Sáng 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu xem xét, trao đổi, thảo luận việc triển khai 9 luật và 10 nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hội nghị lần này nhằm thực hiện kết luận của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, thực hiện cho được chủ trương rất quan trọng của Đảng, Nhà nước được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm cho hệ thống pháp luật được thực hiện một cách công bằng, nghiêm minh. Tại Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
Một là, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội; phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ, các cơ quan về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết, báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Hai là, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành. Tiếp tục ban hành các kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.
Ba là, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương, cơ quan mình.
Bốn là, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; vận động, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết.
Năm là, trong quá trình triển khai thi hành pháp luật, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp mới vào Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, nâng tổng số nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 156, trong đó, đã hoàn thành 115/156 nhiệm vụ (73,7%), còn 41 nhiệm vụ đang triển khai hoặc cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát. Với khối lượng rất lớn nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan được phân công phối hợp chặt chẽ tổ chức nghiên cứu sớm kịp thời bổ sung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ…
PV