rộng hơn 1.000 m2, xây tường móng bằng gạch, dựng cột thép, ốp nhựa kín xung quanh, mái làm bằng khung thép, bắn tôn.
Từ khi ông Hảo mới bắt đầu san lấp, xây dựng công trình (tháng 11/2023) đến ngày 26/3/2024, Trạm Quản lý công trình Sông Sặt (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) đã 2 lần lập biên bản vi phạm, có công văn đề nghị UBND huyện Gia Lộc chỉ đạo chính quyền xã Lê Lợi và các cơ quan chuyên môn của huyện kiên quyết xử lý, giải tỏa. Tuy nhiên ông Hảo vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng.
Ông Đoàn Duy Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: “Hộ ông Hảo nhận khoán lại phần diện tích đất công điền trên qua một người dân ở cùng thôn Dôi Hống. Ban đầu chúng tôi nghĩ ông Hảo chỉ làm cái lều vịt, không ngờ ông ấy làm to thế này. Xã đang chờ hướng dẫn của huyện để có phương án xử lý trường hợp này với quan điểm kiên quyết giải tỏa”.
Tình hình vi phạm trong hệ thống Bắc Hưng Hải những năm gần đây đã giảm rõ rệt. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương phát sinh 96 vụ vi phạm, giảm 83 vụ so với năm 2022. Tuy nhiên, vi phạm mới vẫn phát sinh với nhiều hình thức khác nhau.
Với tâm lý người ta làm được, mình cũng làm được, nên một số hộ dân biết sai vẫn làm, cố tình lấn chiếm, san lấp hoặc xây dựng để thành sự đã rồi. Chỉ tính riêng từ ngày 20/12/2023 đến ngày 20/3/2024, trong hệ thống này đã phát sinh 24 vụ vi phạm, nhiều nhất tại Ninh Giang (9 vụ), Gia Lộc (5 vụ), Tứ Kỳ, Thanh Miện mỗi nơi 3 vụ… Vi phạm chủ yếu là làm nhà kiên cố, nhà tạm, lều quán, san lấp, lấn chiếm, xây tường bao, đào ao, lập vườn.
Như vết dầu loang
So với hệ thống Bắc Hưng Hải, vi phạm mới phát sinh trong hệ thống thủy lợi nội đồng ít hơn, nhưng vi phạm cũ, nhất là những vi phạm trước khi có Luật Thủy lợi (ngày 1/7/2018) nhiều và khó xử lý, giải tỏa.
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Thanh Miện còn 530 vi phạm công trình thủy lợi (151 vi phạm phát sinh sau ngày 1/7/2018). Trong đó có 419 vi phạm công trình do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý và 111 vi phạm công trình do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải quản lý.
Theo UBND huyện Thanh Miện, vi phạm tồn tại nhiều do việc phát hiện chưa kịp thời, một số địa phương còn có tình trạng cán bộ bao che, né tránh, không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, xử lý mang tính hình thức.
Kết quả kiểm tra, rà soát trong quý I/2024 của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho thấy, toàn tỉnh có 111 trường hợp vi phạm thủy lợi nội đồng phải giải tỏa đợt này. Trong đó Kinh Môn nhiều nhất tỉnh với 65 trường hợp. Các vi phạm này tập trung nhiều ở các tuyến kênh tưới KC1 trạm bơm Đèo Ngà và đoạn cuối kênh tiêu Phùng Khắc ở xã Quang Thành, kênh KT9 Trạm bơm Đồng Quan Bến ở xã Thăng Long, kênh KT 13 ở phường Phú Thứ…
Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kinh Môn, bức xúc nhất là hơn 50 trường hợp ven đường tỉnh 389B đoạn qua địa phận xã Quang Thành, lấn cả vào kênh KC1 Đèo Ngà và kênh tiêu Phùng Khắc. Nhiều cầu bê tông, nhà tôn, quán trùm hết mặt kênh. Thị xã Kinh Môn xác định việc giải tỏa vi phạm tuyến kênh này làm điểm, nhưng đến nay mới vận động được 4 hộ giải tỏa dứt điểm, 9 hộ đang thực hiện.
Kênh chính của Trạm bơm Đồng Quan Bến đoạn qua thôn Trung Hòa (xã Thăng Long) là điển hình về kiểu vi phạm xâm lấn. Hơn 20 năm trước, khi kiên cố hóa xong, mặt kênh rộng 5 – 6 m, đến nay có đoạn giảm còn 1,2 m. Hàng chục cầu tạm bằng tấm đan đã dần được kiên cố hoá bằng bê tông tạo lối đi vào nhà các hộ dân liền kề. Hầu hết diện tích dôi ra từ kênh đất trước đây cũng bị xâm lấn thành đất vườn, đất ở. Có vị trí công trình của người dân chỉ còn cách kênh 0,5 m, trong khi quy định tối thiểu phải 2 m.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kinh Môn cho biết các vi phạm kiểu xâm lấn diễn ra từ từ. Do người dân thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở nên nhiều trường hợp vi phạm như một thói quen, với tư duy đi mãi sẽ thành đường. Việc xử lý vi phạm cũng chưa triệt để, chủ yếu chỉ tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Tại một số địa phương khác trong tỉnh có tình trạng vi phạm đã lập biên bản, nhưng sau đó chủ thể vi phạm chuyển nhượng đất, công trình vi phạm này cho chủ mới, chính quyền địa phương không kiểm tra lại tình trạng vi phạm mà vẫn xác định đủ điều kiện chuyển quyền sử dụng đất. “Đến khi rà soát và đề nghị giải tỏa gặp nhiều khó khăn do chủ mới không chấp nhận vi phạm”, ông Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết.
Bài 2: Kinh nghiệm bước đầu ở Ninh Giang, Cẩm Giàng
NHẤT NGUYÊN – THÀNH LONG