Nơi đây nằm nép mình bên một thung lũng nhỏ, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển và vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ hiếm có.
Ở Hoài Khao có 34 hộ dân sinh sống và 100% là người dân tộc Dao Tiền. Bà con nơi đây hiện vẫn lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Điểm ấn tượng mà du khách dễ nhận thấy nhất khi tới Hoài Khao là kiến trúc nhà cổ bằng gỗ và lợp ngói âm dương. Ngoài nếp nhà chính để sinh hoạt, mỗi ngôi nhà còn có một kho chứa thóc làm bằng gỗ nằm tách biệt bên ngoài.
Hoàng Minh Đức (nhiếp ảnh gia tự do, ở Hà Nội) có dịp ghé thăm Hoài Khao vào đầu tháng 9 vừa qua. Anh không khỏi trầm trồ trước khung cảnh tuyệt đẹp của một xóm nhỏ nằm nép mình bên cánh đồng lúa bạt ngàn.
“Là người ủng hộ du lịch bền vững nên khi đặt chân tới đây, mình hoàn toàn ấn tượng và bị thu hút bởi sự chỉn chu, ngăn nắp, sạch sẽ. Đặc biệt hơn, bà con địa phương vẫn còn giữ được gần như vẹn nguyên nét đẹp của lối kiến trúc, cảnh quan tự nhiên vốn có”, Minh Đức chia sẻ.
Cũng bởi vậy, thay vì chỉ tham quan trong thời gian ngắn, ăn trưa rồi đi thêm rừng trúc và đồi cỏ trong khu vực, 9X cùng bạn bè bỏ hết lịch trình dự kiến ban đầu để ở lại đây lâu hơn, tới chiều muộn mới rời đi.
Theo nhiếp ảnh gia trẻ, ngoài tận hưởng cảnh quan nguyên sơ, yên bình và trong lành, du khách tới Hoài Khao còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người Dao Tiền với nhiều hoạt động đặc trưng như chạm khắc bạc, chấm hoa văn bằng sáp ong, bắt cá chép ruộng, hát páo dung.
Bà con dân tộc nơi đây có phương pháp thêu và in hoa văn bằng sáp ong rất độc đáo, từ đó sáng tạo ra những bộ trang phục tinh xảo, kỳ công với đủ họa tiết bắt mắt như hình học, chim thú, hoa lá, cỏ cây…
Ngoài ra, nếu khách du lịch có nhu cầu, người dân trong xóm sẽ biểu diễn, tái hiện lễ cấp sắc (lễ trưởng thành) mà khoảng 10 – 15 năm mới có một lần.
“Mỗi người dân trong bản là một hướng dẫn viên, bạn hãy hỏi thăm họ khi đến đây để có trải nghiệm thú vị và trọn vẹn nhất”, 9X nói thêm.
Minh Đức nhận xét cung đường tới xóm Hoài Khao khá dễ đi nên những du khách dù tay lái yếu cũng có thể chạy xe máy đến tận nơi.
Tuy nhiên, du khách nên tìm và đi theo hướng dẫn tới vị trí “nhà văn hóa xóm Hoài Khao” để tới được bản vì theo Minh Đức, định vị điểm đến này trên Google Maps bị sai. “Chúng mình tìm vị trí của xóm dựa trên Google Maps nên đi lạc khoảng 20km”.
Theo nhiếp ảnh gia Hà Nội, thời điểm lý tưởng để ghé thăm Hoài Khao là từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9 hàng năm. Đây cũng là lúc xóm nhỏ vào mùa lúa, khung cảnh đẹp thơ mộng, du khách đứng đâu check-in cũng có ảnh đẹp mang về.
Mặc dù là điểm đến mới trên bản đồ du lịch Cao Bằng và chưa được nhiều người biết tới nhưng Hoài Khao vẫn để lại ấn tượng đậm nét với bất kỳ du khách nào từng ghé thăm. Đó là nền tảng du lịch bền vững, ưu tiên bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
“Hoài Khao là điểm đến xứng đáng, nhất là với những ai thích du lịch trải nghiệm, tận hưởng trọn vẹn văn hóa địa phương. Mình cũng hy vọng nơi đây không bị du lịch hóa làm mất đi bản sắc và vẫn giữ được ý nghĩa cốt lõi của một địa điểm du lịch cộng đồng”, Minh Đức bày tỏ.
TB (theo Vietnamnet)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/xom-nho-o-cao-bang-an-minh-giua-lung-chung-nui-canh-dep-nhu-tranh-394892.html